Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp Bộ Y tế, chúng ta chỉ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Theo những hiểu biết ban đầu, hiện nay, nguồn bệnh có thể là động vật mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh do virus corona mới. Bệnh lây theo đường hô hấp nên có thể lây truyền qua giọt nước bọt qua ho, hắt hơi hoặc lây truyền qua tay chân, vật dụng mà virus bám vào.
Những người đi từ vùng dịch trở về, những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người đi từ vùng dịch về mà nhiễm bệnh như những người cùng chung sống, sinh hoạt với những người nhiễm bệnh, những người đi cùng máy bay, ôtô, tàu, trong các đám tụ họp, trong bệnh viện mà có người bị nhiễm bệnh, những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu mà phải tiếp xúc với những người nhập cảnh nhiễm bệnh, người nhà, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân là đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh. Nói tóm lại, những người có nguy cơ cao là những người tiếp xúc với nguồn bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách nghiêm ngặt vì bệnh do virus này rất dễ lây.
Với phụ nữ có thai thì giải pháp cũng vẫn chung giống như mọi người là khẩu trang, rửa tay sạch sẽ, môi trường sinh hoạt an lành không đi ra tiếp xúc quá nhiều người vì không chỉ có một nguy cơ nCOV với phụ nữ mang thai mà còn rất nhiều virus, vi khuẩn khác. Ảnh minh họa: Internet
Đối với bà bầu và trẻ em, theo PGS - TS Trần Minh Điển, PGĐ BV Nhi TƯ, đây là bệnh nhiễm virus thì tất cả mọi người đều có thể bị lây, không loại trừ cả trẻ em và phụ nữ có thai. Với trẻ em và phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ sẽ cao hơn nếu có bệnh. Và với phụ nữ có thai thì giải pháp cũng vẫn chung giống như mọi người là khẩu trang, rửa tay sạch sẽ, môi trường sinh hoạt an lành không đi ra tiếp xúc quá nhiều người vì không chỉ có một nguy cơ nCOV với phụ nữ mang thai mà còn rất nhiều virus, vi khuẩn khác.
Do đó, khi thai phụ có tiếp xúc với quá nhiều người thì có giải pháp đeo khẩu trang và rửa tay ngay sau khi có tiếp xúc.
Còn với trẻ em thì chúng ta hết sức giữ gìn, cố gắng giữ gìn hệ thống mũi họng cho trẻ em, kiểm soát các cháu trong lớp tốt, đeo khẩu trang, rửa tay, đảm bảo dinh dưỡng, uống nước đặc biệt khi thời tiết đang lạnh cần giữ ấm và khi thời tiết ấm lên cho các cháu ra sân chơi nhiều hơn. Trời lạnh không ra sân chơi thì giữ ấm mũi họng và cổ cho các để đảm bảo virus không xâm nhập và niêm mạc khu vực mũi họng các cháu không bị biến đổi để virus khó xâm nhập hơn.