Mặc cho chuyện ăn bánh mỳ, tô bún ngoài đường, xơi rau quả mua ngoài chợ, nhẹ thì đau bụng tiêu chảy, nặng thì nôn mửa, nhập viện không hề hiếm. Nay tại TP Bến Tre nhỏ bé, không chỉ 1 người mà có tới 22 người đâm đơn kiện tiệm bánh mỳ Minh Tuyến ở nơi đây, tất cả họ đều cho rằng đã mua và ăn bánh mỳ kẹp thịt của tiệm này rồi bị ngộ độc. 22 nguyên đơn này nằm trong số 173 nạn nhân của vụ ngộ độc bánh mỳ từng được các cơ quan chức năng ghi nhận hồi tháng 5/2013.
Hôm qua, bà Thuyên, người khởi kiện tiệm bánh mỳ đòi bồi thường hơn 2 triệu đồng (441.000 đồng tiền thuốc, 92.000 đồng tiền viện phí, 1.344.000 đồng do mất thu nhập, 240.000 đồng tiền công thuê người nuôi bệnh) đã bị TAND TP Bến Tre bác yêu cầu bồi thường. Lý do là không đủ cơ sở pháp lý chứng minh nguyên đơn đã ăn bánh mỳ ở tiệm Minh Tuyến dẫn đến ngộ độc, bởi bà Thuyên không cung cấp được là “phiếu xét nghiệm bệnh phẩm”. Trước đó ngày 9/2, một nguyên đơn khác là ông Nguyễn Văn Hoàng cũng đã bị tòa bác đơn đòi bồi thường với lý do không xuất trình được “hóa đơn mua bánh mỳ” tại tiệm bánh này.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời nguyên đơn Hoàng, ấm ức mà rằng: “Lúc mua bánh mỳ đâu có biết trước là sẽ bị ngộ độc để thu thập bằng chứng chứng minh mình có ăn bánh mỳ. Lúc vào bệnh viện cấp cứu thì lo giữ lại mạng sống chứ đâu biết phải yêu cầu xét nghiệm này nọ để có căn cứ mà đòi bồi thường”. Tương tự, dân thường như bà Thuyên lấy đâu ra “phiếu xét nghiệm bệnh phẩm” khi đang đau quằn quại trong bệnh viện, thoát được là may rồi. Không biết rồi đây, 20 nguyên đơn còn lại tòa sẽ phán tiếp ra sao? Nhưng chắc rằng, không ai có được “hóa đơn mua bánh mỳ” hay tờ “phiếu xét nghiệm bệnh phẩm” cách đây ngót 2 năm như yêu cầu của tòa. Nhiều bạn đọc vặn lại rằng, liệu ở xứ ta có tiệm bánh mỳ kẹp thịt nào ngoài đường xuất hóa đơn cho khách không?
Thế nhưng ở một góc nhìn khác, kỳ án nói trên lại là một tín hiệu mừng. Bởi sự vào cuộc quyết liệt của Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bến Tre, của giới luật sư bảo vệ cho các nạn nhân. Và đặc biệt là tinh thần “thượng tôn pháp luật” của người dân, ý thức sử dụng pháp luật để tự bảo vệ mình, để cảnh báo và răn đe các hành vi xâm phạm quyền người tiêu dùng nói riêng và các quyền công dân nói chung đã được nâng cao rõ rệt trong xã hội.
Ở nhiều nước phát triển, việc một tiệm bánh hay cửa hàng bị khách kiện ra tòa vì mất VSATTP là chuyện bình thường. Và do đó ý thức chấp hành luật pháp của mọi thành viên trong xã hội sẽ ngày một lên cao. Ở ta, hy vọng kỳ án nói trên sẽ là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai coi thường luật pháp, cho dù chỉ là bán chiếc bánh mỳ kẹp thịt.