Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về những hướng đi dài hạn để duy trì động lực tăng trưởng kinh tế và những kỷ niệm của ông khi giải quyết những khó khăn, giúp Chính phủ làm công việc cải cách thể chế.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2017 đạt được nhiều kết quả khả quan. Sang năm 2018, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp để phát huy những động lực mới, tận dụng cơ hội và khắc phục thách thức để đạt được kịch bản phát triển tốt nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong ngắn hạn 2018, chúng ta đang có những động lực cần tận dụng. Thứ nhất, đúng là kết quả năm 2017, các chỉ số kinh tế rất tốt và hiện nay đang tận dụng để duy trì đà cho năm 2018. Tôi cho rằng, hiếm khi ta bước vào năm mới với các thời cơ tốt như hiện nay, ta phải tận dụng cho được. Thứ hai là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ quý báu cho các nước đang phát triển để tăng tốc thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Thứ ba là niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đây là cơ hội tốt để tận dụng tạo nên sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị. Theo tôi, có được niềm tin của người dân và doanh nghiệp khó nhưng giữ được nó còn khó khăn hơn nhiều, đây là điểm cần giữ gìn để tạo thành động lực phát triển. Thứ tư, tận dụng các làn sóng mới đang gia tăng hiện nay về đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp mới, tăng trưởng du lịch…chúng ta cần phải tận dụng theo định hướng mới chủ đích dẫn dắt những làn sóng này hiệu quả nhất. Thứ năm, việc cải cách hành chính môi trường đầu tư trong những năm vừa qua đã được quốc tế đánh giá cao. Chúng ta cần đẩy mạnh việc này với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo. Cần tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch hấp dẫn hơn nữa.
Tôi cho rằng các chủ trương của Đảng và Chính phủ đúng đắn, đi vào cuộc sống, tôi vững tin vào điều đó. Ngay trong những ngày đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và chúng tôi cũng đã có các chương trình hành động để triển khai hiệu quả. Chúng tôi sẽ làm tốt vai trò tham mưu, giúp đánh giá triển khai thực hiện của bộ, ngành, địa phương để Nghị quyết này triển khai đạt hiệu quả cao nhất.
Nhưng thực tế vẫn còn không ít khó khăn, không nói đến khách quan, ngay từ phía chủ quan cũng có. Đó là vẫn có những cán bộ với tư duy tầm nhìn hạn hẹp, thể hiện thông qua việc bảo thủ trì trệ, tham mưu kém, tạo lực cản cho sự phát triển của đất nước.
Nạn tham nhũng lãng phí còn nặng nề, làm thất thoát nguồn lực của Nhà nước, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước.
Về dài hạn, bên cạnh việc phải cảnh giác đến các yếu tố gây bất ổn định kinh tế vĩ mô, phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược là thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng,
Bộ trưởng có nhắc đến động lực cải cách. Là người đứng đầu cơ quan thường xuyên xây dựng các thể chế chính sách theo hướng mới, động chạm, ông có hay vấp phải sự phản đối không? Khi đó ông giải quyết thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có 2 trở ngại khiến việc cải cách vấp phải sự phản đối. Thứ nhất, nhiều cá nhân, đơn vị, cơ quan của Việt Nam vẫn muốn làm việc theo thói quen, lề lối cũ, ngại thay đổi, đôi khi máy móc. Các công chức vẫn có thói quen căn cứ vào pháp luật quy định để đưa ra quyết định.
Trở ngại thứ hai là quyền lợi, vì việc cải cách chắc chắn luôn ảnh hưởng tới lợi ích của một bộ phận nào đó. Thực tế hiện nay, có không ít cán bộ công chức lầm tưởng, “lẫn lộn” chức trách của mình được Nhà nước giao, với quyền lực của mình, qua đó đặt lợi ích cá nhân lên lợi ích chung.
Thực tế, khi xây dựng thể chế, cơ bản các bộ, ngành có thể lúc đầu chưa rõ, khi giải thích cụ thể hơn thì họ cũng hiểu và đồng thuận tốt, nhưng thực tế các ý kiến phản đối cũng không ít. Đơn cử, gần đây là sự ra đời khá gian nan của Luật Quy hoạch. Có quá nhiều quy hoạch (khoảng 20.000 quy hoạch) nhưng vẫn không hợp lý, hiệu quả thấp. Nhưng trong thảo luận, cũng có nhiều ý kiến lo ngại bỏ đi thì sản phẩm tràn lan, Nhà nước quản lý bằng cách nào.
Trong quá trình xây dựng lấy ý kiến cho luật, chúng tôi đã phải bảo vệ các quan điểm, trong đó cốt lõi là phải bảo đảm yếu tố thị trường, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ phân tích, cảnh báo, định hướng cho người dân, doanh nghiệp chứ không nên làm thay.
Hoặc vấn đề xây dựng, trước đây, mỗi ngành nghề xây dựng quy hoạch riêng. Đô thị, điện, nước, đê điều... đều làm riêng, không có kết nối liên kết với nhau. Việc mạnh ai nấy quy hoạch dẫn đến hiện tượng khá phổ biến là người này vừa xong người khác đào lên làm, hoặc vừa làm xong lại thường xuyên điều chỉnh đầu tư thêm, gây lãng phí nguồn lực.
