Những tháng đầu năm giải ngân thấp hơn
Sáng 11/5, cho ý kiến về nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, tại buổi làm việc với đoàn giám sát trước đó, Bộ này đã cam kết trong tháng 5 sẽ trình để sửa đổi Nghị định số 57, liên quan đến vấn đề đầu tư công.
“Trong năm 2023, vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công tăng khoảng 25% so với năm 2022, với tổng số vốn khoảng 711.000 tỷ đồng”, ông Trung nói. Theo ông, Quốc hội đã thống nhất, quyết nghị và cho Chính phủ giao chi tiết 707.000 tỷ đồng, còn lại 4.000 tỷ đồng, Chính phủ đã trình Quốc hội để giao nốt.
“Đến nay đã giao tổng cộng được khoảng hơn 90% tổng số vốn Quốc hội đã quyết nghị, giải ngân đã đạt được tổng số khoảng gần 16%, số tuyệt đối thấp hơn so với năm ngoái nhưng số tương đối cao hơn khoảng 15.000 tỷ”, ông Trung cho hay.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT |
Thứ trưởng KH&ĐT lý giải, theo chu kỳ của đầu tư công, những tháng đầu năm là những tháng tập trung giải quyết các khối lượng của năm ngoái để thúc đẩy giải ngân. Các dự án đã hoàn thiện, hoàn thành thủ tục và khởi công, khởi động thủ tục các dự án mới, cho nên thông thường những tháng đầu năm giải ngân thấp hơn.
“Như ở TPHCM từ năm 2022 đến giờ không cổ phần hóa được, mặc dù Chính phủ giao phải cổ phần hóa 38 doanh nghiệp, nhưng cũng không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Đây là một thực trạng, chúng tôi sẽ tập trung để tham mưu cho Chính phủ, tham mưu cho Quốc hội để hoàn thiện hệ thống pháp luật để triển khai một cách hiệu quả”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.
“Chính phủ đã lập rất nhiều đoàn công tác và giao cho các thành viên Chính phủ đi đôn đốc cụ thể từng địa phương, cũng có nhiều giải pháp, trong đấy có giải pháp về đầu tư công để làm sao thúc đẩy giải ngân được nhiều hơn, nhanh hơn để hỗ trợ cho nền kinh tế”, ông Trung bày tỏ.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá, sau giám sát tối cao của Quốc hội, ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, các địa phương “có chuyển biến tích cực hơn”.
Tuy nhiên, trong phân bổ, bố trí ngân sách, ông Thơ đề nghị Bộ Tài chính đánh giá kỹ hơn vấn đề này. “Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, tiến trình cổ phần hóa chưa được chuyển biến tích cực, điểm nghẽn như thế nào thì Chính phủ cũng cần đánh giá rõ hơn trong báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Thơ cho hay.
"Người lớn làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó"
Báo cáo giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải tại sao ở địa phương lại không dành 50% tiền tăng thu cho tiền lương mà lại 70%. Theo ông Phớc, Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương đã quy định nguồn vượt thu từ ngân sách trung ương phải trích 40% để dành làm quỹ lương, ngân sách địa phương thì phải dành 70% để làm quỹ lương.
“Có những năm ngân sách sẽ vượt thu rất cao nhưng cũng sẽ có những năm ngân sách sẽ hụt thu hoặc sẽ không hụt thu nhiều. Cho nên để chủ động và điều hòa trong nguồn cải cách tiền lương là rất cần thiết, vì lâu nay chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương hay nói cách khác là chưa nâng lương, từ ngày 1/7 mới nâng lương tối thiểu”, Bộ trưởng lý giải.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Về chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến đầu tư công, ông Phớc thẳng thắn cho rằng, hiện nay đầu tư công giải ngân rất chậm. “Chậm ở đây có nhiều nguyên nhân lắm, từ nguyên nhân điều hành, nhưng cũng có một nguyên nhân rất quan trọng là quy định pháp luật. Quy định của Luật Đầu tư công quy định có tiền thì mới được lập dự án, nhưng lập dự án rồi thì mới được phân bổ tiền, cho nên bị vướng”, ông Phớc cho hay.
Bộ trưởng ví dụ, một công trình trọng điểm nằm trong chương trình phục hồi mà Quốc hội đã có nghị quyết phân bổ làm trụ sở của Hải quan sân bay Long Thành, nhưng đến bây giờ Bộ vẫn chưa nhận được thông báo vốn, vì chưa lập được dự án, lập được dự án thì phải có tiền, cho nên cứ vướng đi, vướng lại.
“Về nội dung chương trình mục tiêu quốc gia cũng rất vướng, bây giờ đang cãi nhau việc hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách 40 triệu đồng một hộ gia đình thì thuộc đầu tư công hay thuộc chi thường xuyên. Chúng tôi đang tranh luận với nhau chỗ này. Quan điểm của tôi cho rằng đây là một khoản hỗ trợ của ngân sách, là khoản chi thường xuyên từ ngân sách để hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân chứ không phải chi đầu tư công”, ông Phớc nêu.
Theo Bộ trưởng, song song với quá trình điều hành, việc hoàn thiện pháp luật hết sức quan trọng, kể cả về chương trình mục tiêu quốc gia. “Ý kiến của chúng tôi là phân bổ, mình hướng dẫn nội dung chi tiêu còn lại phân bổ một cục về cho các tỉnh tổ chức làm, sau đấy mình kiểm tra. Nếu trên này phân bổ từng hạng mục, từng dự án, từng nội dung cụ thể thì không thể làm được. Người lớn thì làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó”, Bộ trưởng cho hay.