Theo kết quả phân tích niên đại carbon vừa công bố, tấm giấy cói được gọi là “Kinh phúc âm về vợ của chúa Jesus” được đưa ra tại một hội nghị ở Rome cách đây một năm rưỡi có khả năng được làm ra từ những năm 700 sau công nguyên. Điều này đã phá tan mọi nghi ngờ trước đó về việc tấm giấy cói này mới được những kẻ làm đồ giả cổ tạo ra gần đây.
Những dòng chữ viết trên tấm giấy này đã được dịch ra, trong đó có hai đoạn viết như sau: “Chúa Jesus nói với họ: ‘Vợ của ta...’” và “cô ấy là tông đồ của ta.” Hai đoạn này không những có khả năng ám chỉ việc đấng sáng tạo ra Thiên Chúa giáo có thể đã kết hôn mà còn chỉ ra rằng cách đây hơn 1.000 năm, phụ nữ có một vai trò rất khác biệt trong các nhà thờ.
Karen L. King, một giáo sư tại đại học Harvard, người đã phát hiện ra tấm giấy này ban đầu cho rằng tấm giấy cói có niên đại từ thế kỷ thứ 4. Nhưng sau đó, những kiểm tra niên đại cuối cùng đã khẳng định tấm giấy được làm ra muộn hơn sau đó, cũng như xóa bỏ mọi nghi ngờ về tính xác thực của nó.
Tờ Boston Globe ra hôm thứ Năm (10/5) cho biết tấm giấy ban đầu bị cả các học giả và báo chí chính thức của Vatican cho là đồ giả, nhưng niên đại carbon của tấm giấy cho thấy mực viết trên đó được làm ra từ thế kỷ thứ 8 ở Ai Cập.
“Tôi chỉ hy vọng chúng ta có thể nhanh chóng kết thúc những tranh cãi về tính thật giả của tấm giấy và tập trung vào tầm quan trọng của một mảnh lịch sử của Thiên Chúa giáo. Chúng ta nên đặt những câu hỏi như việc chúa Jesus có vợ hay không có ý nghĩa thế nào, hay tại sao mọi người lại phản ứng như thế trước việc này.
Giờ thì sau khi đọc lại các đoạn viết kia, tôi cho rằng vấn đề được nói tới ở đây chỉ là Jesus đang khẳng định những người vợ và những người mẹ đều có khả năng trở thành tông đồ của mình,” giáo sư King nói.
Tuy nhiên, trước kết quả phân tích mới nhất, bản thân giáo sư King cũng có những suy nghĩ riêng. Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, tờ báo đã đưa tin việc bà hoàn toàn tự tin tấm giấy là đồ thật, giáo sư King chia sẻ: “Tôi xem xét những ý kiến của những người cho tấm giấy chỉ là đồ giả một cách rất nghiêm túc. Kể cả khi mọi bằng chứng đều đưa về một mối, chưa chắc đó đã là 100% sự thật. Nhưng lịch sử không phải là nơi chúng ta thường gặp những thứ chính xác 100%”.
Những người khác cũng có những hoài nghi. Trả lời phỏng vấn của tờ Boston Globe, nhà Ai Cập học Leo Depuydt thuộc đại học Brown cho biết: “Không gì có thể làm tôi thay đổi suy nghĩ. Là đồ giả, tấm giấy này là một trò cười và là một sự lừa dối. Tôi không tin là nó được làm ra một cách tinh xảo. Một sinh viên chưa tốt nghiệp cũng có thể làm ra nó chỉ trong một buổi chiều”.
Theo tờ Globe, hai cuộc kiểm tra niên đại carbon đã được tiến hành với tấm giấy, lần thứ nhất do phòng thí nghiệm Khối phổ gia tốc thuộc đại học bang Arizona thực hiện, lần thứ hai do phòng thí nghiệm Noreen Tuross của đại học Harvard thực hiện.
"Tôi chưa thấy ai đưa ra sự phản bác có tính thuyết phục rằng tấm giấy được tìm ra là đồ giả,” Roger Bagnall, giám đốc Viện nghiên cứu thế giới cổ đại thuộc đại học New York chia sẻ.