Khắc phục sự bất hợp lý, Luật Quy hoạch yêu cầu phải tích hợp các quy hoạch. Đây là phương pháp hiện đại các nước tiên tiến đã làm, cần phải thực hiện bảo đảm lợi ích tổng thể.
Qua quá trình triển khai, kinh nghiệm mà tôi rút ra là người làm cải cách phải vượt qua được những trở ngại từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản đối, thậm chí cả lợi ích của chính mình. Đồng thời, phải có trình độ chuyên môn tốt. Cán bộ không chỉ nắm rõ pháp luật mà còn phải biết căn cứ vào thực tế, nếu cần phải thay đổi để phù hợp thực tiễn hơn. Ví dụ khi có các quy định mới chưa từng có, hoặc vênh với các Luật khác, thì phải biết tham mưu, có bản lĩnh lập luận, bảo vệ. Tất nhiên, nếu ý kiến góp ý đúng, chúng tôi phải tiếp thu, cuối cùng để đạt kết quả tốt nhất, có đồng thuận cao.
Vậy ngay với chính Bộ do mình phụ trách, quan điểm cải cách của Bộ trưởng được triển khai thế nào để thực hiện tốt vai trò tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động điều hành cũng như cải cách thể chế kinh tế?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tại một Diễn đàn kinh tế mới đây, khi trả lời câu hỏi quyết sách nào để tăng khả năng chống chọi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài có thể thấy trong tương lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt lại phần trả lời trực tiếp khi viện dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển “Vì sao các quốc gia thất bại” của hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson và nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện các khuyến cáo, đó là thể chế, thể chế, và thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường”.
Thủ tướng đã khẳng định các chính sách phải huy động được mọi người dân cùng tham gia công cuộc xây dựng đất nước nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, đây là quan điểm rất đúng và hơn ai hết Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải nhận trọng trách đi tiên phong, cùng với các bộ, ngành thực hiện quan điểm này. Vì chức năng, nhiệm vụ chính của Bộ là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược cho Nhà nước, xây dựng thể chế, các mô hình kinh tế đổi mới với mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững nhất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đặc thù là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng dự thảo nhiều Luật, thể chế có tính cải cách về kinh tế, mà đã cải cách thì ít nhiều sẽ gặp lực cản từ cả bên ngoài và cả bên trong.
Do đó, tôi phải quán triệt với ngay cả trong nội bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư,là cần thực hiện đúng định hướng nhiệm vụ chính của Bộ là tập trung vào vấn đề chiến lược, quy hoạch, có tầm nhìn, cập nhật những xu hướng phát triển mới mẻ, hiệu quả trên thế giới để làm, đồng thời giảm bớt các hoạt động liên quan đến phân bổ vốn hoặc thực hiện phân cấp phân quyền nhiều hơn.
Tôi cũng đề nghị giảm bớt những cuộc họp không cần thiết, hay những cuộc lãnh đạo địa phương phải về gặp gỡ làm việc trực tiếp trong vấn đề giao kế hoạch hằng năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hoá, hạn chế tối đa can thiệp của con người.
Tôi yêu cầu toàn bộ máy phải chuyển sang các hoạt động nghiên cứu chiến lược, không giải quyết phân bổ các dự án cụ thể. Chắc chắn, sẽ có những cán bộ ít nhiều phản đối vì dường như bị mất “quyền lực”, thậm chí lợi ích, nhưng dần anh em sẽ phải hiểu, phải nâng tầm tham mưu tổng hợp, chiến lược, đó mới là hướng đi phát triển lâu dài của ngành.
Tôi đặt ra yêu cầu với các cán bộ của ngành phải nâng cao trình độ, để có tầm nhìn, tư duy mới bắt kịp với xu thế, tri thức mới, để tham mưu cho Đảng, Chính phủ về lĩnh vực kinh tế. Phải biết phân tích, học hỏi, từ đó mới xây dựng được thể chế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng, làm cải cách quan trọng nhất phải có tầm nhìn và có tâm sáng. Nếu mình có tâm, không vì lợi ích cục bộ cơ quan, hay nhóm nào thì dần mọi người sẽ hiểu và đồng thuận.
Chúng ta có sự đoàn kết, đồng lòng, cũng cần tin vào thế hệ trẻ. Bạn có thể thấy qua thành công của đội bóng đá U23 vừa rồi là một ví dụ sinh động, người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta có nội lực chẳng kém ai, nếu có khát vọng và đầu tư đúng hướng. Lâu nay ta tụt hậu đôi khi do chính những lực cản không đáng có tự kìm chân mình. Tất nhiên, bóng đá chỉ là một khía cạnh nhỏ, còn trong lĩnh vực kinh tế thì rộng hơn nhiều. Nhưng qua sâu chuỗi các bài học thành công, chúng ta có thể thấy rằng nếu có khát vọng cải cách, tâm trong sáng, có phương pháp đúng đắn và đoàn kết đồng lòng, tranh thủ thời cơ tốt hơn, chúng ta vẫn sẽ có những bứt phá mạnh mẽ hơn, rút ngắn khoảng cách phát triển trong thời gian tới.