'Tam Mao' vùng biên ải

'Tam Mao' vùng biên ải
TP - Tam Mao, nhân vật trong bộ phim Trung Quốc cùng tên hẳn không xa lạ gì với khán giả Việt Nam và được nhiều người yêu mến. Thế nhưng, tại vùng biên Móng Cái (Quảng Ninh), chỉ cần ai đó gọi lên cái tên Tam Mao thì nhiều người dân rùng mình, sởn gáy...

Cá - nước vùng biên
> Trắng đêm giữa chợ khủng Bình Điền

Ám ảnh trên dòng Ka Long

Đêm, sông Ka Long, Móng Cái (Quảng Ninh) phủ kín màu đen nhưng ồn ào bởi hàng trăm chiếc đò sắt chở hàng tiểu ngạch nổ máy ầm ì xuôi ngược dòng. Thanh, một thổ địa vùng biên cho biết, ở tuyến sông này, những người lái đò chở hàng luôn thường trực nỗi khiếp đảm mang tên Tam Mao. Đây là hỗn danh mà những người làm ăn lương thiện nơi đây đặt tên cho những băng trộm cướp táo tợn mà xuất thân của nó là những thân phận lang thang, cơ nhỡ, lang bạt kì hồ na ná Tam Mao.

Một tối, Thanh dẫn tôi xuống bờ sông đầy lau sậy dưới chân cầu Ka Long. Đường xuống sông rất dễ và có cả trăm đường mòn. Sau vài tiếng gọi, cửa khoang đò mở vì chủ đò nghe tiếng người quen.

Ông Nguyễn Văn Thạch, 46 tuổi quê Yên Hưng (Quảng Ninh) pha nước mời khách sau khi đã đi một vòng đò để kiểm tra. Ông Thạch bảo, làm đò hơn chục năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy nhiều trộm cắp, cướp trên sông như dịp mới đây. Đêm nào cũng có trộm, cắp. Nhẹ thì mất hàng, tiền, điện thoại... Nặng thì chúng đánh cho thừa sống thiếu chết. Cá biệt, có người bị cướp cả đò lẫn hàng. Đã làm nghề này phải chấp nhận là để cho Tam Mao (sau này chỉ mặc định gọi các băng nhóm này bằng mỗi chữ Mao) lấy gì thì lấy nhưng đừng báo công an, chống cự thì lần sau nó lại cướp tiếp…

Một chủ đò tên Chuyền, 46 tuổi cũng quê Yên Hưng cho biết, mới đây vào tháng 4-2011, khi đò tôi cùng với 25 chiếc đò neo đậu tại sông Ka Long thì bị một nhóm Tam Mao xuống đe dọa phải nộp tiền bảo kê nếu không sẽ không thể làm ăn trên sông này.

Ông Chuyền cho biết, mỗi chủ đò phải nộp 20.000 đồng/đò/ngày. Chúng tôi là những người lao động nghèo. Có người bán cả gia sản để mua đò, chở thuê mưu sinh. Ngày nhiều hàng mới đủ sống nhưng mỗi ngày phải nơm nớp lo mao hỏi thăm vô cùng mệt mỏi. Để hoạt động được trên sông chúng tôi phải trả lương cho lái đò, nhân viên, tiền bến bãi, dầu máy… nay thêm cả tiền cho mao nữa thì chỉ tính nước bán đò, đổi nghề.

Một lái đò tên Phạm Văn Tiên, 32 tuổi quê Thái Bình vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại, tối 12-5-2011, khi đang neo đỗ tại bến sông thuộc phường Ka Long thì có ba thanh niên bịt mặt, cầm dao nhảy trên đò. Chúng yêu cầu ngồi im nếu không sẽ chém chết. Sau đó chúng trói lái, phụ đò rồi lột sạch đồng hồ, điện thoại bình ắc quy của đò, tiền…

Đối với lái đò, chủ đò làm ăn lâu dài trên sông thì việc bị trấn lột tiền, điện thoại là chuyện nhỏ vì trong người cũng không có nhiều tiền. Tuy nhiên, chúng tôi điêu đứng vì bị cướp mất bình ắc quy. Ác ở chỗ nếu không có bình ắc quy thì máy không nổ được. Nếu không kịp chở hàng cho chủ bị phạt hợp đồng. Một cái ắc quy tốt giá 5-7 triệu đồng nhưng mao bán giỏi lắm được hai triệu đồng. Không biết chạy bao nhiêu chuyến với mua được bình ắc quy mới. Có người vừa bị cướp xong, vay mượn mua được bình mới thì lại bị mất trộm.

Hiện nay, nạn cướp đã có vẻ lắng lại vì công an ra quân triệt phá, nhưng sông vẫn chưa yên khi nạn trộm cắp vẫn diễn ra. Các đò liên tục bị mất đồ, máy móc, chân vịt… Ăn trộm thường lén lút nhưng nhiều nhóm trộm, cắp ở Ka Long này thì bịt kín mặt, kè kè dao, kiếm. Biết chúng lấy đồ mà không dám kêu cứu…

Một nhà có ba anh em đi cướp

Một cán bộ điều tra công an TP Móng Cái cho biết, nhiều đối tượng đến Móng Cái không phải để đi cướp. Nhiều tên ban đầu chỉ là trộm cắp vặt nhưng gặp chống cự thì xuống tay. Nhiều đối tượng thành mao cũng vì khốn khổ và cùng quẫn chọn vùng biên lang thang kiếm sống. Thuê nhà trọ tạm bợ, dăm bảy đứa một phòng. Thậm chí có nhóm sống bầy đàn cả nam lẫn nữ trong một phòng trọ bé tí hin. Và để có tiền mưu sinh chúng đi trộm cắp, trấn cướp.

