Tăm tre thay đổi phận đời

Tăm tre thay đổi phận đời
TP - Vượt qua nỗi đau số phận, chàng trai miền gió cát Quảng Bình đã không những tạo ra được những sản phẩm từ tăm tre giúp gia đình có thêm thu nhập mà còn dạy nghề miễn phí cho những người đồng cảnh ngộ.

Nỗi đau

Là con út trong một gia đình nông thôn nghèo có 5 anh em, từ nhỏ Lê Văn Hóa (sinh năm 1973) ở xóm 12, thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã gặp nhiều bất hạnh. Trưởng thành, anh chị đầu xây dựng gia đình, một mình Hóa lo toan cho cả gia đình gồm bà cô bị tật nguyền, chị gái bị liệt, bố mẹ quanh năm ốm đau, bệnh tật.

Năm 1996, một cô gái trong thôn đã đến với anh, cùng anh chăm sóc cho 4 người già cả, ốm yếu. Ốm đau, bệnh tật, bố anh qua đời và không ai ngờ, chưa đầy 50 ngày cúng cơm bố thì đứa con trai đầu lòng cũng bỏ vợ chồng anh mà đi vì bị tiêm nhầm thuốc.

Tai họa vẫn chưa buông tha gia đình Hóa. Năm 2005, anh vay vốn đi lao động ở nước ngoài. Nhưng trên đường ra Hà Nội, Hóa bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống. Sau cả tháng trời điều trị, anh về quê khi bị liệt nửa người.

Que tăm thay đổi cuộc đời

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ : Ban Bạn đọc Báo Tiền Phong 15- Hồ Xuân Hương- Hà Nội.

Cuộc sống của Hóa cứ lặng lẽ trôi. “Đầu năm 2008, trong một lần xem ti vi thấy giới thiệu về ngôi nhà làm bằng tăm tre chỉ mất có 30 giây của một chiến sỹ, tôi cảm quý trọng người chiến sỹ ấy và nghĩ mình phải cố làm được cái gì để giúp đỡ vợ con chứ không thể ăn không ngồi rồi như vậy ”- anh Hóa tâm sự.

Anh mua tăm tre, keo về tập làm. Qua gần một năm mày mò, cuối cùng anh cũng làm ra sản phẩm. Càng làm, anh càng thích thú và say mê. Những sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp đều được anh thiết kế khá bắt mắt nhưng không có mối tiêu thụ. Một hôm, có mấy em học sinh tới nhà vô tình nhìn thấy những mô hình từ tăm tre của anh, thích thú hỏi mua.

Dịp may đến với anh. Anh đã ghi được địa chỉ và viết thư trao đổi với những người khuyết tật ở Hà Nội về những sản phẩm của mình. Sau một tuần gửi sản phẩm đi, anh nhận được tin báo đã bán hết. “Lần đầu tiên từ khi bị tật nguyền cầm được đồng tiền do chính tay mình làm ra, mình vui lắm!”- anh Hóa nói.

Qua chuyến hàng này, có một người ở Hà Nội đã tặng anh một chiếc máy tính. Từ đó, Hóa có thể lên mạng, tìm mẫu mã và quảng bá cho sản phẩm của mình. Từ những que tăm nhỏ bé, qua đôi bàn tay khéo léo của anh Hóa, những mô hình từ đơn giản đến phức tạp như Chùa Một Cột, Lăng Bác, Tháp Rùa... đã được anh dựng lên một cánh sinh động. Sản phẩm không những để bán cho người dân địa phương mà còn được tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài nước.

Với bàn tay, khối óc của mình, anh cùng vợ nuôi 2 cô con gái đang học lớp 3 và lớp 8. Anh còn dạy nghề cho 3 người cùng cảnh ngộ tại nhà. Với những người ở xa, không có khả năng đi đến, anh gửi cho họ một vài sản phẩm để họ học và làm theo. Trong 3 học viên của anh, có hai người đã có thể tự làm ra sản phẩm để bán.

“Mình đang làm thêm nghề hoa văn. Nếu thành công, mình sẽ dạy nghề cho các em gái cùng cảnh ngộ. Trong thời gian tới, mình mong mở được một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật tại quê hương nhưng khó là nhà cửa chật chội, không có chỗ ở cho họ. Giá mà có được chiếc xe 3 bánh như của anh Diêm Trọng Thắng ở Bắc Ninh thì chắc mình có thể đi đây đó để giúp đỡ được nhiều người hơn”- anh Hóa bộc bạch.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG