TPO - Theo các BS, đột quỵ não đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đã đột quỵ, di chứng để lại rất nặng nề. Thời gian vàng phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân sau đột quỵ nên bắt đầu càng sớm càng tốt.
Sau đột quỵ não, bệnh nhân cần được can thiệp sớm, đúng cách, kiên trì và liên tục Đây là nguyên tắc mà bất cứ chuyên gia phục hồi chức năng (PHCN) nào cũng nắm vững và áp dụng cho các bệnh nhân của mình, trong đó có bệnh nhân bị đột quỵ não, PGS.TS Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm Phục hồi Chức năng, BV Bạch Mai cho biết. PGS Khanh thông tin, tại Trung tâm Phục hồi Chức năng, BV Bạch Mai, hơn 50% bệnh nhân nội trú tại Trung tâm là do đột quỵ não, có cháu bé chỉ 14-15 tuổi cũng đột quỵ do vỡ phình mạch não. Hiện nay đột quỵ não đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đã bị đột quỵ, di chứng để lại rất nặng nề. Theo PGS.TS Lương Tuấn Khanh, đột quỵ não là căn bệnh thường gặp, đặc biệt di chứng sau đột quỵ rất nặng nề. Chính vì thế đột quỵ được xếp vào loại tổn thương đa khiếm khuyết, tức là khi bị đột quỵ, người bệnh không chỉ bị ảnh hưởng tới chức năng vận động, mà cả tâm lý, nhận thức, ngôn ngữ… đều sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những ảnh hưởng sau đột quỵ nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào vị trí tổn thương, mức độ tổn thương , bệnh nhân có được cấp cứu đúng cách không, có được đưa đến cơ sở y tế kịp thời hay không….
Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, với rất ít những triệu chứng báo trước. Ảnh minh hoạ: Internet
Nguyên tắc của PHCN sau đột quỵ là cần phải can thiệp sớm, đúng cách, kiên trì, liên tục. Bản thân người thân và người bệnh đột quỵ thường lo sợ khi tập vận động sẽ bị tái phát hoặc bị chảy máu não trở lại, có người nằm kiêng tuyệt đối trên giường 5-6 tháng như vậy sẽ mất thời gian vàng để phục hồi chức năng. Hiện nay các khuyến cáo mới nhất trên thế giới khuyến cáo, bệnh nhân sau đột quỵ não cần phải tập PHCN ngay khi ổn định, thậm chí ngay khi còn nằm trên giường bệnh, 3-4 ngày sau đột quỵ bác sĩ đã khuyến cáo tập PHCN. Triệu chứng đột quỵ:
Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, với rất ít những triệu chứng báo trước. Những dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện như: - Đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, kèm theo cứng cổ, nôn. - Gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác nói gì, yếu đột ngột ở một phần cơ thể. - Nhìn khó khăn: mắt mờ hoặc mù một bên hoặc nhìn thấy hình đôi. - Tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu. - Mất ý thức: người bệnh sững sờ, không biết gì, khó đánh thức hoặc hôn mê đột ngột, đôi khi tử vong ngay. Các dấu hiệu này có thể chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút rồi người bệnh lại trở lại trạng thái bình thường. Hiện tượng này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Thiếu máu não thoáng qua là những dấu hiệu báo trước đặc biệt quan trọng của đột quỵ và người bệnh cần được nhập viện ngay.
Khi di chuyển bệnh nhân, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng. Ảnh minh hoạ: Internet
Sơ cấp cứu khi bị đột quỵ Khi thấy ai đó có một trong các triệu chứng nêu trên cần nhanh chóng để người bệnh không bị ngã gây chấn thương. Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn, móc hết đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở. Đối với người bị tai biến mạch máu não, trong 3 giờ đầu thời gian là vàng, vì vậy, hãy gọi xe cấp cứu hoặc taxi đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu nếu không có điều kiện hãy di chuyển bệnh nhân bằng cáng, không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, tránh xóc khi chuyển bệnh nhân. Khi di chuyển bệnh nhân, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng.