Triệt sản là biện pháp tránh thai hiện đại đã được áp dụng hàng chục năm qua với tỉ lệ thành công gần như tuyệt đối. Thay vì dùng bao cao su, đặt vòng, uống thuốc… nhiều cặp vợ chồng đi đến quyết định chọn biện pháp này. Đằng sau lựa chọn ấy là sự mơ hồ, hoài nghi, lo sợ, có cả những người hiểu biết, sẵn sàng thực hiện để chăm lo gia đình tốt hơn... Tiền Phong xin kể với bạn đọc câu chuyện triệt sản từ chính những người trong cuộc.
Bài 1: Dở khóc dở cười
Nếu chỉ nhìn bảng thống kê số lượng ca triệt sản mỗi năm, sẽ chẳng thể nào hình dung được những câu chuyện dở khóc dở cười phía sau kết quả ấy. Có người mất vài tháng để suy nghĩ, nhưng cũng có người mất đến năm bảy năm mới quyết định đi triệt sản. Chỉ vì nỗi sợ hậu quả sau triệt sản từ chính những người không hiểu biết tự vẽ ra.
Tưởng đâu vợ chồng hết “khoái”
Một tay nách đứa con hơn 2 tuổi mặt chèm nhem nước mắt, tay kia cầm từng quả xoài sắp vào giỏ chuẩn bị cho cuốc bán rong cuối chiều, chị V.T.N. (41 tuổi, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) xuề xòa kêu: Mấy bữa nay đẹp trời tranh thủ đi sớm, vài hôm nữa bước vào mùa mưa coi như thất nghiệp. Mỗi ngày đạp xe bán trái cây dọc các quán nhậu từ chiều đến tối muộn, chị kiếm được năm bảy chục ngàn, cũng có hôm chở nguyên giỏ về. “Thu nhập chính của tui đó, còn ông chồng làm thợ đụng thêm mấy đồng, nuôi ba đứa con thiệt chóng mặt luôn”, chị thở dài. Đứa con thứ 3 ra đời đè nặng lên đôi vai vốn đã quá mỏi mệt của hai vợ chồng. Chị chẳng đếm xuể bao nhiêu lần túi không còn một xu. Khốn khó dồn dập khốn khó. “Lúc đó tui sợ đẻ kinh hồn, vì trước đây tui đặt vòng, uống thuốc đều không xong. Dính bầu tiếp nữa chắc cả nhà dắt nhau ra đường”, chị rùng mình.
Cầm tờ giấy chứng nhận đình sản trên tay, chị M. ngượng ngùng kêu ban đầu thật sự không muốn triệt, vì sợ lỡ có chuyện gì. Thấy tôi nhíu mày thắc mắc hai chữ “chuyện gì” của chị, chị thú thực nỗi lo đầu tiên là người thân làng xóm nói ra nói vào, rồi cả cơn đau sau phẫu thuật dao kéo. “Mấy cái đó cũng không quan trọng bằng việc triệt về vợ chồng hết “khoái” nhau, nguội lạnh giường chiếu. Tui ớn chuyện ni lắm. Có người còn kêu mổ xong sau này tuyệt đối không được quan hệ vợ chồng. Thử coi tui mới chừng này tuổi sao…nhịn được”.
Phải mất rất nhiều thời gian khơi thông vòng luẩn quẩn mù mờ về biện pháp này, những người làm công tác dân số ở địa phương mới đưa được chị đi triệt sản. Sau 7 tháng làm cái việc tưởng chừng đụng tới ham muốn vợ chồng, chị cười xuề xòa: “Có đau đớn chi đâu. Họ mổ có xíu xiu, mấy hôm lành liền. Tui ưng nhất là hai vợ chồng…sinh hoạt tẹt ga luôn mà chả lo dính bầu”.
6 năm mới gật đầu
Trong con hẻm chật ních chỉ đủ luồn một chiếc xe trên đường Lý Thái Tổ, cán bộ dân số khu vực dẫn tôi vào nhà chị T.H.M (42 tuổi). Căn nhà nhỏ như chiếc hộp diêm phả lên mùi ẩm mốc với đống đồ đạc nằm ngổn ngang giữa nền. Hai đứa con chị, cháu đầu 13 tuổi bị thiểu năng trí tuệ há miệng cười thích thú khi thấy có người vào nhà. Cháu 6 tuổi có vẻ nhanh nhảu hơn, kêu mẹ bồng em đi bệnh viện chưa về. Mấy người hàng xóm chạy sang dặn hai đứa chơi ngoan, nếu đói thì tìm cơm ăn trước, không quên để lại tiếng thở dài ngao ngán.
