Biểu diễn múa Rồng tại lễ hội tịch điền tại xã Đọi Sơn |
Sau khi khấn để nhập linh thánh đế, lão nông 80 tuổi, Đinh Trọng Tế, khoác hoàng bào, đeo mặt nạ để hóa thân vào đức vua Lê Đại Hành cày ruộng trước hơn một vạn khách.
Tô đậm thêm tích truyện vua đi cày, đoàn chèo Hà Nam dựng lại vở diễn cùng tên chính trên cánh đồng diễn ra lễ tịch điền từ đêm hôm trước. Theo vở diễn, vua và chàng Sấm (nghệ nhân làm trống nổi tiếng trong vùng), cùng phải lòng một cô gái đẹp tên Mai. Vua bày ra cuộc thi cày để người thắng cuộc sẽ cưới nàng Mai. Nhưng vua bí mật làm gãy cày của mình để nhường nàng Mai cho chàng Sấm...
Ban tổ chức tốn cả trăm triệu đồng cho 20 phút pháo bông Bình Đà. Pháo hoa dân tộc được bắn lên ở tầm thấp và ở khoảng cách gần. |
Buổi lễ tịch điền thêm hoành tráng và đặc sắc với sự xuất hiện của đội trống nữ gồm 50 người cùng 12 thành viên nam chơi các nhạc cụ phụ họa. Điểm nhấn là chiếc trống to nhất làng, đường kính lên tới 1,8m.
Góp phần tăng sự trang trọng cho lễ hội là sự xuất hiện của dàn lễ nhạc sống cũng gồm hầu hết các thành viên nữ. Họ là đào nương, đào đàn của CLB ca trù Thăng Long (Hà Nội).
Những cô gái trong màu áo the cánh kiến như trong tranh tố nữ bước ra, thành phần không thể thiếu trong các nghi lễ như buổi hát thờ đêm 1/2 (tức mồng 6 Tết) tại đình Đọi Tam. Họ cũng đệm cho dàn Tế cầu an tối mùng 2/2 tại Long Đọi Sơn - ngôi chùa cổ kính với vườn tháp nghìn năm tuổi - ngay lưng chừng núi.
Vài phóng viên từ Lễ hội Chùa Hương về thẳng Đọi Sơn. Một số còn dự tính từ Đọi Sơn thẳng tới chợ Viềng. Rất có thể đây sẽ là một tour du lịch được lựa chọn trong tương lai gần.
Tịch điền Đọi Sơn là Lễ hội có tác giả. Tổng đạo diễn chương trình Tiến sĩ Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật): “Năm đầu, tịch điền được hỗ trợ tổ chức với mong muốn, sau khi thành hình, sẽ bàn giao cho dân. Lễ hội không có nhiều yếu tố của lực lượng diễn viên chuyên nghiệp (trừ ca trù, nhã nhạc...). Hi vọng đây sẽ là một lễ hội thường niên của dân, do dân trong những năm tới”.
Sáng 2/2, khi nhân dân thắp hương trên lễ đài, bát hương tự hóa.
Dàn trống hội xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam biểu diễn trong lễ hội |
Lễ hội tịch điền còn đem lại một hình thức nghệ thuật độc đáo. Đừng tưởng mỹ thuật phương Tây mới có body-art. Cách đây nghìn năm các cụ ta chơi trò này. Có điều, ở ta body là trâu! Ba chục họa sĩ của Hà Nam và toàn quốc theo bước các cụ tô điểm cho hơn 30 chú trâu. Con ấn tượng, con trừu tượng, có con lại đầy vẻ pop-art. Nhưng các mô típ hoa văn căn bản vẫn lấy từ truyền thống như biểu tượng âm dương, cờ ngũ sắc, chim lạc, hoa mai, tiền cổ...
Họa sĩ Phương Vũ Mạnh chịu chơi vẽ cả trâu mẹ lẫn nghé con mới bốn tháng tuổi. Anh chị Thà - chủ trâu - mất cả buổi chiều bằng mọi cách giữ nghé con hiếu động cho họa sĩ thao tác. Lê Thị Hà, cô giáo trẻ dạy mỹ thuật ở một trường cấp ba trong vùng, đi qua thấy hội vui cũng vào xin vẽ. Ban tổ chức sau một hồi cân nhắc cũng cho họa sĩ tự phát này cùng các bạn hàng xóm tham gia thi.
Hội thi vẽ trâu còn có sự tham dự của họa sĩ người Anh Elena Solomon. Elena không có ý định thể hiện ý tưởng gì cao siêu mà chỉ tôn các nét đẹp sẵn có của trâu lên. Cuối cùng, Phương Vũ Mạnh cũng là một trong năm họa sĩ được giải vẽ trâu đẹp (mỗi giải 3 triệu đồng).
Được biết, trâu trong làng được cho tập nghe trống và quen với nơi đông người từ hàng tháng nay. Trong số 30 trâu để vẽ, lại chọn ra 15 chú vừa đẹp vừa tốt để tham dự đám rước và cày trong Lễ Tịch điền. Đêm trước buổi lễ trọng, chủ trâu ở xa ngủ ngay tại đình Đọi Tam để canh trâu. Cả một bãi cỏ bên đình hay một cánh đồng đầy trâu béo tốt lại sặc sỡ sắc màu là hình ảnh mai này sẽ làm nên thương hiệu của Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn.
Tiếp lấy tay cày là hai vị quan chức đầu tỉnh và các bô lão trong vùng. Thiếu nữ áo xanh tay cầm giỏ, tay vãi ngũ cốc. Lễ vừa kết thúc, chị Trần Thị Đảm, một nông dân ở xã Ba Sao, huyện Kim Bảng quỳ xuống nhặt lấy các hạt giống để đem về nhà gieo lấy may. |