Ðấu rượu để thu phục
Cách đây hơn 10 năm, T.Ư Đoàn quyết định xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân, nằm ở xã biên giới miền núi rẻo cao Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Quyết định của T.Ư Đoàn thời điểm đó khiến không ít người nghi ngại về tính khả thi của nó. Bởi ở đây không chỉ khắc nghiệt về thiên nhiên, đường sá đi lại không có, mà ngay việc đưa những thanh niên dưới xuôi lên sống chung với đồng bào dân tộc thiểu số cũng là cả một vấn đề.
Anh Đoàn Thanh Sơn, Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng kinh tế Quảng Bình nhớ lại: “Việc phải băng rừng hàng giờ đối với thanh niên như chúng tôi không khó, đất cằn sỏi đá thì chúng tôi có thể cải tạo, nhưng khó nhất là thích ứng với phong tục, tập quán của bà con Vân Kiều bản địa. Tôi đã phải nhập viện điều trị bệnh dạ dày vì những cuộc đấu rượu vô tiền khoáng hậu với những người có “máu mặt” ở đây”.
Ngày ấy, diện tích của Làng thanh niên lập nghiệp có một số rẫy của đồng bào dân tộc. Làng đã tổ chức đền bù cho bà con, nhưng cứ thu hoạch xong bà con lại ra trồng cây vào đấy, thậm chí đất vừa khai hoang xong là dân bản cứ tự nhiên ra gieo trồng trên đó, với cái lí “đất của tổ tiên dân bản”. Sau nhiều lần vào ra thuyết phục già làng, trưởng bản, đến khi quen mặt, quen người, một hôm già làng tuyên bố: “Nếu cán bộ Sơn uống rượu hơn cán bộ bản, già sẽ nghe theo cán bộ Sơn”.
Thế là cuộc đấu rượu được diễn ra ngay lập tức, một bên chỉ mình anh Sơn, còn một bên là già làng và các cán bộ trong bản. Cuộc rượu diễn ra từ sáng đến chiều, khi “đội quân” của già làng lần lượt ngã lăn ra sàn nhà và già làng giơ tay “xin hàng” thì cuộc đấu mới chấm dứt. Hôm đó anh Sơn bò được về tận lán nhưng ngay sau đó mọi người phải cõng về xuôi nhập viện. Sau cuộc rượu đấy, làng mới bắt đầu đi vào ổn định để xây dựng kinh tế.
Chuyển giao các mô hình sản xuất mới
Anh Hồ Đức Phong, Phó Tổng đội trưởng cho biết: “Những ngày đầu lên đây chúng tôi thiếu thốn đủ thứ, không điện, không đường, không trường, không trạm. Ngày ấy, để có nước phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng và sinh hoạt cho người dân chúng tôi phải dùng một chiếc xe tải chuyên dụng ra suối lấy nước. Nhưng vì đường sá phức tạp, Tổng đội phải bố trí một xe máy đào đi trước để kéo, một xe máy ủi đi sau để đẩy thì xe chở nước mới vào từng nhà được”.
Cuộc sống khắc nghiệt khó khăn là thế, nhưng không thể khuất phục ý chí của những gia đình thanh niên đầu tiên lên đây. Họ đã cùng với Tổng đội khai đường, bạt núi, để rồi một làng thanh niên dần hình thành nơi miền biên ải. Đến nay Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân đã có tổng cộng 58 hộ gia đình, trong đó có 43 hộ thanh niên, 15 hộ thanh niên xung phong, một trạm y tế, một trường mầm non. Con đường lầy lội bị chia cắt vì mưa lũ ngày nào được thay thế bằng con đường bê tông rộng rãi nối từ đầu làng tới cuối làng.
Cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy kinh tế của làng. Cao su và sả là hai loại cây trồng chủ yếu. Hiện ở làng có hơn 150 ha trồng cao su, gần 20 ha trồng sả, các loại cây ăn quả như cam, ổi, mít... có diện tích trên 20 ha. Ngoài cây trồng, chăn nuôi cũng là một thế mạnh của làng. Tận dụng khoảng vườn rộng người dân đã vây nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm có giá trị như: Trâu, bò, lợn, gà... để nâng cao thu nhập. Theo thống kê của Tổng đội, hiện làng nuôi khoảng 100 con bò, 200 con heo, trên 1.000 con gia cầm. Nhiều hộ có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.
Hiện Tổng đội đang hướng dẫn và chuyển giao các mô hình sản xuất mới cho bà con. Một số mô hình tiêu biểu như: Nuôi dúi sinh sản, trồng cây phật thủ... đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vùng núi đá vôi hoang vắng và lạnh lẽo ngày nào giờ đã trở nên xanh tươi và đầy sức sống. Dưới những tán cao su tỏa bóng mát là Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân trù phú, luôn rộn rã tiếng cười nói của những thanh niên hăng say sản xuất, ươm mầm xanh mới trên những dãy đá vôi.
Là một trong những hộ gia đình đầu tiên lên lập nghiệp, anh Dương Vĩnh Phú (SN 1985) cho biết: “Ngoài diện tích hơn 2 ha cao su và keo, gia đình tôi tận dụng khoảng đất trống để trồng sả kiếm thêm thu nhập. Riêng khoảnh đất vườn rộng hơn 2 sào tôi trồng cây ăn quả và thả thêm gà và vịt. Cuộc sống không hiện đại như ở thành phố nhưng lúc nào chúng tôi cũng có thực phẩm sạch để dùng và bán về xuôi”.