> Người tài xế ở hội nghị Paris
> Hiệp định Paris - đỉnh cao thắng lợi, mốc son ngoại giao
Bà Helène Luc- Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt nhớ lại những ngày đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ở Choisy-le-Roi (Pháp) để đàm phán về hiệp định Paris.
Cùng những người Pháp yêu chuộng hòa bình, bà đã vận động để nhiều người quan tâm và đứng cùng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đó, đã có nhiều đoàn đại biểu ở Pháp và nhiều nước khác đến thăm và chia sẻ với đoàn đại biểu Việt Nam.
Bà Helène Luc đã tổ chức nhiều hoạt động xuống đường, đi tuần hành để ủng hộ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bà đang giữ rất nhiều tấm ảnh sinh hoạt của những đại biểu Việt Nam ngày đó và ngỏ ý muốn trao tặng chúng cho bảo tàng Việt Nam.
Ông Võ Anh Tuấn- Đại sứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cuba những năm 1970- 1975 nhớ lại: Năm 1973, ông được tân Tổng thống Argentina Hector Campora mời dự lễ tấn phong Tổng thống. Đây là vinh dự cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bởi 2 Chính phủ chưa có quan hệ ngoại giao.
Tại Argentina, dù tình hình an ninh chưa ổn định, ông vẫn đi thăm một số nơi. Đang đi trên đường thì gặp một toán thanh niên hung hăng cầm vũ khí đe dọa.
Tuy nhiên khi biết trên xe đang chở một vị đại sứ của “Việt cộng”, họ thay đổi hẳn thái độ, đứng nghiêm, vẫy chào và hô to “Việt cộng muôn năm”… Theo ông Tuấn, tinh thần đấu tranh độc lập dân tộc của Việt Nam đã khiến nhiều người dân Mỹ Latin cảm phục và ủng hộ hết lòng.
Ông Carlos Rey Gomez- một trong 5 du kích quân thuộc nhóm du kích Caracas tại Venezuela đã tham gia bắt giữ đại tá Mỹ Michael Smolen năm 1964 để đổi lấy chiến sỹ biệt động Nguyễn Văn Trỗi, nói: “Chúng tôi cảm phục tinh thần của anh Trỗi và đã quyết tâm cứu anh. Từ hành động của chúng tôi, chính quyền Việt Nam cộng hoà đã phải hoãn tử hình anh Trỗi, tuy nhiên sự tráo trở của họ đã quá rõ rệt khi chúng tôi đã trao trả tù binh nhưng họ lại bí mật đem anh Trỗi ra tử hình”.
Chia sẻ về lời tâm sự của ông Gomez, bà Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi nói, cách đây mấy năm, bà sang thăm Venezuela và đã được đón tiếp như người thân.
Ông André Menras (tức Hồ Cương Quyết) cũng kể lại những kỷ niệm của thời kỳ đầu những năm 1970. Khi đó ông chỉ là một giáo viên ở Pháp qua Sài Gòn để dạy học.
Ông đã bị chiến tranh cuốn đi khi nhiều hoạt động ủng hộ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam diễn ra rầm rộ tại Sài Gòn.
Cùng một người bạn, ông đã treo cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam lên đầu tượng đài Lính thủy đánh bộ tại trụ sở Quốc hội chính quyền Sài Gòn và rải truyền đơn đòi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam, và trong thời gian ở tù, ông đã được giác ngộ để trở thành một người chiến sỹ đấu tranh cho giải phóng miền Nam.
Chính ông là người đã giao bản danh sách tù nhân chính trị cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam- một bằng chứng quan trọng góp phần giúp Chính phủ Cánh mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam giành thắng lợi trong Hiệp định Paris.
Kết thúc cuộc gặp mặt, bà Jeanne Ellen Mirer- Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế đã thay mặt tất cả các đại biểu, bày tỏ tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh.
Các đại biểu cũng tin rằng tấm gương Việt Nam sẽ cổ vũ các dân tộc khác trên thế giới đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng.
Bà Nguyễn Thị Bình cùng các đại biểu quốc tế. |
Bà Nguyễn Thị Bình- Nguyên trưởng phái đoàn Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris - đã cám ơn những người bạn quốc tế, mà nhờ sự giúp sức của họ, Hiệp định Paris mới đi đến thành công.
Bà Bình cho rằng đây là sự thành công của tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đoàn kết- Đoàn kết- Đại đoàn kết. Thành công- Thành công- Đại thành công”. Các đại biểu đã vỗ tay ủng hộ nhiệt liệt câu nói này.