Đến tối mịt, chị M ôm đứa con gái 9 tháng tuổi bước vào nhà, chẳng đợi hỏi: “Đau cả hai mẹ con chị ạ. Mới ra viện mấy hôm, giờ cháu đau lại nên bồng lên khám”. Đây là đứa con thứ 3, sinh ngoài mong muốn của chị chỉ vì tội…cứng đầu.
Năm 2005, đứa con trai chào đời không may mắc bệnh thiểu năng. Nhà đã khó bởi thu nhập ba cọc ba đồng từ tiền công phụ hồ và rửa bát thuê của hai vợ chồng, chỉ vì muốn kiếm thêm đứa con trai “tỉnh táo” nữa, chị quyết sinh thêm. Bảy năm sau, anh chị đón…một bé gái. Cuốn sổ hộ nghèo tiếp tục nằm lại trong ngăn tủ với gia đình chị. “Hoàn cảnh vậy đó, sinh xong là tui “kèm” như kèm bóng dặn coi tính toán mà triệt đi. Vợ chồng càng lúc càng yếu, làm không ra tiền cứ đẻ nữa lấy chi nuôi”, chị Trương Thị Lâu, cán bộ chuyên trách dân số phường Thạc Gián (Đà Nẵng), nói.
Ròng rã nhiều năm trời, chị Lâu “chai mặt” xuống nhà, ra tận quán bún chị M làm để thuyết phục đi triệt sản, nhưng chỉ nhận được cái gật đầu qua qua. “Lúc đó nghe tới triệt sản thiệt rùng mình luôn, đàn bà thì phải đẻ được, ai lại đi tuyệt đường con cái. Tui nghe nói triệt xong người cũng chả ra người. Thôi, đang yên đang lành tự nhiên hóa điên điên tửng tửng ai nuôi con cho tui”, chị M không giấu giếm suy nghĩ của mình một thời.
Thế rồi chị tránh thai bằng cách đặt vòng, tưởng đâu yên ổn thì bị rong kinh phải tháo ra. Năm 2017 lại tiếp tục dính bầu. Lần này vẫn là con gái. Đứa con ngoài ý muốn khiến cả gia đình khốn cùng cả vật chất lẫn tinh thần. Căn nhà bao nhiêu năm không nở ra, thu nhập vẫn bữa được bữa mất trong khi con ngày một lớn, ăn học một nhiều, đau ốm liên miên. Bị chị Lâu “làm cho một trận” chị mới thông, về bàn với chồng xong đứa này thì dừng hắn. Đến tháng 1 năm nay, chị tiến hành triệt sản luôn sau khi sinh con. “Sáu năm trước mà tui nghe lời chị Lâu thì chắc giờ đã đỡ cực rồi. Ai biết triệt sản nó “êm ru” vậy…”, chị M nuối tiếc.
Chị Lâu nói trong nhiều năm đi vận động, trường hợp cứng đầu tới năm sáu năm trời không hiếm. Phải đến khi kiệt quệ kinh tế, đau ốm sức cùng lực kiệt hoặc đẻ miết không ra con trai họ mới chấp nhận đi triệt sản. “Có bận tôi chở một cô đi triệt về, ngôi sau xe cổ kêu chị Lâu ơi, giá như em nghe chị từ đầu...Lúc nào cũng “giá như” hết…”, chị lắc đầu.
(Còn nữa)
Nhất quyết không triệt sản
“6 năm hay 10 năm dù là quãng thời gian dài nhưng ít ra vẫn có kết quả. Có trường hợp “lì” tới độ đẻ nhiều quá phải nịt bụng lại để người ta không biết mình có bầu, thấy cán bộ dân số là tránh. Ðã 5 đứa con, nhà nghèo rớt mồng tơi, mỗi lần làm không ra tiền cứ đè con đánh, vậy mà khuyên hết nước đi triệt vẫn không chịu. Nhất quyết cự tuyệt với triệt sản. Trường hợp này thật sự bó tay, chỉ còn cách vận động đưa đi cấy que tránh thai”, chị Trương Thị Lâu, cán bộ dân số cho hay.