Đắk Nông:

Tâm sự của cô giáo nhận dạy trẻ chuyên biệt, từng mang tiếng... 'bị điên'

Cuối tuần, căn nhà cấp 4 bằng gỗ nhỏ nằm ở cuối thôn 8 (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) trở nên náo nhiệt với tiếng cười đùa, gọi nhau í ới của những đứa trẻ chuyên biệt. Chủ nhân ngôi nhà là cô giáo Trương Thị Thanh Tâm, người từng bị gọi là “điên” khi nhận nuôi dạy miễn phí cho hàng chục trẻ khuyết tật.

Cô Trương Thị Thanh Tâm hiện là giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Năm 2016, cô Tâm bắt đầu nhận trẻ khuyết tật về nhận thức để chăm sóc, trợ giúp các em. Hiện, lớp học có 27 em, em lớn nhất 17 tuổi và nhỏ nhất 2 tuổi. Có em nhìn khuôn mặt rất thanh tú, nhưng không khó để nhận biết em bị chậm nói, hoặc bị tự kỷ, có em bị rối loạn ngôn ngữ, tăng động...

Tâm sự của cô giáo nhận dạy trẻ chuyên biệt, từng mang tiếng... 'bị điên' ảnh 1

Nữ giáo viên sinh năm 1986 bên cạnh học trò của mình

Ngồi lặng lẽ nhìn những đứa trẻ đang nghiêm túc học bài, nữ giáo viên bồi hồi kể về quyết định thành lập lớp học: “Trước đây mình học chuyên ngành về Giáo dục chuyên biệt, với mục đích là có kỹ năng, kiến thức giúp người chị gái của mình phục hồi. Về sau, như bệnh nghề nghiệp nên mình hay để ý và nhận ra ngày càng có nhiều trẻ bị khuyết tật đang sống xung quanh. Tuy nhiên, có một thực tế, người nhà thậm chí không nhận ra, không chấp nhận các con bị khiếm khuyết. Nhiều con không được can thiệp kịp thời nên tình trạng ngày càng nặng hơn”.

Là một giáo viên mầm non, lại là người có thời gian dài gắn bó với người chị gái bị khuyết tật, nên cô Tâm có tình cảm đặc biệt với những đứa trẻ ấy. Đáng lẽ được đến trường, được hòa đồng cùng bạn bè thì các bé lại bị cô lập do những khác biệt, thế nên, khi cô Tâm càng quyết tâm mở lớp nhận hỗ trợ cho trẻ chuyên biệt miễn phí hoàn toàn tại nhà.

Tâm sự của cô giáo nhận dạy trẻ chuyên biệt, từng mang tiếng... 'bị điên' ảnh 2

Cô Tâm đến với những đứa trẻ khiếm khuyết xuất phát từ câu chuyện của gia đình

“Từ giữa năm 2016, mình bắt đầu nhận can thiệp sớm cho trẻ bị khuyết tật. Dần dần số phụ huynh biết nhiều hơn nên đưa trẻ đến xin học vì thấy các con học ở đây có tiến bộ. Khi số trẻ nhiều hơn, mình và một số bạn tình nguyện viên đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ chuyên biệt Thiện Tâm để thu hút nhiều người cùng chung tay giúp đỡ những em không may mắn. Lớp học hoàn toàn miễn phí nên nhiều người nghĩ mình không bình thường, thậm chí, cho rằng cô “bị điên”” - nữ giáo viên tâm sự.

“Thực ra nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về khiếm khuyết của các con, nên không thể cải thiện tình trạng của các cháu và hay gọi môm na là các cháu bị “điên”. Để giúp các cháu sớm hòa nhập, thật sự mình cũng phải “điên” như các cháu. Rồi từ từ, định hướng, hướng dẫn các cháu thoát ra khỏi cái điên đó. Nếu thoát ra được, coi như là thành công”, cô Tâm chia sẻ thêm.

Tâm sự của cô giáo nhận dạy trẻ chuyên biệt, từng mang tiếng... 'bị điên' ảnh 3

Cô giáo Trương Thị Thanh Tâm nhận nuôi dạy miễn phí cho hàng chục trẻ khuyết tật.

Theo cô Tâm, mỗi em một tình trạng, mỗi tính nên đều có một giáo án riêng. Một số em cần phải tăng cường hoạt động nhóm để rèn các kỹ năng như vận động, chỉnh âm, nhận biết môi trường xung quanh... Một số em phải tăng cường giáo dục cá nhân, chỉ một cô một trò để giúp các em nhanh chóng phục hồi hạn chế của mình.

