Gặp lại người tử tù trong tấm ảnh

Tấm ảnh 'Mẹ con ngày đoàn tụ': Câu chuyện người tử tù

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tấm ảnh “Mẹ con ngày đoàn tụ” của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long đã đi vào lịch sử khi ghi lại khoảnh khắc xúc động của người tử tù Lê Văn Thức đang ôm người mẹ của mình là bà Trần Thị Bính. Ngày 30/4/1975 là ngày thống nhất đất nước, cũng là ngày đoàn tụ của hàng triệu người Việt Nam đã phải xa cách do chiến tranh. Tấm ảnh xuất thần của Lâm Hồng Long đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho khát vọng hòa bình của đất nước, của dân tộc.
Tấm ảnh 'Mẹ con ngày đoàn tụ': Câu chuyện người tử tù ảnh 1

Tấm ảnh “Mẹ con ngày đoàn tụ” nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long

Câu chuyện người tử tù

Ông Lê Văn Thức sinh năm 1941 tại Châu Thành- Bến Tre. Đây là mảnh đất cách mạng với phong trào Đồng Khởi vào những năm 60 nên ông Thức sớm được anh em đồng chí giác ngộ. Sau khi thi tú tài, ông Thức đã vào căn cứ hoạt động. Ông được kết nạp Đảng năm 1966 rồi những người chỉ huy vận động ông trở lại để đăng lính Cộng hòa với nhiệm vụ của một tình báo viên.“Khi biết tôi bỏ căn cứ để về đăng lính, má tôi bả la dữ lắm. Bả cho rằng tôi không chịu được gian khổ mới bỏ về. Vì không thể nói với má là tôi về để cài cắm trong lòng địch nên tôi chỉ nói với má là má an tâm đi, dù làm công việc gì con cũng không bao giờ để cho má phiền lòng và luôn sống tốt theo lời răn của má”- Ông Thức kể.

Sau khi đăng lính, ông Thức được chọn đi học trường Sỹ quan bộ binh Thủ Đức rồi trở về làm chỉ huy một trung đội thuộc Tiểu đoàn 3-Trung đoàn 11-sư đoàn 7. Như một sỹ quan mẫn cán, ông từng chỉ huy trung đội đi tuần, càn quét vùng giải phóng. Dĩ nhiên mọi bước đi của trung đội do ông chỉ huy được quân Giải phong bám sát và cùng “hợp đồng tác chiến” nên suốt 6 tháng càn quét, trung đội của ông toàn gặp cảnh vườn không nhà trống. Những trận càn đó đã được chỉ huy quân Việt Nam Cộng hòa đánh giá cao và sau đó, ông Thức được cử tham gia khóa học “huấn luyện tình báo chống chiến tranh du kích" ở Malaysia. Ông Thức kể: “Thời điểm đó chuẩn bị bước vào chiến dịch Mậu Thân, lẽ ra tôi phải ở nhà để tham gia chiến dịch. Nhưng khi biết tôi được kẻ địch đưa đi học các đồng chí chỉ huy động viên tôi đi bởi chiến tranh còn dài, việc đi học sẽ giúp tôi lấy thêm niềm tin và đi sâu hơn vào đội ngũ của kẻ địch. Sau 3 tháng học, tôi về nước thì chiến dịch Mậu Thân đã kết thúc.Tôi với quân hàm Thiếu úy Việt Nam cộng hòa, được điều về làm sĩ quan huấn luyện chiến thuật tại cụm căn cứ quân sự Bình Đức ở Mỹ Tho - cơ quan đầu não của Sư 7”.

Với vị trí mới, ông Thức có cơ hội tiếp cận khu quân sự Bình Đức để vẽ bản đồ chi tiết của khu căn cứ này. Theo ông Phương Linh- Nguyên cán bộ Binh vận khu 8, người trực tiếp chỉ huy ông Thức cho biết, vào khoảng tháng 5 quân Giải phóng sẽ tấn công Bình Đức và tấm bản đồ đó sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến dịch. Sau hơn một tháng điều nghiên, ông Thức hoàn tất tấm bản đồ và gửi vào hòm thư bí mật. Tuy nhiên, ông Thức không ngờ rằng chỉ vì một sơ suất nhỏ của những người liên lạc, vị trí sỹ quan tình báo quân Giải phóng của ông Thức đã bị lộ. Sau một tuần giao tài liệu, ông Thức bị bắt và di lý về trại tạm giam Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông Thức kể: “Khi chúng ném tấm bảo đồ cho tôi xem, tôi biết mình đã bị lộ. Chúng tra tấn tôi nhiều lắm nhưng tôi vẫn không nhận vì ngoài bằng chứng là tấm bản đồ, chúng có gì nữa đâu. Thế nhưng, tháng 4/1968, chúng đưa tôi ra tòa án quân sự, tuyên án tử hình với tội danh "Hoạt động nội tuyến cho Cộng sản". Sau đó tôi được di lý về khám Chí Hòa (Sài Gòn) một thời gian. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, tôi bị đưa ra Côn Đảo giam trong khu dành riêng cho tử tù”.

