Những người này là Nguyễn Văn Hạnh (45 tuổi), Nguyễn Văn Việt (32 tuổi) và Nguyễn Văn Ba (28 tuổi), cùng trú xã Yên Quan, huyện Kỳ Sơn. Chính quyền địa phương xác định Hạnh là cậu ruột, còn Việt và Ba là anh em họ của Tình.
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, hiện cơ quan điều tra đang xác minh, làm rõ. Nếu cơ quan điều tra xác định Tình đang bị giam giữ mà bỏ trốn có tổ chức hoặc dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải quy định tại Khoản 1, Điều 311 Bộ luật Hình sự, thì cậu và 2 anh em họ Tình sẽ bị xử lý hình sự.
Đối với mẹ Nguyễn Văn Tình là bà Nguyễn Thị M, theo Điều 18, 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm”, bà M không phải chịu trách nhiệm hình sự về những hành vi này. Theo luật sư Thanh, đối với tội danh “Trốn khỏi nơi giam, giữ” theo Điều 311 Bộ luật Hình sự năm 1999 mà Nguyễn Văn Tình bị khởi tố, tội danh này được quy định là tội rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, người che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, nếu là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì chỉ bị xử lý hình sự nếu che giấu hoặc không tố giác tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Cùng ngày, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với thượng tá Đinh Trọng Hải là giám thị và 12 cán bộ khác thuộc Trại tạm giam T16, nơi để xảy ra vụ việc 2 tử tù Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình trốn trại cách đây 7 ngày. Quyết định đình chỉ công tác với những người này để kiểm tra, làm rõ trách nhiệm liên quan. Bộ Công an cũng quyết định bổ nhiệm một giám thị thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an thay ông Hải. Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Cảnh sát nhận định, đây là vụ việc “rất nghiêm trọng và đáng tiếc”. Trong quá trình đình chỉ để kiểm tra, Trại tạm giam T16 vẫn phải đảm bảo an toàn cho trại viên và những đối tượng tội phạm đặc biệt nguy hiểm, không để xảy ra trường hợp tương tự.