Chỉ tay về phía cậu học trò Nguyễn Văn Phúc Duy (SN 2015) đang chăm chú tập vẽ, cô Tâm cho biết, ngày mới vào lớp dù mới 4 tuổi nhưng Phúc Duy rất ít nói. Nguyên nhân chủ yếu cũng do bố mẹ bận rộn, em thường xuyên ở nhà với bác cũng bị câm điếc nên điện thoại và máy tính bảng là người bạn thường xuyên của em.

Sau khi đi khám, gia đình mới phát hiện em bị chứng rối loạn ngôn ngữ, chậm nói. Phải mất rất nhiều thời gian bố mẹ em mới chấp nhận và tìm cách chữa trị.

Hay như em Nguyễn Đình Đức (SN 2013) khi mới đến học chỉ ngồi một góc và nói chuyện một mình. Điều lạ là em kể rất rành mạch các chương trình trên truyền hình. Bố mẹ em cho biết vì công việc bận rộn nên thường hay cho con xem ti vi nhiều và do ít giao tiếp nên dần dần em trở nên thu mình hơn.

Sau một thời gian tham gia lớp học, cả hai em Duy và Đức đều đã nhanh nhẹn, hoạt bát và thích tham gia các hoạt động tập thể hơn.

Cô Thanh Tâm cho biết, các em đến với lớp học có tình trạng khác nhau, có em bị nhẹ nhưng cũng có em bị rất nặng. Trong đó, có một trường hợp đặc biệt khi trẻ vừa tự kỷ vừa tăng động, giảm tập trung nên có khi đánh cả cô giáo và các bạn. Vừa mong muốn can thiệp cho em nhưng không có nhiều thời gian nên cô Tâm quyết định dạy riêng cho em vào các buổi tối. Sau một thời gian, em thuần tính, không còn đánh người xung quanh và thích giao tiếp hơn.

Tâm sự của cô giáo nhận dạy trẻ chuyên biệt, từng mang tiếng... 'bị điên' ảnh 4

Sau một thời gian theo học, các bé đều được cải thiện tình trạng

Chị Trần Thị Giang Hương, một phụ huynh cho biết: “Con trai đến 3 tuổi vẫn chưa nói. Khi biết cô Tâm mở lớp, tôi đã tìm hiểu và xin cho cháu tham gia. Qua gần 2 năm, tôi thật sự rất mừng khi con trai nhanh nhẹn, nói chuyện nhiều, nói to và rõ ràng. Cháu còn sống rất tình cảm và biết chia sẻ. Cuối tuần có mệt hay đau ốm gì cháu cũng đòi đến cô Tâm”.

Với sự cố gắng của cô Tâm, từ khi mở lớp đến nay đã có 3 em khỏi và nhiều em hiện nay đã cải thiện được tình trạng tật. Thấy được ý nghĩa của việc lớp học nên số học sinh đến lớp ngày càng đông hơn.

Tâm sự của cô giáo nhận dạy trẻ chuyên biệt, từng mang tiếng... 'bị điên' ảnh 5

Nhiều trẻ đã đọc, viết và tính toán được

Nữ giáo viên sinh năm 1986 tâm sự: “Hiện nay nhiều phụ huynh bận rộn làm ăn, nên ít có thời gian quan tâm đến con, khiến các cháu chịu nhiều thiệt thòi. Qua việc mở lớp, một phần mình muốn giúp các cháu một phần cũng mong góp tiếng nói để nhiều phụ huynh quan tâm, dành nhiều thời gian hơn để yêu thương và chia sẻ với con. Bên cạnh việc giúp được các em, mình cũng hiểu rõ hơn khi sống yêu thương và chia sẻ sẽ hạnh phúc hơn nhiều”.

Thấy được ý nghĩa của việc lớp học nên ngày càng có nhiều nhà hảo tâm, tình nguyện viên chung tay để duy trì hoạt động của lớp. Bạn Tống Thị Thu Phương (ngụ xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) hàng tuần đều vượt hơn 20km đến hỗ trợ lớp học. Phương cũng là một trong những tình nguyện viên đầu tiên tới lớp kể từ ngày thành lập.

Phương chia sẻ: “Câu lạc bộ có trên 20 bạn thay nhau phụ cùng chị Tâm hỗ trợ các em. Thấy các em chuyển biến, dù là nhỏ nhất, chúng tôi thấy rất vui, lại muốn giúp nhiều hơn nữa. Dù vất vả nhưng mỗi người chung một tay thì sẽ đơn giản hơn. Tất cả chúng tôi đều hy vọng, xã hội sẽ có cái nhìn khác về tình trạng quả các em, qua đó cùng nhau hỗ trợ các bé trong việc điều trị”.

Suốt cả buổi học, phần lớn là tiếng học trò gọi cô giáo. Bất kể khó khăn hay mong muốn gì, những đứa trẻ ở đây cũng đều gọi cô Tâm, bởi hai tiếng “cô Tâm” như đã trở thành “điểm tựa” của các em nhỏ này.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG