Tác giả ‘Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ’ kể chuyện ngư dân bám biển

0:00 / 0:00
0:00
Ông Lê Công Phụng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, Trưởng Ban biên giới Chính phủ trao giải thưởng xuất sắc Nghiên cứu Biển Đông cho Trung tá, nhà báo Lê Văn Chương
Ông Lê Công Phụng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, Trưởng Ban biên giới Chính phủ trao giải thưởng xuất sắc Nghiên cứu Biển Đông cho Trung tá, nhà báo Lê Văn Chương
TPO - Loạt bài "Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ" của báo Tiền Phong được Ban tổ chức Giải thưởng Thông tin đối ngoại lần thứ VII của Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải B vào tối 28/11/2021 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đây là loạt bài của cộng tác viên, nhà báo Lê Văn Chương được báo Tiền Phong khởi đăng 5 kỳ, từ 19/1/2021 (tròn 47 năm ngày diễn ra sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, còn gọi là Hải chiến Hoàng Sa). Báo Tiền Phong trao đổi với tác giả Lê Văn Chương về đề tài này.

Tác giả ‘Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ’ kể chuyện ngư dân bám biển ảnh 1
Nhà báo Lê Văn Chương theo tàu ngư dân ra khơi, vừa tác nghiệp, vừa tham gia vào hoạt động nghiên cứu về Biển Đông.

PV: Trong loạt bài này có những chi tiết đắt giá như là “ngày Trung Quốc, đêm Việt Nam”. Là một người lính cầm bút (phóng viên báo Biên Phòng, cộng tác viên báo Tiền Phong), xin anh chia sẻ thêm về điều này?

Tác giả Lê Văn Chương: Chúng ta quan tâm tới trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 thì sẽ nhớ một địa danh là cụm Nguyệt Thiềm, nơi mà tiếng súng đã vang lên và sau đó hải quân của chính quyền Sài Gòn đã để rơi quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc cho đến bây giờ. Bản thân tôi thường đặt câu hỏi rằng “nơi đó bây giờ ra sao?”. Và tôi xin chia sẻ với mọi người rằng, nơi đó bây giờ luôn xuất hiện bóng dáng những con tàu của ngư dân Việt Nam, mà cụ thể là ngư dân làm nghề lặn đêm ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ban ngày thì ngư dân lui tàu ra nghỉ ngơi, còn ban đêm thì lại tiến vào rất sát các đảo để làm nghề lặn bắt cá. Họ vừa mưu sinh, vừa bám giữ đảo, một hành động anh hùng.

Tác giả ‘Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ’ kể chuyện ngư dân bám biển ảnh 2
Cụm Nguyệt Thiềm, nơi từng xảy ra trận Hải chiến Hoàng Sa và hiện nay ngư dân Việt Nam vẫn thường xuyên mưu sinh, bám giữ đảo. Ảnh tư liệu

PV: Tôi rất ấn tượng với cụm từ “vào sát, bám đảo” của những ngư dân mà anh vừa nêu. Xin anh chia sẻ thêm về hành động dũng cảm và cũng rất gợi sự tò mò?

Tác giả Lê Văn Chương: Vào thời điểm cách đây 5 năm về trước, ngư dân làm nghề lặn đêm ở xã Bình Châu mỗi khi ra bám biển Hoàng Sa thì tàu thả thợ lặn, đi xuống đáy biển ở độ sâu khoảng 40 mét. Còn những năm trước đó nữa thì độ sâu 50-60 mét. Có nghĩa là lặn càng sâu thì tàu tiến vào ở cự ly càng xa các đảo nổi. Nhưng hiện nay vì vấn đề an toàn lao động, bên cạnh đó là thể hiện tinh thần bám đảo, nên các tàu đánh cá vào sát hơn, thậm chí một số tàu chở theo ca nô để chở thợ lặn vào tận bờ đảo để lặn cá thâu đêm. Dù biết như vậy có thể gặp nguy hiểm, có thể bị bắt giữ, nhưng ra Hoàng Sa thì ai cũng nói một câu là “đảo của Việt Nam cơ mà”. Vậy là bà con cứ tiến vào mà mưu sinh.

Tác giả ‘Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ’ kể chuyện ngư dân bám biển ảnh 3
Ngư dân Nguyễn Đình Sang (áo đỏ) sắp mâm cúng trước giờ tàu chạy vào vòng Nguyệt Thiềm. Ảnh:Văn Chương

PV: Cụm Nguyệt Thiềm mà anh đã đề cập thì hiện nay có gì mới so với 47 năm trước, xin anh chia sẻ thêm với bạn đọc?

Tác giả Lê Văn Chương: Đó là một cụm đảo, một tuyệt tác trời cho ở Biển Đông. Và tôi nghĩ rằng, trên Biển Đông có lẽ không có một nơi nào phong phú, đẹp đẽ như nơi này. Đó là các đảo Đá Hải Sâm, Quang Hòa, Hữu Nhật, Hoàng Sa, Xà Cừ, Duy Mộng, Quang Ảnh; ngoài ra còn có các đảo nhỏ như Ba Ba, Ốc Hoa. Cụm đảo này như một đóa hoa nở trên mặt biển. Tôi từng phỏng vấn những nhân chứng trước năm 1975 là lính của chính quyền Sài Gòn từng đóng quân ở đảo Quang Hòa, Hoàng Sa thì thời đó có đảo Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây. Hiện nay 2 hòn đảo này bị tôn tạo, bồi đắp, nối lại, trở thành một tiền đồn trái phép của Trung Quốc. Các hòn đảo khác như Duy Mộng thì trở thành đảo du lịch. Mỗi khi ngư dân đi biển về đều kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện xúc động.

Tác giả ‘Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ’ kể chuyện ngư dân bám biển ảnh 4
Ngư dân Nguyễn Văn Tâm (ngoài cùng bên phải) đã nhảy xuống biển vớt lá cờ Tổ quốc sau khi bị tàu Trung Quốc đổ quân đánh đập, chặt phá ngư cụ và thu giữ tài sản tại Hoàng Sa tháng 2/2015. Ảnh: Văn Chương

PV: Theo những gì anh kể thì có một khoảng thời gian dài, ngư dân Việt Nam thực sự là chủ nhân của cụm đảo này. Anh có thể chia sẻ thêm với độc giả?

Tác giả Lê Văn Chương: Từ trước năm 2000, bà con ngư dân ở xã Bình Châu ra Hoàng Sa mưu sinh, sau đó thì neo lại luôn trong cụm đảo, ngư dân lên các đảo bỏ hoang để săn bắt cá, hái lượm trái cây, như những cư dân thực sự của vùng đảo này. Còn từ sau năm 2000 thì tình hình bắt đầu khó khăn hơn. Qua loạt phóng sự này, tôi cũng mong các cơ quan nghiên cứu luôn theo sát sao hoạt động của ngư dân. Vì chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội chứng minh việc làm chủ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không hề bị gián đoạn, thông qua các hoạt động dân sự của bà con ngư dân bám biển.

PV: Cảm ơn anh!

Nhà báo Lê Văn Chương nhiều năm vừa viết báo, vừa tham gia nghiên cứu khoa học về Biển Đông. Năm 2018, đề tài nghiên cứu “Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo” của tác giả Lê Văn Chương đã được Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Ðông của Học Viện Ngoại giao trao giải đặc biệt xuất sắc. Năm 2019, một đề tài nghiên cứu Biển Đông khác của anh tiếp tục được trao giải xuất sắc. Lê Văn Chương cũng là tác giả của 2 tập sách "Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa".

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.