Tài năng từ gian khó

TP - Trong số 364 đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 2 năm 2015 có nhiều gương mặt trẻ nổi bật về nghị lực vượt khó và đạt thành tích ấn tượng trong học tập, sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

“Thảo Olympic”

Mới thoáng gặp, ít người có thể ngờ cô gái nhỏ nhắn với cân nặng khiêm tốn 40kg đeo cặp kính cận hơn 3 độ Đinh Thị Hương Thảo (lớp 12, trường THPT chuyên Lê  Hồng Phong, Nam Định) sở hữu thành tích học tập đáng nể. Trong kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 46 tại Ấn Độ mới đây, cùng với Huy chương Vàng, Thảo - nữ thí sinh duy nhất của đoàn Việt Nam là một trong hai thí sinh nhỏ tuổi nhất nhưng đạt thành tích cao nhất kỳ thi Olympic và được trao giải Đặc biệt. Trước đó, cô từng giành Huy chương Bạc kỳ thi cấp châu Á môn Vật Lý; Huy chương Vàng trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Vật lý khu vực Đồng bằng Bắc bộ; từng là thủ khoa đầu vào của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với điểm môn chuyên 9,25.

Tài năng từ gian khó ảnh 1

Đinh Thị Hương Thảo giành được nhiều thành tích ấn tượng với môn Vật lý.

Với nhiều bạn trong lớp, Hương Thảo còn là “gia sư” với cách giảng giải dễ hiểu và tâm lý trong những buổi tự học ôn tại trường; là “cuốn từ điển” có nhiều kiến thức sâu rộng về các vấn đề tự nhiên, xã hội, cuộc sống. Đặc biệt, Thảo là tấm gương về tinh thần tự giác và nỗ lực học tập. Thảo sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế không mấy khá giả, bố mẹ mở tiệm cơm gần chợ để nuôi hai chị em, ít có thời gian quan tâm định hướng học hành, ngoài những lời động viên khích lệ.

Kể về bí quyết đạt được những thành tích cao trong học tập, Thảo cho hay, không có bí quyết nào ngoài tự học và niềm đam mê Vật lý. “Em yêu thích các môn tự nhiên từ nhỏ và xác định gắn bó với Vật lý, rồi thi vào THPT chuyên Lê Hồng Phong. Dù chương trình học căng thẳng, nhiều hôm phải thức khuya đến 2 giờ sáng để học bài nhưng vì đam  mê nên em không hề thấy mệt mỏi”, cô nói. Thảo cho biết thêm, dự định sắp tới là quyết tâm lấy học bổng du học nước ngoài để tiếp tục theo đuổi chuyên sâu hơn cho đam mê môn Vật lý.

Tài năng từ gian khó ảnh 2

Phu Văn Chức (ngoài cùng bên trái) cùng các đoàn viên trong xã đang chế tạo máy bừa.

Kỹ sư “chân đất” 9X trên cao nguyên đá

Phu Văn Chức, SN 1996, dân tộc Nùng ở xã Pờ Ly Ngài (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) là một trong những gương mặt nông dân trẻ sáng tạo, đã chế tạo thành công máy bừa mini sử dụng hiệu quả trên ruộng bậc thang, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất.

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, ngay từ nhỏ, Chức đã theo bố mẹ làm ruộng. Chức kể, việc canh tác sản xuất nông nghiệp ở Pờ Ly Ngài gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt. Kỹ thuật canh tác lạc hậu, chủ yếu dựa vào sức kéo trâu bò. “Nhà nghèo không có tiền mua trâu, bò để cày ruộng, mỗi lần vào mùa làm đất, gia đình rất vất vả để mượn, thuê trâu bò của các gia đình khác. Mình luôn ao ước chế tạo được máy bừa trên ruộng”, Chức nói.

Ý tưởng chế tạo chiếc máy bừa mini được nảy ra khi một số gia đình trong bản mua máy bừa về làm ruộng, nhưng kích cỡ quá khổ, không thích hợp với những thửa ruộng bậc thang nhỏ. Lần mò sửa chữa, cậu nghĩ ngay tới việc sử dụng động cơ xe máy. Tháng 8/2013, cậu bắt tay vào chế tạo máy bừa với động cơ máy được lấy từ động cơ của chiếc xe máy cũ gia đình. Sau nhiều lần lắp ráp thất bại, Chức đã chế tạo thành công chiếc máy bừa mini có kích thước gọn nhẹ, dễ điều khiển nên di chuyển dễ dàng trên các thửa ruộng bậc thang có diện tích nhỏ hẹp tại địa phương. Đặc biệt, chiếc máy của Chức có giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm trên thị trường. Từ hiệu quả sản xuất trong gia đình, sản phẩm của “kỹ sư chân đất” Phu Văn Chức nhanh chóng được bà con đăng ký đặt hàng. Những chiếc máy bừa mini của Chức đã góp phần hỗ trợ đồng bào vùng cao bớt cực nhọc và tăng năng suất canh tác.

Tài năng từ gian khó ảnh 3

Đại úy Phạm Văn Sơn.

Thuyền trưởng tàu “Tia chớp”

Đại úy Phạm Văn Sơn (SN 1982) - Thuyền trưởng tàu HQ-375, Lữ đoàn 162, Bộ Tư lệnh Vùng 4, Quân chủng Hải quân là người trẻ với đầy đủ bản lĩnh, sự tinh nhuệ và lòng quả cảm. Tốt nghiệp ngành Chỉ huy Tàu mặt nước của Học viện Hải quân, anh được bổ nhiệm là Phó thuyền trưởng tàu vận tải quân sự làm nhiệm vụ trực chiến ở đảo và vận tải hàng xây dựng quần đảo Trường Sa. Năm 2010, anh Sơn làm Phó thuyền trưởng tàu chiến đấu. Đến năm 2013, anh là thuyền trưởng tàu HQ-375, là lớp tàu chiến tên lửa hiện đại, thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. Được mệnh danh là con tàu “Tia chớp” có ưu thế về tốc độ và hỏa lực, hiện diện trong vai trò mũi tấn công chớp nhoáng, hủy diệt các chiến hạm đối phương tầm cỡ tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục và tuần dương.

Anh Sơn cho biết, công việc hằng ngày của anh là chỉ huy tàu với nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra tàu còn thực hiện các nhiệm vụ như: Trinh sát, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đối ngoại quân sự (tàu HQ-375 đã đi thăm Malaysia, Campuchia, Singapore, thực hiện nhiệm vụ tuần tra liên hiệp và thăm Hải quân Trung Quốc)… Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

“Trách nhiệm của tôi cũng như mọi cán bộ, chiến sỹ Hải quân luôn yêu biển, đảo, yêu tàu, gắn bó với đơn vị, yên tâm công tác sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng và đơn vị giao; sẵn sàng chấp nhận hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc”, anh Sơn nói.

Với sự phấn đấu của bản thân, năm 2011-2015, Đại úy Sơn được tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Danh hiệu thuyền trưởng tiêu biểu xuất sắc nhất năm 2014; Gương mặt tiêu biểu toàn quân 2014; Gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc 2014; Giải thưởng Vừ A Dính; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

MỚI - NÓNG