Mỗi khó khăn là một cơ hội rèn luyện lí trí của bản thân
Quang bắt đầu làm quen với piano từ lúc lên năm tại HV Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng với sự dìu dắt, dạy dỗ nghiêm khắc của bố mình - TS. NSƯT Lưu Quang Minh.
Khi nhìn lại, Quang cho biết quãng đường đến với nghệ thuật của mình không bằng phẳng như đa số nghệ sĩ trẻ. Làm quen cùng piano từ rất sớm nhưng tình yêu đối với cây đàn thì mất một thời gian rất dài Quang mới cảm nhận được.
Sinh năm 1990, Lưu Hồng Quang đã có bộ sưu tập thành tích piano đáng nể ở các cuộc thi cấp quốc tế.
Những buổi học lý thuyết đan xen với trình diễn đòi hỏi Quang duy trì kỷ luật trong luyện tập hằng ngày. Thậm chí Quang từng nhận quá trình ấy là “khổ luyện”, 6-8 tiếng liên tục/ngày.
Không chỉ tập luyện đàn, bạn còn dành thời gian để đọc, đào sâu tìm hiểu những kiến thức, lịch sử, cội nguồn của các tác phẩm âm nhạc, tác giả, bổ sung thêm kiến thức xã hội và tham khảo nhiều loại hình nghệ thuật khác để tìm cảm hứng.
Sang nước ngoài du học, Quang cũng đi làm, dạy thêm để trang trải phần nào cho cuộc sống của mình, bên cạnh đó là áp lực từ trường lớp, các cuộc thi, biểu diễn liên miên.
Có lần, vừa kết thúc buổi diễn tại Sydney vào buổi tối thì ngay nửa đêm hôm đó Quang phải ra sân bay đến thành phố khác để sáng tập với dàn nhạc cho chương trình diễn khác. Ngay chiều hôm ấy bạn lại bay về Sydney ngay để sáng hôm sau kịp theo lớp học ở trường.
Quang chia sẻ: “Cuộc sống biểu diễn đôi khi cũng có cảm giác cô đơn vì phải biệt lập để tập trung cao độ cho buổi diễn và các cuộc thi nên phần lớn thời gian sẽ ở 3 nơi: phòng trọ, phòng tập và sân bay...
Nhưng thực sự, điều Quang quan tâm không phải là khó khăn mà là thái độ của mình khi đối diện với nó. Chúng ta nhìn nó với con mắt tiêu cực hay tích cực hoàn toàn là ở bản lĩnh của mình, và Quang luôn hướng đến sự tích cực. Mỗi khó khăn là một cơ hội để mình rèn luyện lí trí bản thân”.
Phút thăng hoa khi biểu diễn của Hồng Quang.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với Quang là trải nghiệm tại cuộc thi Lev Vlassenko (Úc). Đây là cuộc thi piano chuyên nghiệp có quy mô lớn nhất trong châu Úc dành cho lứa tuổi 15 - 30 nên ban đầu bạn xác định tham gia với tinh thần giao lưu, học hỏi là chính.
“Ngay từ vòng đầu mình đã rất căng thẳng nhưng may mắn khi có được sự động viên tinh thần rất lớn từ bố. Những giờ phút đáng nhớ nhất trong cuộc thi này chính là lúc hai bố con được ở bên nhau.
Lúc trao đổi với nhau trong phòng tập, bữa ăn đơn giản, lặng lẽ hay khi bố chúc may mắn trước giờ ra thi... là những khoảnh khắc xúc động, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho Quang. Khi lọt vào vòng bán kết, mẹ cũng bay từ Hà Nội sang xem mình thi.
Mặc dù đã chơi hết mình nhưng Quang vẫn không giấu nổi sự bồn chồn, lo lắng về kết quả. Mẹ không nói gì, chỉ im lặng ngồi bên cạnh và nắm chặt đôi tay của mình. Lúc đó, trong lòng Quang cảm thấy thanh thản hơn bao giờ hết.
Bố mẹ ở bên, bản thân đã chơi bằng tất cả nhiệt huyết, và quan trọng hơn là mình đến đây vì tình yêu với âm nhạc chứ không phải để phân thắng thua, Quang lại vui bất kể kết quả thế nào. Kể cả khi đã giành được những giải thưởng cao nhất, mình còn không vui như lúc đó”, Quang bày tỏ.
