Bệnh nhân 30 tuổi, sinh con lần thứ 2 bằng đẻ thường. Sau khi cháu bé lọt lòng thành công, sản phụ bắt đầu xuất hiện tình trạng băng huyết (chảy máu) ồ ạt với khối lượng nhiều, máu đỏ tươi.
Bệnh nhân nhanh chóng rơi vào trạng thái mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt và lơ mơ dần. Xác định đây là một tái biến sản khoa nguy hiểm, tính mạng người bệnh chỉ còn tính từng phút nên các chuyên gia đầu ngành Hồi sức tích cực-Chống độc, Cấp cứu, Sản khoa, Ngoại khoa, Gây mê hồi sức, Huyết học, Chẩn đoán hình ảnh...đã có mặt để khẩn trương hội chẩn, đưa ra phương án xử trí.
Qua thăm khám, các thầy thuốc chẩn đoán bệnh nhân bị đờ tử cung sau đẻ gây chảy máu ồ ạt dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích (mất máu) và rối loạn đông máu.
Bệnh nhân đã rơi vào trạng thái suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê do thiếu oxy não. Ảnh: BS cung cấp |
Lượng máu được truyền bổ sung cho bệnh nhân không đáng kể so với số lượng máu đang chảy ra ngoài. Bệnh nhân đã rơi vào trạng thái suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê do thiếu oxy não.
Biện pháp duy nhất lúc này để hy vọng bệnh nhân được sống sót là nhanh chóng mổ cắt tử cung, khâu cầm máu. Đồng thời cùng lúc phải hồi sức hô hấp, tuần hoàn, truyền máu và các chế phẩm của máu để nhanh chóng bù lại khối lượng máu đã mất.
Đây thực sự là một bài toán vô cùng khó giải đối với tập thể các thầy thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. Bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm để truyền dịch, truyền máu, dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp. Kíp phẫu thuật Sản khoa-Ngoại khoa-Gây mê hồi sức đã kịp thời có mặt. Thuốc cấp cứu, máu và các chế phẩm của máu cũng đã được huy động đầy đủ.
Ca mổ cắt tử cung để cầm máu được tiến hành nhanh chóng, chính xác; quá trình hồi sức trước và trong mổ được đảm bảo ở mức tối đa nhất. Sau mổ, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, vẫn phải dùng thuốc để nâng huyết áp và nguy hiểm nhất là tình trạng rối loạn đông máu gây chảy máu mũi, máu miệng không tự cầm; ống nội khí quản, xông dạ dày và xông dẫn lưu ổ bụng cũng chảy máu đỏ tươi.
Trước, trong và sau cuộc mổ, bệnh nhân được truyền hơn 7 lít máu và các chế phẩm của máu, phải nhét meche (gạc) mũi-miệng để băng ép cầm máu. Bệnh nhân phải đối điện với quá nhiều nguy cơ, trong đó nguy hiểm nhất là nguy cơ xuất huyết não do rối loạn đông máu hoặc tổn thương tế bào não do thiếu oxy.
Thế rồi, điều may mắn đã mỉm cười với bệnh nhân và thầy thuốc. Ngày thứ 2 sau mổ, tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân được cải thiện chút ít, bệnh nhân đã có cử động chân tay và mở mắt khi cấu véo. Những ngày tiếp theo, tất cả đều tốt dần lên. Rồi bệnh nhân tỉnh, cắt được thuốc vận mạch, rút được ống nội khí quản.
Xác định đây là một tái biến sản khoa nguy hiểm, tính mạng người bệnh chỉ còn tính từng phút nên các chuyên gia đầu ngành Hồi sức tích cực-Chống độc, Cấp cứu, Sản khoa, Ngoại khoa, Gây mê hồi sức, Huyết học, Chẩn đoán hình ảnh đã tập trung để đưa ra hướng xử lý. Ảnh: BS cung cấp |
Sau 1 tuần điều trị, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tự ăn uống, các xét nghiệm đã dần về giới hạn bình thường, cháu bé đã được gặp mẹ. Hy vọng trong tuần này, bệnh nhân sẽ hồi phục sức khoẻ để xuất viện.
Đờ tử cung sau đẻ là tình trạng tử cung không thể co hồi sau khi sinh nở, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến băng huyết sau sinh rất nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng người mẹ. Thông thường, cơ tử cung sẽ tự động thắt chặt hoặc co lại để bong nhau (rau) sau khi sinh. Quá trình co hồi này giúp siết chặt các mạch máu gắn với bánh nhau và hỗ trợ ngăn ngừa chảy máu. Trong trường hợp cơ tử cung co không đủ mạnh, máu vẫn liên tục chảy tự do dẫn đến tình trạng sốc mất máu, rối loạn đông máu, nếu không được xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ.
Đờ tử cung là biến chứng Sản khoa xảy ra bất ngờ và không có dấu hiệu báo trước. Sản phụ cần được theo dõi tích cực sau đẻ thường để phát hiện và xử trí kịp thời đờ tử cung gây băng huyết.