> Phi công Mỹ đi tìm lại người bắn rơi mình
> Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Bảo tàng Chiến thắng B-52
> Người soạn ‘sách đỏ’ đánh B-52 đã ra đi…
Tuy vậy, do cán cân lực lượng trên thế giới vào những năm 60 có đối trọng về tiềm năng hạt nhân, cùng sự ra đời của nhiều loại tên lửa đạn đạo, nên B-52 còn được giao nhiệm vụ mang số lượng lớn bom thông thường sẵn sàng tham chiến tại chiến tranh cục bộ.
Như thế, B-52 trở thành máy bay ném bom chiến lược ngay cả khi có xung đột và chiến tranh thông thường. Người Mỹ gọi B-52 là “Pháo đài bay” bởi lẽ nó có ưu thế lớn .
Theo các chuyên gia phân tích, ưu thế đó là bán kính hoạt động thực tế của B-52 là 6.400km, có thể từ rất xa bay tới; B-52 ném bom ở độ cao 9.000m đến 10.000m.
Không loại máy bay nào ném bom được ở độ cao như B-52 vì nó có 8 động cơ, mang được nhiều bom, ném theo kiểu trải thảm diện tích rộng.
Các máy bay khác mang được ít bom, bay cao sẽ khó trúng. Trong khi B-52 chở gần 30 tấn bom, tên lửa, gồm khoảng 108 quả bom cỡ 227kg.
Thời gian trút 30 tấn bom đó chỉ trong 10 -15 giây, tạo thành những loạt chấn động nổ có sức phá hoại cực mạnh, những bình địa trở thành vệt bom dài với các điểm nổ cách nhau từ 12 đến 20m.
3 chiếc B-52 có thể rải thảm trên mặt đất bề dài 3km, bề ngang 1km. John Foster Dallas, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Harry Truman từng nói: “Nằm dưới tầm B-52, đối phương chỉ còn cách cầu Chúa”.
Ném bom ở độ cao như vậy thì đối phương không thể dùng pháo cao xạ 37mm và 57mm khống chế được. Nếu dùng pháo lớn của lực lượng phòng không Việt Nam loại 100mm thì chỉ bắn “đuối tầm”, số lượng pháo 100mm này cũng không nhiều.
Vào ném bom Hà Nội, không quân chiến lược Mỹ đã tính đến máy bay MiG-21 và tên lửa CA-75, Mỹ gọi là SAM-2. Máy bay Mig-21 bị coi là loại cũ kỹ, sản xuất từ 1956, MiG-21 mang theo hai tên lửa Vympel K-13 AA tầm bắn ngắn.
Nếu trước khi B-52 bay vào Hà Nội, các sân bay chủ yếu của miền Bắc bị bắn phá thì cơ hội xuất kích của MiG-21 rất thấp.
Nếu MiG-21 có bay lên được thì khó có thể vào gần B-52 trong phạm vi sát thương của tên lửa Vympel K-13 AA, vì xung quanh tốp B-52 có hàng chục máy bay F-4, F105 mang tên lửa hiện đại hộ tống.
Đó là tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder có khả năng bắt - phóng đạn tiêu diệt mục tiêu với góc lệch trục rộng.
Để “loại” MiG -21 không thể cản trở B-52, thực tế đã diễn ra, ngay tối đầu tiên 18/12/1972 , không quân Mỹ đã ném 22 trái bom rơi trúng đường băng sân bay Nội Bài và 5 trái rơi trúng đường lăn.
Còn tại sân bay Yên Bái, 4 quả bom rơi trúng đường băng và 7 quả trúng đường lăn; sân bay Hòa Lạc có 8 quả trúng đường băng và 14 quả trúng đường lăn; sân bay Kiến An có 9 quả trúng đường băng và 15 quả trúng đường lăn.
Với cách chế áp sân bay quyết liệt như vậy, không quân Mỹ cho rằng, có thể yên tâm, không phải lo lắng về máy bay MiG của Bắc Việt.
Đối thủ còn lại, B-52 cần chú tâm đề phòng là hệ thống tên lửa đất đối không SAM-2. Đây là hệ thống tên lửa sử dụng đài ra-đa dẫn bắn vô tuyến điện, có kết cấu cồng kềnh, tính cơ động thấp.
Dải tần số đài 1, đài 2 của SAM-2 thì quân đội Mỹ không lạ gì. Trong cuộc chiến tranh ở Trung Đông từ tháng 6/1967 tại thung lũng Bê-ca, bán đảo Xi-Nai, đồng minh của Mỹ là I-xra-en đã tấn công Ai-Cập. Bằng cách nào đó, Mỹ đã có trong tay “gan ruột” loại tên lửa SAM-2 này.
Do đó, trên mỗi máy bay B-52, không quân Mỹ đã “lo xa” lắp từ 9 đến 15 máy gây nhiễu, chế áp trên tất cả các dải tần số, đủ sức trùm phủ nhiễu lên toàn bộ các đài ra-đa mà Bắc Việt hiện có.