“Những gì đã làm, Quang đều thực hiện với trọn con tim và tâm huyết”
Cũng qua quá trình “khổ luyện” ấy, Quang nhận ra được tình yêu thực sự dành cho âm nhạc cổ điển: “Quang cảm thấy may mắn bởi trong hành trình trở thành một nghệ sĩ piano thực thụ, mình đã được đến với âm nhạc cổ điển, được truyền cảm hứng và được nâng cao tâm hồn từ môn nghệ thuật cao quý này.
Nghệ sĩ trẻ 24 tuổi này bộc lộ tài năng từ khá sớm. Năm 14 tuổi, Quang đã được giới âm nhạc cổ điển quốc tế chú ý với giải Đặc biệt tại cuộc thi Piano Chopin quốc tế châu Á (Nhật Bản), giải ba Piano quốc tế Validone (Ý).
Hai năm sau, Quang giành được học bổng của Học viện Âm nhạc uy tín The Australian International Conservatorium of Music (Úc), và được đích thân GS.TS Kyung Hee Lee (Giám đốc Học viện) nhận hướng dẫn.
Từ đó đến nay, Quang đã giành được rất nhiều giải thưởng danh giá, trở thành niềm kỳ vọng của NSND Đặng Thái Sơn, của nền âm nhạc cổ điển đương đại Việt Nam.
Nhìn lại quãng đường đã đi, Quang cho biết bản thân cảm thấy rất vui, tự hào và may mắn. “Vui bởi mình đã theo đuổi, học tập và làm việc đúng với đam mê lớn nhất của bản thân. Tự hào bởi trên con đường mình chọn, có thể còn rất nhiều mục tiêu phía trước nhưng những gì đã làm, Quang đều thực hiện với trọn con tim và nhiệt huyết”.
Quang không có tham vọng trong âm nhạc mà chỉ có mong muốn được cống hiến. Âm nhạc cổ điển là một trong những điều kì diệu nhất, tuyệt vời nhất và không thể thiếu nhất đối với Quang. Mình phấn đấu để hoàn thiện bản thân và chia sẻ những điều kì diệu ấy với công chúng khán giả ở bất cứ đâu.
Về tầm nhìn, Quang quan tâm hơn đến những gì bản thân phát triển, tiến bộ trong tương lai từ 5 - 10 năm hơn là mãn nguyện với những gì vừa có trong hiện tại hoặc đã diễn ra trong quá khứ. Mình chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với bản thân, mang niềm tin và quyết tâm rằng luôn có thể làm tốt hơn mình của ngày hôm qua”, Quang nói.
Hiện tại, Quang đã học xong bậc đại học, sắp tới sẽ học chương trình cao học ở Canada cùng NSND Đặng Thái Sơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có những kế hoạch thu âm tại Úc, biểu diễn tại Việt Nam và các nước, đồng thời tiếp tục mở rộng tham gia các cuộc thi quốc tế ở mức độ cao hơn.
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Lưu Hồng Quang
Năm sinh: 1990
Các giải thưởng quốc tế:
- Giải Đặc biệt Piano Chopin quốc tế châu Á tại Tokyo (Nhật Bản) 1/2006.
- Giải Ba Piano Quốc tế Valtidone (Italy) - 6/2006
- Giải Nhì Piano Quốc tế Valtidone (Italy) - 6/2008
- Giải Ba Piano thế kỷ 19 tại Sydney (Australia) - 6/2008
- Giải Nhất cuộc thi “Giải thưởng độc tấu Piano” tại Sydney (Australia) 8/2008
- Giải Nhất Cuộc thi Piano Chopin tại Sydney (Australia) - 7/2009
- Giải Ba Cuộc thi Piano Quốc tế lần 1 tại Hà Nội (Việt Nam) - 9/2010
- Giải Nhất Piano Lev Vlassenko toàn châu Úc dành cho lứa tuổi 16-30 diễn ra vào tháng 8/2011 cùng 4 giải phụ: Giải trình diễn độc tấu vòng II hay nhất, Giải trình diễn sonata cổ điển hay nhất, Giải biểu diễn tác phẩm của Liszt hay nhất, Giải biểu diễn tác phẩm Chopin hay nhất.