Tác giả 'chụp ảnh CSGT phải xin phép' lên tiếng

Tác giả 'chụp ảnh CSGT phải xin phép' lên tiếng
TPO - Trong văn bản gửi CSGT địa phương, lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ Đường sắt chỉ đạo “kiên quyết đấu tranh” với việc quay phim chụp ảnh lực lượng này thi hành nhiệm vụ mà không xin phép.

> Muốn chụp ảnh CSGT phải ...xin phép?
> CSGT 'làm ngơ', xe tải nặng vô tư đi vào giờ cấm

Văn bản do Cục phó CSGT Đường bộ-Đường sắt, đại tá Trần Sơn Hà ký ban hành. Nguyên văn văn bản có đoạn: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe doạ, lăng mạ, hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Văn bản về cấu trúc văn phạm có phần trúc trắc này tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau như: Bất cứ ai muốn chụp ảnh, quay phim CSGT phải xin phép; không được quay, chụp tuỳ tiện, giấu diếm. Nhẹ hơn có thể hiểu: Lực lượng CSGT không cấm quay chụp, nhưng sẽ “kiên quyết đấu tranh” để làm rõ mục đích quay, chụp...

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 20/8, đại tá Trần Sơn Hà cho rằng, văn bản nêu trên chỉ mang tính chất chỉ đạo nghiệp vụ, không phải quy định đối với báo chí. Lý do ban hành văn bản này là nhằm đấu tranh với các đối tượng giả danh nhà báo quay phim, chụp ảnh để tống tiền CSGT như đã xảy ra tại Thanh Hoá, Bình Thuận.

“Trong văn bản, một mặt chúng tôi chỉ đạo anh em phải làm việc đúng pháp luật. Còn khi phát hiện trường hợp giả danh nhà báo thì phải làm rõ” – ông Hà nói

Về cách hiểu CSGT muốn cấm người dân, nhà báo quay phim, chụp ảnh hoạt động của lực lượng, ông Hà nói: “Trong công văn, không có chỗ nào dùng từ cấm. Chúng tôi không thể cấm được hoạt động của báo chí. Cụ thể, CSGT hoạt động công khai, làm việc theo pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân. Việc quay phim chụp ảnh là quyền công dân, chúng tôi cũng không có quyền cấm”.

Về việc CSGT khi phát hiện nhà báo tác nghiệp phải báo cáo cơ quan chủ quản, ông Hà giải thích: “Không chỉ trong ngành công an, ở đơn vị nào cũng vậy, việc phát ngôn phải là người có trách nhiệm. Vì thế, khi gặp nhà báo, các CSGT báo cáo cấp trên là bình thường”.

Vậy người dân quay phim, chụp ảnh hoạt động của CSGT mà không lộ diện thì sao? Ông Sơn Hà nói: “Chúng tôi không có quyền cấm, nhưng cách tốt nhất là nên hợp tác công khai vì 2 bên đều hoạt động đúng theo pháp luật”.

Liên quan đến văn bản này, TS Lê Hồng Sơn-Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết đang cho các phòng chuyên môn kiểm tra. Bước đầu TS Sơn đánh giá: Đây là văn bản chỉ đạo nghiệp vụ nên chỉ có tác dụng với lực lượng CSGT, chứ không có tác động đến các đối tượng bên ngoài. “Bước đầu anh em báo cáo cho thấy, văn bản tương đối chặt chẽ; họ không dại gì mà ban hành văn bản trái luật. Văn bản nói rằng, quay phim chụp ảnh phải xin phép; nhưng trường hợp không xin phép, cũng chưa thấy họ nói gì?” – TS Sơn nói.

Sỹ Lực
Theo Viết
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".