Tấm ảnh 'Mẹ con ngày đoàn tụ': Câu chuyện người tử tù ảnh 2

Lê Văn Thức và mẹ- Bà Trần Thị Bính

Mãi sau này, ông Thức mới biết nguyên nhân mình bị lộ. Người liên lạc đã không sao chép để xóa dấu vết bản đồ mà lại chuyển luôn bản chính qua hòm thư bí mật cho ông Tư Năng - Nguyên Phó ban Binh vận khu 8. Trên đường đưa bản đồ cho Bộ chỉ huy quân Giải Phóng, ông Tư Năng đã bị địch bắn chết. Khám xét hành lý, quân địch đã tìm thấy tấm bản đồ có nét chữ của ông Thức nên mới phát hiện ra: Thiếu úy Lê Văn Thức là Việt cộng nằm vùng. Tuy nhiên do ông Thức không khai nên kẻ địch không lần theo dấu của đường dây tình báo này được và đành tuyên án tử hình ông. Nhưng thời điểm đó, phía quân Giải phóng cũng đang giam giữ một số sỹ quan và các cố vấn quân sự Mỹ nên chúng muốn giữ ông Thức lại để trao đổi con tin.

Tại mảnh đất Côn Đảo- Nơi được những người tù đặt tên là “Địa ngục trần gian”, những người tử tù như ông Thức được kẻ địch coi là những phần tử nguy hiểm nhất và chúng tìm mọi thủ đoạn, mọi trò tra tấn dã man tàn ác để hòng lung lạc ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng của người tử tù. “Tôi không thể kể hết được chế độ hà khắc của nhà tù Côn Đảo. Chúng nhốt người tử tù ở chuồng cọp, hầm đá, chân tay bị giam cùm và tra tấn dã man. Đã có 2 người đồng chí ở cùng phòng với tôi phải chết do bị hành hạ dã man. Nhưng may mắn chúng tôi vẫn có Chi bộ trong tù để cùng nhau xây dựng tinh thần đoàn kết, cùng nhau đấu tranh, lại có những người yêu nước bên ngoài thường xuyên lên tiếng cho chúng tôi nên dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, chúng tôi vẫn giữ vững ý chí lạc quan cách mạng”.

Tấm ảnh 'Mẹ con ngày đoàn tụ': Câu chuyện người tử tù ảnh 3

Lê Văn Thức và bức ảnh nổi tiếng

Tháng 4/1975, không khí của chiến dịch Hồ Chí Minh lan tới Côn Đảo. Bên cạnh sự hân hoan, những người tử tù còn phải đối mặt với nỗi lo khác: Kẻ địch đã đào sẵn những chiếc hầm khổng lồ nhằm thủ tiêu và chôn xác hết những người tử tù, tù chính trị. Nhưng khí thế tiến công mạnh mẽ của quân Giải phóng ở toàn miền Nam khiến cho quân địch khiếp sợ, nhiều cấp chỉ huy tại Côn Đảo đã “bỏ của chạy lấy người”. Bên cạnh đó, đảo nhờ công tác binh vận tốt nên một số binh sỹ đã buông súng, ngả theo hướng cách mang và kế hoạch tàn ác của kẻ địch thất bại. Ngày 1/5 toàn bộ các phân khu trại được mở cửa và Đảo uỷ lâm thời được thành lập, thay mặt cho Chính quyền cách mạng quản lý mọi việc tại Côn Đảo. Ngày 4/5, tàu Hải quân chở quân Giải phóng cập Côn Đảo, chính thức tiếp nhận mảnh đất Côn Đảo về tay chính quyền cách mạng và tổ chức cho những người tù về đất liền.

Nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long (1925- 1997) công tác tại TTXVN. Ông nổi tiếng với nhiều bức ảnh như "Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam", "Bác Hồ tặng hoa mẹ Suốt", "Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì sáng mồng Hai Tết Kỷ Dậu 1969", "B52 cháy trên bầu trời Hà Nội năm 1972", "Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn" và “Mẹ con ngày đoàn tụ”… Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất.

3 nhân vật của tấm ảnh lịch sử

Ông Thức kể với gần 10 ngàn người tù tại Côn Đảo thì tàu Hải quân không thể chở hết trong một lần. Vì thế Ban chỉ huy tàu ưu tiên cho những người tù già yếu, bệnh tật, phụ nữ hay các các tử tù về trong chuyến đầu tiên. Ông Thức là một trong 36 tử tù còn lại được bước xuống tàu, cùng với khoảng hơn 400 người tù nữa được về đất liền vào tối 4/5. Sáng ngày 5/5 tàu cập cảng Vũng Tàu, tất cả mọi người được đưa vào nghỉ tạm tại Trung tâm huấn luyện cảnh sát ở khu Rạch Dừa (phường 10- TP Vũng Tàu). “Khoảng 10 giờ ngày 5/5, tôi đang chờ để làm thủ tục thì nghe có tiếng loa gọi ai là Lê Văn Thức, ra có người nhà gặp. Tôi bước ra sân và ngỡ ngàng khi thấy má tôi đứng đó. Hơn 7 năm qua, má tưởng tôi đã chết và giờ gặp lại, má chỉ biết khóc. Tôi cũng nghẹn ngào vì tưởng không bao giờ gặp má nữa. Hai má con tôi cứ ôm nhau khóc miết, đâu ngờ có anh nhiếp ảnh nhìn thấy chúng tôi và chụp tấm ảnh đó”- Ông Thức kể.

Tấm ảnh 'Mẹ con ngày đoàn tụ': Câu chuyện người tử tù ảnh 4

Lê Văn Thức bị tuyên án tử hình tại Toà án quân đội Việt Nam cộng hoà năm 1968

Tấm ảnh 'Mẹ con ngày đoàn tụ': Câu chuyện người tử tù ảnh 5

Lê Văn Thức trong màu áo quân Giải phóng

Còn sau này nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long kể lại: Vào ngày 5/5/1975, được tin có chuyến tàu chở 36 tử tù từ Côn Đảo về đất liền cập bến Rạch Dừa, ông được tòa soạn cử tới để ghi lại sự kiện này. Khi đang đứng trước cổng khu nhà nơi đoàn nghỉ, chợt ông nghe thấy tiếng kêu nghẹn ngào của một bà mẹ: "Thức con ơi! Má cứ tưởng con chết rồi...". Ông vội quay ra nhìn thì thấy một bà mẹ tóc đã bạc đang ôm choàng người thanh niên trẻ và khóc. Người con trai cũng khóc. Cảm động trước tình mẫu tử, nhà nhiếp ảnh nhanh tay bấm liền mấy kiểu. Tấm ảnh đã nhanh chóng được lan truyền khắp thế giới như một biểu trưng hào hùng, sinh động nhất cho thời khắc lịch sử - Thời khắc của đất nước Việt Nam thống nhất.

Sau ngày gặp mẹ, ông Thức trở về quê, làm việc như một người bình thường. Với mác Thiếu úy ngụy quân, ban đầu ông Thức cũng gặp khó khăn trong công việc nhưng nhờ những người đồng đội cũ, ông Thức được trả lại danh dự của mình. Ông Thức làm cán bộ phòng Công thương - nghiệp huyện Châu Thành một thời gian, sau đó làm Bí thư Đảng ủy xã Tam Phước, làm Huyện ủy viên Châu Thành và nghỉ hưu năm 1991. Suốt bao năm đó, ông hoàn toàn không biết gì về bức ảnh chụp ngày nào. Cũng trong năm 1991, tại Đại hội Nhiếp ảnh quốc tế được tổ chức tại Tây Ban Nha, bức ảnh "Mẹ con ngày hội ngộ" được Liên đoàn nhiếp ảnh quốc tế trao Bằng Danh dự. Từ giải thưởng đó, nhiều người đi tìm hiểu các nhân vật trong bức ảnh và do đó, ông Thức mới biết hai má con mình là nhân vật trong tấm ảnh nổi tiếng.

