Tái lập dự án khai thác cát biển ở Quảng Ninh: Dân tiếp tục phản đối

Theo ước tính của người dân việc khai thác cát khiến nước biển đã ăn sâu vào bờ 40-50m, chiều dài khoảng 3km
Theo ước tính của người dân việc khai thác cát khiến nước biển đã ăn sâu vào bờ 40-50m, chiều dài khoảng 3km
TP - Mặc dù Dự án khai thác cát của Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Đông Bắc A (Cty Đông Bắc A) ở Mũi Ngọc, phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã giảm quy mô nhưng vẫn gặp phải sự phản đối của người dân sở tại.

Chưa đánh giá tác động môi trường

 Ngày 10/5/2020, Cty Đông Bắc A tái khởi động dự án khai thác cát tại phường Bình Ngọc sau gần 1 năm tạm đình chỉ để điều chỉnh, hoàn thiện các thủ tục theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp này mới đưa tàu ra khu vực Dự án cắm phao tiêu, biển báo đã gặp phải sự phản đối của người dân.

Bà Lê Thị Lan Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Ngọc cho biết, ngày 10/5, Cty Đông Bắc A thực hiện việc cắm mốc trong vùng mỏ ở Mũi Ngọc mà không có thông báo cho UBND phường. “Khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi phối hợp với Đồn Biên phòng, yêu cầu Đông Bắc A dừng mọi hoạt động. UBND phường cũng có công văn báo cáo gửi lên UBND thành phố Móng Cái”, bà Thanh nói.

Tái lập dự án khai thác cát biển ở Quảng Ninh: Dân tiếp tục phản đối ảnh 1 Cuộc sống của hàng ngàn người dân phường Bình Ngọc phụ thuộc vào nguồn hải sản tại ngư trường Mũi Ngọc


Ông Hoàng Ngọc Anh, Chánh văn phòng UBND thành phố Móng Cái cho hay, hiện tại việc khai thác cát tại Mũi Ngọc chưa thể diễn ra do Cty Đông Bắc A còn thiếu đánh giá tác động môi trường, phương án thi công, khai thác chi tiết, chưa lấy ý kiến đồng thuận của người dân. “Việc lấy ý kiến người dân rất quan trọng, bởi phải trên 70% người dân đồng ý, mới được triển khai”, ông Ngọc Anh nói thêm.

Dân lo mất ngư trường đánh bắt, nuôi trồng

Ông Nguyễn Tiến Thượng, trú tại phường Bình Ngọc cho biết, Bình Ngọc - Trà Cổ là dải đất được bồi đắp tự nhiên hoàn toàn bằng cát từ các con sông. Trong đó, vùng đất này có vị trí quan trọng án ngữ dòng chảy cửa sông Bắc Luân, liên quan đến biên giới quốc gia. Theo ông Thượng, việc khai thác cát làm mất đi sự cân bằng, thay đổi dòng chảy, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cột phao biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cuối năm 2019, một số tàu khai thác cát vùng này với số lượng chưa lớn nhưng theo ước tính của người dân, nước biển đã ăn sâu vào bờ 40-50m, chiều dài khoảng 3km. Tuyến đê biển quốc gia phía trong phường Bình Ngọc giáp xã Hải Xuân cũng xảy ra xói lở sát chân đê.

Ông Nguyễn Văn Nam, trú tại Khu dân phố số 1 phân tích, phường Bình Ngọc có gần 200 hộ dân đang đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi tôm. Khi lượng cát bị hút đi sẽ để lại chất thải, bùn chua, chất phèn nổi lên làm ô nhiễm nguồn nước. Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến các đầm tôm và khu nuôi các hải sản khác. Nếu hải sản chết, các hộ dân phá sản. 

“Từ hàng trăm năm nay, bãi biển Mũi Ngọc là ngư trường đánh bắt, khai thác hải sản của hàng ngàn người dân quanh khu vực Đầm Hà, Hải Hà đến Móng Cái. Nguồn thủy hải sản quan trọng đối với cuộc sống mưu sinh của người dân. Con cái được đến trường, kinh tế ổn định, biên giới vững chắc cũng nhờ vào nguồn lợi hải sản ở đây. Nếu dự án hút cát này tiếp tục triển khai, những lợi thế đó không còn nữa”, ông Nam nói.

Ngày 30/10/2019, báo Tiền Phong  đăng tải bài viết “Gần 1.000 người dân phản đối khai thác cồn cát biển”. Giữa tháng 11/2019, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay: UBND tỉnh sẽ điều chỉnh thu hẹp quy mô dự án khai thác cát ở phường Bình Ngọc. Theo đó, quy mô diện tích khai thác giảm còn 79ha, so với trước đây cấp phép là 100ha, mức sâu khai thác thấp nhất giảm từ 12 m xuống còn 5m.



MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.