Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tại 11 huyện, thành phố ở Lạng Sơn nền nhiệt độ xuống thấp. Trên cành cây, ngọn cỏ đồng ruộng, nhà cửa, công trình xây dựng bị phủ một màu trắng xóa.
Ruộng đồng cũng bị ảnh hưởng sương muối . Ảnh: Đăng Quang
Sương đọng thành cục trắng mỏng như mưa đá .Ảnh: N. Thịnh
Găng tay để ngoài trời biến thành màu trắng loang lổ . Ảnh: N. Thịnh
Anh Nông Văn Thịnh (SN 1992) cho biết, tại làng Cóc Có, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng, nơi anh đang sinh sống từ rạng sáng đã thấy đồ vật, cây lá khoác lên mình những làn sương muối.
“Cây cối, hoa màu như: đu đủ, rau xanh, cây dứa, lá dong gói bánh chưng bị ảnh hưởng vì rét đậm, rét hại. Các hộ dân thúc giục nhau lấy nilon, tấm bạt phủ lên cây, che chắn nếu không cây sẽ bị chết cóng, héo úa”. Anh Thịnh chia sẻ.
Theo anh Thịnh, làng Cóc Có hiện có 30 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đa phần làm nghề nông. Người dân địa phương còn gia cố chuồng trại, không thả rông trâu, bò và tăng cường rơm khô, nước muối ấm cho gia súc, gia cầm.
Nóc xe ô tô để ngoài trời, sáng ra bao phủ sương muối .Ảnh: Đăng Quang
Bản làng ở xứ Lạng chìm trong sương muối bàng bạc .Ảnh: Đăng Quang
Sương muối làm giảm tầm nhìn. Cảnh vật, cây cối lu mờ, cách nhau vài chục mét, không rõ mặt .Ảnh: N. Trang
Khi trời hửng, sương muối đã tan dần. Người dân chủ động nuôi nhốt trâu bò và che chắn chuồng trại .Ảnh: Đăng Quang
Tại các huyện biên giới như: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập rét buốt. Trên núi cao, đồng bào đóng cửa, đốt củi sưởi ấm.
Gần trưa, nắng đã lên, sương muối tan dần nhưng rét càng tái tê, buốt giá.
Các ngành chức năng ở địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc chính quyền, người dân chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại. Chú ý đến việc che chắn, ủ ấm cho người và gia súc, gia cầm.