Đây là một trong những hoạt động định kỳ, thú vị, đặc biệt hữu ích cho giới trẻ và du khách của Bảo tàng Thế giới Cà phê, nhằm hỗ trợ kiến thức nền tảng, nâng cao hiểu biết và cảm hứng sáng tạo, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa.
Bắt nguồn từ Nhật Bản, Origami là môn nghệ thuật kết hợp những cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật 2 chiều thành những hình phức tạp 3 chiều, không cắt dán trong quá trình gập. Không chỉ là bộ môn nghệ thuật, Origami còn có tính ứng dụng cao trong đời sống, tính trực quan sinh động cao, giúp truyền tải được thông điệp của bất kỳ nội dung nào. Lần đầu được giới thiệu tại Đắk Lắk, Origami tái hiện lịch sử thời kỳ dựng nước và giữ nước với sự góp mặt của những nghệ sỹ trẻ tài năng của AXA Studio như Nguyễn Linh Sơn, Lê Đức Thọ, Phạm Thị Thu Trang.
Qua triển lãm, giới trẻ dễ ghi nhớ những phân đoạn lịch sử tiêu biểu trong suốt thời kỳ trị vì của 18 vua Hùng, thể hiện sinh động bởi nghệ thuật gấp giấy Origami và nghề in khắc gỗ Mokuhanga. Trong đó có những câu chuyện sinh động về việc Vua Hùng dạy dân làm ruộng, trồng lúa nước, chuyện Vua Hùng thứ 6 cầu người hiền tài giúp nước, chuyện Thánh Gióng đánh giặc Ân và Lang Liêu dâng bánh chưng bánh dày, chuyện Mai An Tiêm bất đắc dĩ phải lập nghiệp nơi hoang đảo vẫn hướng về cố hương, chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh hô mưa gọi gió vì cùng yêu một người con gái ...
Là người đã đồng hành và ủng hộ Dự án Thủ phủ Cà phê Toàn cầu từ những ngày đầu tiên, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển từng viết: Mười năm qua, Trung Nguyên đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách để phát triển và đã có nhiều thành công, sự cố gắng đó rất đáng biểu dương khen ngợi...
Khoa học ngày nay đã minh chứng rằng Bảo tàng có ý nghĩa đóng góp to lớn nhất khi kết hợp được bảo tàng tĩnh và bảo tàng động. Tôi hy vọng Bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ nhưng cũng là nơi đúc kết những gì đã làm được để có những bài học kinh nghiệm quí báu cho sự phát triển sắp tới...