Nguy cơ bùng phát 'khủng khiếp' dịch sởi: Cách tránh bệnh hiệu quả

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên qui mô lớn, dự kiến từ cuối năm 2018 đến 2019. Bộ Y tế cảnh báo, trẻ nhỏ và người lớn nếu không tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tới đây, điều kiện khí hậu Đông- Xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch giữa ngày và đêm lớn làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khoẻ yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm.

Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, sởi, rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy.

Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, với những người mắc bệnh mạn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em.

Đối với dịch sởi, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên qui mô lớn, dự kiến từ cuối năm 2018 đến 2019. Để chủ động phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em, trong năm 2018 được sự đồng ý của Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức 3 đợt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho nhóm đối tượng từ 1-5 tuổi tại các vùng nguy cơ cao.

Nguy cơ bùng phát 'khủng khiếp' dịch sởi: Cách tránh bệnh hiệu quả ảnh 1 Tiêm vắc xin phòng bệnh là cách duy nhất để có thể không bị nhiễm sởi. Ảnh minh họa: Internet
Trước lo ngại tình hình dịch sởi ở trẻ em diễn biến phức tạp tại TP.HCM trong khi ở Hà Nội có nhiều người lớn mắc sởi, ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh sởi là bệnh lưu hành đã có ở Việt Nam nhiều năm nay, các quốc gia khác trên thế giới cũng lưu hành số mắc bệnh này. Đây là bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin, các ca mắc sởi là do người dân không tiêm phòng đầy đủ hoặc chưa từng mắc bệnh này trước đó. “Người dân nếu không có miễn dịch thì khi tiếp xúc gần với người bệnh sởi sẽ rất dễ lây bệnh. Do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác và tiêm chủng đầy đủ”- ông Tấn nói. Riêng đối với đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm một số vắc xin nhất định trong đó có vắc xin rởi-rubella để bảo vệ con khi sinh ra đã có miễn dịch từ mẹ. Trẻ trong độ tuổi cần tiêm đầy đủ, đúng lịch, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Cụ thể, nên đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
MỚI - NÓNG