Tam giác mạch hút khách đến Hà Giang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cảnh sắc kỳ vĩ của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã là tài nguyên độc đáo cho du lịch Hà Giang. Hoa tam giác mạch lại góp thêm một đặc sản cho vùng địa đầu Tổ quốc. Còn già nửa tháng nữa mới tới lễ hội hoa tam giác mạch 2022, du khách sớm rần rần đổ về Hà Giang.

Miền hoa mọc trên đá

Vốn là loại cây lương thực phụ của đồng bào vùng cao khi vụ ngô giáp hạt, tam giác mạch gần chục năm nay bỗng tạo ra cơn sốt vào dịp tháng 11 hằng năm. Từ tháng 10, những vạt hoa tam giác mạch bung nở trên vùng cao nguyên đá. Nhiều mảnh ruộng ven cung đường Hạnh phúc (thuộc bốn huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn), những thửa ruộng bậc thang hoặc những cánh đồng bạt ngàn tam giác mạch rộ hoa biến thành điểm chụp ảnh “check-in”. Du khách gửi lại cho bà con 10.000 đồng/lượt vào vườn hoa.

Hành trình du lịch Hà Giang được yêu thích nhất dịp này được thiết kế từ 4-6 ngày. Du khách được đi hầu hết các điểm tham quan, thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của Hà Giang như Quản Bạ, Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, đi bộ men theo vách đá trắng ở độ cao hơn 1.700 m. Lễ hội hoa tam giác mạch 2022 diễn ra 26/11 tại Đồng Văn.

“Tam giác mạch có thể trồng được ở nhiều nơi, nhưng chỉ thực sự khoe hết sắc thắm rực rỡ khi được gieo ở trên cao nguyên đá Đồng Văn”, anh Hoàng Ngọc Thắng, Trưởng phòng Tư vấn và xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang) chia sẻ trong hành trình bốn ngày đưa đoàn khảo sát khám phá tua Tinh hoa cực Bắc - Sắc hồng Hà Giang, do tỉnh Hà Giang phối hợp Vietravel thực hiện.

Những vạt hoa tam giác mạch đẹp nhất nằm ở xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn. Chẳng thế mà nhóm du khách hơn chục người từ TP.HCM sà ngay vào đồi hoa của gia đình Thò Mí Sính trên cung đường lên Lũng Cú. Cả tiếng đồng hồ đứng, ngồi tạo dáng, chụp riêng rồi chụp nhóm vẫn chưa thỏa được cơn say loài hoa giản dị này. “Đây là mùa đẹp nhất để du lịch Hà Giang. Thời tiết vừa vào mùa khô, trời lạnh vừa phải”, chị Tường Vy nói.

Tam giác mạch hút khách đến Hà Giang ảnh 1

Nhiều bản du lịch cộng đồng hút du khách đến Hà GiangẢnh: KỲ SƠN

Cánh tam giác mạch mong manh trải qua quá trình chuyển màu từ trắng tinh khôi khi bung nở, hồng nhạt sang hồng ánh tím, đỏ sẫm trước khi biến thành màu đen của thời khắc lụi tàn. Tháng 11 là thời điểm hoa rực rỡ nhất, được chọn để tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch hằng năm kể từ 2015. Không chỉ được ngắm, chụp ảnh mà du khách còn được “gói hoa đem về”. Qua mùa hoa, những hạt li ti hình tam giác này được thu hoạch về ủ rượu, làm bánh tăng thu nhập cho bà con. Mỗi vườn hoa đem lại vài triệu từ việc đón khách tham quan, chụp ảnh.

Đến phim trường nhà Pao - nhân vật trong phim điện ảnh Chuyện của Pao tại làng văn hóa Lũng Cẩm, thung lũng Sủng Là- du khách nếm miếng bánh tam giác mạch xốp mềm pha chút hăng hắc của loài cây này. Bột tam giác mạch nghiền mịn trộn chút bột gạo, nêm đường đem hấp chục phút là chín. Để chiếc bánh tơi xốp và dậy mùi thơm, bà con đem lên vỉ nướng quạt cùng than hoa cho tới khi xem xém. Những chấm nhỏ li ti tim tím trên mặt bánh chính là bột tam giác mạch. Một tấm quà giản dị theo chân du khách đem về sau chuyến du lịch Hà Giang.

Đi sau nhưng không vội

Hà Giang trở thành điểm đến gây thương nhớ cho du khách khi khám phá vùng núi phía Bắc. So với điểm du lịch lâu đời và nổi tiếng như Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang đi sau nhưng cũng có thể vì vậy mà tránh được câu chuyện phát triển nóng.

Tam giác mạch hút khách đến Hà Giang ảnh 2

Những vườn hoa tam giác mạch rực rỡ bung nở trên cao nguyên đá

Đồng Văn. Ảnh: KỲ SƠN

Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi non trùng điệp, của bản sắc văn hóa nhiều dân tộc thiểu số ở Hà Giang chính là chất liệu phong phú làm du lịch bền vững - càng gìn giữ được càng đáng quý với phát triển công nghiệp xanh. Hà Giang mới có đôi chục bản du lịch cộng đồng với thế mạnh và bản sắc văn hóa riêng như Lô Lô Chải, Xà Phìn, làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi, Nặm Đăm...

Cơ sở lưu trú homestay nương theo kiến trúc, văn hóa bản địa của người Lô Lô, Mông, Dao, Tày... Bà con dân tộc được đào tạo để đón khách du lịch chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc.

Trong hai năm qua, dù COVID-19 ảnh hưởng nặng nề, Hà Giang vẫn đầy sức hút. “Du khách đến Hà Giang ngày càng đông hơn, ở lại Hà Giang nhiều hơn. Khách đến Hà Giang rất chia sẻ với địa phương và góp phần để Hà Giang nhìn lại mình, giúp chúng tôi tiếp tục tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu của khách”, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang- chia sẻ với Tiền Phong.

Dịp này nhiều đoàn khách tấp nập đổ về miền cực Bắc. Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang có lời cảm ơn du khách tại tiệc chiêu đãi các đoàn khách lớn, trong đó có đoàn charter (thuê bao chuyến) của Vietravel từ TP.HCM. Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó giám đốc Ban sản phẩm và Dịch vụ Vietravel nói, đơn vị không chỉ đưa khách đến Hà Giang mà còn đồng hành với tỉnh khảo sát, phát triển sản phẩm du lịch. “Nếu không làm chặt chẽ thì chẳng khác nào phá cảnh quan, rất lãng phí. Hà Giang cần các nhà đầu tư hiểu và yêu Hà Giang”, bà Tú Uyên nói.

Làng Lô Lô Chải nằm kề bên khu vực Cột cờ Lũng Cú. Khách du lịch đến đây thấy được bức tranh về sắc màu cộng đồng dân tộc Hà Giang hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên. “Chúng tôi kết hợp xây dựng sản phẩm đậm chất văn hóa như tái hiện không gian lễ hội cúng thần của người Lô Lô. Du khách được tương tác với người dân. Chúng tôi kêu gọi địa phương cố gắng bảo tồn truyền thống, bởi chính điều này níu chân du khách. Bên cạnh cảnh quan, con người ở đây là một phần của sản phẩm du lịch”, bà Tú Uyên chia sẻ.

Hà Giang có chiến lược phát triển du lịch bền vững. “Muốn như vậy phải đầu tư, giữ bản sắc, giữ được địa chất địa mạo nguyên sơ và dịch vụ du lịch phải hoàn thiện từ hướng dẫn viên, nhà hàng, khách sạn... Hà Giang theo đuổi mục tiêu để khách đến đông và ở lại lâu hơn, nhưng ngược lại Hà Giang phải đáp ứng được điều khách mong muốn”, ông Trần Đức Quý nói.

MỚI - NÓNG