Giai đoạn 1 dự án nghiên cứu nguyên nhân sụt lún đất (từ năm 2012- 2013) mất đất đáng kể dọc bờ biển Cà Mau, tốc độ lún khoảng 2-3 cm/năm, kéo theo xâm nhập mặn sông ngòi và một phần các tầng chứa nước. Sau đó, dự án triển khai hệ thống quan trắc để xác minh sụt lún tại Cà Mau gồm các huyện Phú Tân, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển.
Tiến sĩ Kjell Karlsrud- Viện địa chất Na Uy, kết luận nguyên nhân sụt lún là do bơm hút nước ngầm gây ra, giảm mực nước ngầm. Dựa vào kết quả quan trắc và tính toán, tốc độ sụt lún tại Cà Mau 15-45mm/năm. Đây cũng là nguyên nhân gây xói lở bờ biển.
Nhóm nghiên cứu sụt lún tại Cà Mau đề xuất ngay lập tức giảm mạnh hoặc dừng tất cả các hoạt động bơm hút nước ngầm, bắt đầu tìm nguồn nước sạch thay thế cung cấp cho các tỉnh phía Nam, xem xét xây dựng một số hồ lớn chứa nước mưa hoặc hộ gia đình sử dụng.
Các nhà khoa học Đại học Cần Thơ đưa đến hội thảo đề tài quản trị tài nguyên nước dưới đất vùng ven biển ĐBSCL đã chỉ ra những bất hợp lý trong sử dụng tài nguyên nước ngầm. Viện khoa học thuỷ lợi Miền Nam báo cáo ảnh hưởng của lún sụt đất ở ĐBSCL đến hệ thống thuỷ lợi đã cảnh báo nguy cơ lún sụt đất nền có xu hướng gia tăng, xâm ngập mặn, biến đổi khí hậu sẽ là tác động kép, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau cho biết, đang tính toán xây dựng hồ chứa nước tại vùng U Minh Hạ để cung cấp nước sạch hoặc dẫn nước từ Sông Hậu về sẽ cần vốn đầu tư rất lớn, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và viện trợ quốc tế.