Trên máy bay B-52 còn có 4 tên lửa “mồi bẫy”, sẵn sàng phóng ra để hút đạn SAM-2 vào, gây nổ nhầm, giống như kiểu “liều mình cứu Chúa”.
Chưa hết, các tốp máy bay F-4 hộ tống B-52 dày đặc còn mang theo máy gây nhiễu trong đội hình và ngoài đội hình.
Trước khi B-52 vào, có 2 máy bay mang theo hàng chục bó nhiễu tiêu cực, chọn hướng gió thả các sợi kim loại bay lơ lửng trên bầu trời Hà Nội và phụ cận, nhằm làm “mờ mắt” tất cả các ra-đa của đối phương.
Chưa yên tâm với đối thủ đe dọa lớn nhất với B52 là tên lửa SAM-2, Bộ chỉ huy 57 của không quân Mỹ ra lệnh cho các liên đội không quân chiến thuật tập trung các loại máy bay cường kích F-4, F-105, F-111 săn lùng gắt gao các trận địa tên lửa để chế áp, dọn sạch đường bay cho B-52 đột nhập không phận Hà Nội.
Phải nói đến loại tên lửa cao tốc dòng Shrikes (Sơ-rai), chuyên bắn phá khí tài vô tuyến điện tử.
Năm 1967, tập đoàn không quân số 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương đã “tiêu tốn” 1.322 quả Shrikes ở Bắc Việt Nam. Đầu năm 1968, tên lửa tìm diệt ra-đa loại mới Standar-AGM-78 được Mỹ sử dụng ở Việt Nam.
Nó bay nhanh hơn và xa hơn Shrikes, đắt gấp 10 lần (hai trăm nghìn USD/quả). Đây là những vũ khí diệt SAM-2 khá nguy hiểm.
Khi đài ra-đa dẫn bắn của SAM-2 phát sóng lên tìm B-52, các máy bay F-4, F-105 và F-111 lập tức phát hiện ra trận địa và phóng tên lửa cao tốc Shrikes và Standar-AGM-78, triệt hạ ngay các xe điều khiển, ra-đa và bệ phóng SAM-2.
Đợt tấn công thứ 1 trong chiến dịch Linebacker II của B-52 vào đánh Hà Nội, từ đêm 18-12, không quân chiến thuật Mỹ đã tập kích 12 đòn tấn công vào trận địa tên lửa SAM-2, bằng bom và tên lửa cao tốc, gây tổn thất cho 7 phân đội (trung bình hai bệ phóng chịu 1 tên lửa Shrikes). Các tiểu đoàn đã phải di chuyển 6 lần để đánh trả.
Tại đợt 3, từ ngày 26-12, Mỹ đã tấn công vào các trận địa tên lửa 55 lần, 20 phân đội bị tổn thất, trong đó có 8 bệ phóng bị trúng tên lửa Shrikes, mất sức chiến đấu.
Thực tế cho thấy, đêm 18/12/1972, quân dân Hà Nội đã làm nên kỳ tích, bắn rơi 3 chiếc B-52.
Trong cuộc hỏi cung vào sáng ngày hôm sau (19-12-1972), Thiếu tá Richard Edgar Johnson, số lính 561-54-4696, hoa tiêu ra-đa trên chiếc B-52G bị bắn rơi ở Phù Lỗ, Kim-Anh, Vĩnh Phúc, nay thuộc Hà Nội kể lại: “Tôi được cấp chỉ huy cho biết, tất cả các sân bay của MiG đều đã bị đánh hỏng, không quân Bắc Việt coi như bị loại khỏi vòng chiến.
Trước khi cất cánh tại căn cứ Anderson (Guam), sĩ quan tình báo trên không còn cho chúng tôi xem những bức không ảnh chụp các dàn tên lửa bị đánh phá tan hoang và vỗ vai tôi: “Yên trí đi, lực lượng phòng không tầm cao của Bắc Việt đã mất sức chiến đấu rồi. Cứ thoải mái cắt bom rồi quay về. Cứ coi đây chỉ là một cuộc dạo chơi”.
Thế mà khi tiếp cận mục tiêu, tôi thấy từ dưới đất bay lên vô số đạn pháo phòng không các tầm, các hướng. Thỉnh thoảng, một quả tên lửa lại xẹt qua, làm tôi lạnh gáy.
Vừa cắt bom xong, chưa kịp rời mắt khỏi kính đo toạ độ thì máy bay bỗng rung mạnh rồi chao đảo. Lửa khói bùng lên khắp khoang lái. Tiếng cơ trưởng gào lên trong ống nghe: “Trúng SAM rồi. Thoát ra!”. Thế là chúng tôi chỉ còn biết nhảy dù…”.
Qua trận Điện Biên Phủ trên không, phi công B-52 Mỹ thất bại cay đắng và nhận ra rằng, không thể ỷ lại vào vũ khí hiện đại và không thể chủ quan coi thường lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam.
Theo Trần Danh Bảng
petrotimes.vn