BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, xét về mặt lý thuyết, tất cả những bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, lây truyền qua nước bọt hoặc tiếp xúc trực tiếp đều có thể lây qua nụ hôn.
Trong đó các bệnh lây qua đường hô hấp phổ biến như vi khuẩn lao, vi khuẩn não mô cầu hoặc virus cúm, sởi, quai bị...
“Thông thường chúng hay lây qua những giọt nhỏ phát sinh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Xét về lý thuyết, khi hôn cũng có thể gây lây lan những bệnh này dù trên thực tế ít phổ biến”, BS Cấp thông tin.
Bệnh lây qua tiếp xúc, phổ biến là virus Herpes, chúng có thể gây các vết loét, mụn nước dạng herpes trên da, thường ở vùng bán niêm mạc hoặc virus có thể xâm nhập, tồn tại dạng “ngủ” âm thầm trong người, đến khi có điều kiện thuận lợi sẽ tái hoạt động gây chốc mép, zonar, thậm chí viêm não do herpes.
Virus cytomegalo (CMV) cũng thuộc nhóm Herpes. Nó lây lan qua dịch cơ thể như nước bọt, nước tiểu hoặc máu.
Khi một người bị nhiễm CMV, virus sẽ ở lại trong cơ thể suốt đời. Nhiễm CMV thường không gây bệnh nghiêm trọng, tuy nhiên nếu bào thai bị nhiễm CMV có thể có những rối loạn phát triển nghiêm trọng. Ngoài ra ở những người có sức đề kháng kém chúng có thể gây tổn thương phổi, gan, hoặc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.
Hôn môi trẻ có thể lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm sang bé. Ảnh minh hoạ: Internet
Với đường nước bọt, nhiều virus đường ruột có thể lây truyền qua như virus gây bệnh tay chân miệng, enterovirus, virus gây bại liệt, tiêu chảy...
“Người ta cũng cho rằng vi khuẩn gây viêm loét dạ dày H. Pylory cũng có thể lây qua nước bọt nên những hành vi như mớm thức ăn cho trẻ nhỏ có thể khiến vi khuẩn này lây lan”, BS Cấp khuyến cáo.
Ngoài ra, còn một số những căn bệnh có thể lây truyền cho trẻ qua con đường nhai mớm thức ăn mà chúng ta vô tình gây ra:
Bệnh lậu: Mới đây, đã xuất hiện một trường hợp bé 2 tuổi bị nhiễm bệnh lậu từ bố bởi người đàn ông này đã trăng hoa bên ngoài và rước bệnh vào người lúc nào không hay biết. Do thói quen chăm trẻ, hay hôn, mớm cho con nên người đàn ông này đã khiến vi khuẩn lậu từ cơ thể mình tấn công con một cách nghiêm trọng.
Nên để trẻ tự ăn hoặc xúc bón cho trẻ chứ không nhai, mớm cơm cho con. Ảnh minh hoạ: Internet
Bệnh màng não mô cầu: đây là một loại song cầu khuẩn cư trú ở vùng mũi và họng. Bệnh này rất dễ lây qua đường nước bọt. Chính vì vậy, khi nhai cơm, cầu khuẩn dễ dàng từ mũi họng người bệnh và người mang mầm bệnh sang người bé.
Bệnh viêm gan: Viêm gan là căn bệnh dễ dàng lây truyền qua đường miệng. Đương nhiên khi nhai cơm, virus viêm gan dễ dàng đi theo nước bọt của người nhai vào người bé, khiến bé vô tình bị viêm gan tấn công mà không biết. Đặc biệt, bệnh gan thường diễn biến âm thầm rất khó phát hiện.
Bệnh lỵ amíp: bệnh lỵ lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường tiêu hoá. Bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi họ tiếp xúc với nhau. Những người mang mầm lỵ amíp ở kẽ móng tay. Khi cho trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai người nhai cơm hay dùng tay để bón cho trẻ.