“Năm nay anh em tử tù chúng tôi sẽ hội ngộ tại Sài Gòn. 36 anh em bây giờ chỉ còn có mười mấy người nên chúng tôi cố gắng mỗi năm gặp một lần để chia sẻ vui buồn cuộc sống, để ôn lại những ngày gian khổ đấu tranh trước đây”

Ông Lê Văn Thức

Tháng 5/1992 lần đầu tiên ông Thức cùng những người tử tù năm xưa được ra thăm miền Bắc. Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, ông Thức nhìn thấy tấm ảnh được treo trang trọng. Khi cô hướng dẫn viên đang giới thiệu về lịch sử ra đời của tấm ảnh thì ông trưởng đoàn bật cười chỉ ông Thức và hỏi lại: “Cô có thấy ông này giống người trong ảnh hay không?”. Khi thuyết minh viên còn đang ngơ ngác thì ông trưởng đoàn tiếp lời: ‘Ổng chính là người trong bức ảnh đó”. Khi hiểu ra, cô hướng dẫn viên chạy lại, xin số điện thoại và được ông Thức cung cấp khá nhiều tư liệu. Rồi một lần khác, khi ông ra thăm lại nhà tù Côn Đảo cũng thấy có tấm ảnh treo ở bảo tàng. Biết ông là nhân vật trong ảnh, nhiều người xúm lại hỏi thăm và xin chụp hình với ông. “Tôi là một tử tù, giống như rất nhiều tử tù khác đã may mắn đi qua được chiến tranh. Và tôi có mặt trong tấm ảnh lịch sử kia cũng do may mắn. Khi phải bước qua cánh cửa sinh tử như tôi, người ta mới thấy trân quý thời khắc khi gặp lại người thân. Tôi chỉ biết khóc khi gặp má tôi và không hay có người đã chụp được khoảng khắc đó”.

Sau này, ông Thức cũng chơi khá thân thiết với nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long. Năm 1997, khi Lâm Hồng Long bị bệnh nặng, ông Thức tới thăm nhà nhiếp ảnh tại Bệnh viện Thống Nhất và thấy nhà nhiếp ảnh trang trọng đặt bức ảnh trên đầu giường bệnh. Tại đây, nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long một lần nữa đã cám ơn mẹ con ông Thức vì đã cho ông cơ hội có được tấm ảnh lịch sử. “Nhưng tôi cũng phải cám ơn nhà nhiếp ảnh vì anh ấy đã lưu lại được khoảnh khắc tình cảm của 2 mẹ con tôi. Và hơn nữa nhờ anh ấy mà mẹ tôi và cả tôi được nhiều người biết tới”. Đó là lần cuối ông Thức gặp lại nhà nhiếp ảnh của đời mình bởi mấy tuần sau đó, Lâm Hồng Long đã vĩnh viễn ra đi.

Nhân vật trong bức ảnh là bà Trần Thị Bính (1908-1999). Bà Bính sinh được 5 người con, trong đó chỉ duy nhất ông Thức là con trai. Chị gái ông Thức cũng tham gia cách mạng và hy sinh năm 1959. Sau khi ông Thức bị tuyên án tử hình, bà chạy vạy khắp nơi để tìm thông tin về con. Ngày 3/5/1975, khi nghe radio thông báo có đoàn tử tù từ Côn Đảo về, bà nhờ mấy người bà con đưa ra Vũng Tàu để hy vọng con còn sống.

Còn mẹ ông Thức, người trong tấm ảnh cũng đã ra đi vào năm 1999, khi gia đình vừa tìm được mộ của chị gái ông, người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi còn sống, bà vẫn thường nhắc ông Thức: “Con nhờ ơn Bác Hồ mới có được ngày hôm nay nên con phải sống cho trọn đạo”.

Giờ đây bước vào tuổi 80 nhưng ông Thức vẫn còn khá khỏe mạnh. Hàng ngày ông tự chạy xe vào vườn, tự mình chăm sóc 3 công đất với bưởi da xanh và đàn vịt. 2 đứa con ông cũng thành đạt trong cuộc sống và ông đã có đủ các cháu nội ngoại. Gia đình ông Thức tuy không giàu nhưng được bà con hàng xóm quý mến bởi cách sống chan hòa, chất phác. Hàng ngày ngoài giờ làm vườn, ông Thức tham gia hội Cựu chiến binh xã cũng như làm phó chủ nhiệm CLB Hưu trí của huyện nên ông bận bịu với các công tác xã hội. Ông Thức khoe hồi tháng 2 vừa rồi ông đã nhận Huy hiệu 55 tuổi Đảng, đó là sự ghi nhận cho những phấn đấu suốt cuộc đời theo cách mạng của ông.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.