Nổi tiếng tại Móng Cái là nhóm cướp có hai anh em ruột tham gia. Đó là Lê Anh Đức, SN 1992 trú tại Ninh Dương, TP Móng Cái và anh ruột là Lê Đức Anh, SN 1990 tham gia nhóm cướp gồm nhiều đối tượng lang thang đến từ các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định... thực hiện nhiều vụ cướp, trấn lột trên sông.

Con đường để anh em nhà Đức phạm tội một phần xuất phát từ sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình khi bố mẹ ly dị cũng với việc lười lao động, thích chơi bời, cộng với giao lưu với những đối tượng dạt vòm lang thang. Mới đây nhất em út của Đức và Anh đang là học sinh cũng bị bắt vì cướp hàng trên sông Ka Long…

Hùng, một thanh niên quen biết với nhiều mao cho biết, mỗi vụ cướp thường được từ vài triệu đến vài chục triệu đồng và mao nướng hết vào chuyện ăn, chơi. Nhiều đứa nghiện ma túy. Mỗi cuộc chơi ke, lắc ngốn của cả nhóm hàng chục triệu đồng mỗi đêm nên để có tiền cung ứng cho những cuốc chơi thâu đêm suốt sáng ở nơi vùng biên vắng vẻ, khó có nghề gì đơn giản hơn là đi trộm cướp.

Bọn này liều lĩnh có thừa và đã có nhóm tính chuyện làm ăn lớn sắm sanh hàng nóng. Dạo cuối năm nhóm của Hùng đi tìm nhóm cướp lấy hàng của chủ, tới gần Trà Cổ thì thấy nhóm này đang cướp hàng dưới sông. Chỉ mới hỏi chuyện phải quấy thôi thì bọn kia đã nã đạn lên bờ. Đêm ấy rất may là không ai dính đạn.

Những chiếc đò đầy hàng là mục tiêu của “Tam Mao”
Những chiếc đò đầy hàng là mục tiêu của “Tam Mao”.

Có mặt tại phường Hải Hòa, nơi có nhiều phòng trọ nhất Móng Cái, đập vào mắt là rất nhiều căn phòng tạm bợ dành cho người lao động. Không ít những phòng trọ này được mao tá túc. Một chủ nhà trọ cho biết, phần lớn người thuê nhà là người lao động tứ xứ đến làm thuê.

Họ đăng ký tạm trú đàng hoàng. Nhưng, có nhiều đối tượng mượn chứng minh thư, giả chứng minh thư để thuê nhà. Một đứa đứng ra thuê, cả bọn vào ở. Và thường thì khi công an tìm tới thì chúng đã biến mất. Không khó để biết đám thanh niên ấy kiếm ăn kiểu gì. Hầu hết những đối tượng này ngày ngủ và đi thâu đêm...

Cuộc chiến chống Tam Mao

Trung tá Nguyễn Xuân Dũng, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm Trật tự xã hội Công an TP Móng Cái cho biết, cực kỳ gian nan để trấn áp loại tội phạm này. Vùng biên luôn là mảnh đất màu mỡ của giới tội phạm. Có tới trên 70% tội phạm gây án là người địa phương khác đến.

Trên địa bàn TP Móng Cái, có hàng nghìn phòng trọ. Chỉ riêng phường Hải Hòa đã có trên 3.000 phòng trọ nhưng nhiều người không đăng ký tạm trú. Cao điểm lên tới cả vạn người thuê trọ. Nhiều đối tượng thuê nhà trọ, ngày ngủ đêm đi trộm cắp và đi cướp. Nhiều nhóm liên kết với người địa phương làm ăn và gây án. Và để cướp được thì phải lấy số bằng những vụ gây rối, đánh người gây thương tích, đánh nhau với các nhóm khác...

Nhiều nhóm Tam Mao lợi dụng việc một số chủ đồ buôn bán bất hợp pháp và vì vậy khi bị cướp, nạn nhân không dám trình báo cơ quan công an vì sợ liên lụy…

Đấu tranh với loại tội phạm này rất khó khăn vì hầu hết các đối tượng tội phạm gây án từ nơi khác tới và nạn nhân không trình báo. Để phá án, nhiều vụ phải xuống các địa phương lái đò đăng ký hộ khẩu tìm nạn nhân vì nhiều người sợ quá bỏ về quê. Nhưng, tìm được rồi thì nhiều người không hợp tác.

Đại tá Nguyễn Trịnh Đông, Trưởng công an TP Móng Cái cho biết, trong thời gian qua, Công an thành phố đã kiểm tra hàng loạt nhà trọ, phát hiện, lập hồ sơ quản lý hàng chục đối tượng ở các địa phương khác đến tạm trú tại Móng Cái nghi hoạt động phạm tội trên các tuyến sông. Trước đó cuối năm 2010, Công an TP Móng Cái đã làm rõ xử lý 4 nhóm đối tượng cướp tài sản, bắt giữ khởi tố 23 đối tượng; kiểm tra, lập hồ sơ quản lý 10 đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội trên tuyến.

“Cuộc chiến trên sông Ka Long vẫn chưa có hồi kết vì các nhóm Tam Mao biến hóa, hợp tan như đám bèo dại. Có động, chúng tản mát. Yên lành chúng tụ tập lại gây án. Phải liên tục căng mình triệt phá vì để lâu chúng có thể gây trọng án và tạo thành những băng nhóm nguy hiểm…

Tuy nhiên, điều anh em phá án suy nghĩ là khi tới Móng Cái gây án, chúng thường lôi kéo nhiều thanh thiếu niên địa phương phạm tội. Rất nhiều đối tượng còn rất trẻ, có đối tượng đang học phổ thông nhưng đã có thâm niên làm mao” - Đại tá Đông trăn trở.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG