Khi Nhà Trắng tránh những câu hỏi cụ thể về bệnh tình của tổng thống, các nước đối thủ của Mỹ đang quyết liệt tìm kiếm những thông tin không được công bố, các quan chức và cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo.
Giới tình báo cho rằng các nước đối thủ của Mỹ đang tìm cách có được đánh giá đầy đủ về tình hình sức khỏe của ông Trump và có thể sử dụng những thông tin đó để chơi xấu hay reo rắc hoài nghi về sự ổn định của chính phủ Mỹ, ví dụ như dùng ảnh chỉnh sửa để khiến ông Trump trông mệt mỏi hơn thực tế, từ đó nói Mỹ đang mất kiểm soát tình hình.
Các cơ quan tình báo nước ngoài đầu tư nguồn lực cho việc thu thập thông tin y tế nhạy cảm về nhiều lãnh đạo thế giới, tìm cách đưa nguồn tin vào nơi họ có thể tiếp cận trực tiếp hay gián tiếp các cuộc họp, tạp chí Mỹ Politico dẫn nhận định của các quan chức Mỹ.
“Bất kỳ cơ quan tình báo nước ngoài nào cũng muốn đưa tình báo hoặc nguồn tin vào nơi có thể thu thập thông tin về sức khỏe của tổng thống Mỹ. Đó là yêu cầu quan trọng để có được cái chúng tôi gọi là “kế hoạch và ý định” của chính phủ nước ngoài”, Steve Hall, cựu chỉ huy chi nhánh CIA tại Mátxcơva, nói.
Marc Polymeropoulos, sĩ quan tình báo cấp cao của CIA nghỉ hưu năm 2019, nói rằng giao nhiệm vụ như vậy là “việc thông thường” của bất kỳ cơ quan tình báo nước ngoài nào nhằm thu thập thông tin trong một cuộc khủng hoảng.
“Có thể thu thập thông tin về sức khỏe lãnh đạo của đối thủ vì đối tượng tuyển dụng không phải cơ quan tình báo hay quan chức chính phủ, mà là nhân viên hoặc lãnh đạo bệnh viện - những đối tượng không có ý thức phản gián cao”, ông Polymeropoulos nói.
Ông Hall nghi ngờ khả năng các nước đối thủ của Mỹ như Nga và Trung Quốc có người trong những nơi Trung tâm quân y Walter Reed. Ông Hall cho rằng họ có thể dùng các nguồn sẵn có trong Nhà Trắng.
Ông Trump quay lại Nhà Trắng từ sáng 5/10, chỉ vài ngày sau khi ông được khám lần đầu tại bệnh viện.
“Các tin bài trên báo cho thấy ông Trump đã nói chuyện trên điện thoại với các lãnh đạo nước ngoài. Nếu một cuộc gọi trong số đó diễn ra với ông Putin, nếu tôi là giám đốc tình báo Nga, tôi sẽ cử người nghe cuộc nói chuyện để xem ông ấy (Trump) có bị hụt hơi không, có dấu hiệu nhầm lẫn không”, ông Hall nói.
Thông tin này có thể dễ dàng bị nước ngoài khai thác, “đặc biệt trong môi trường đã có nhan nhản thông tin gây nhầm lẫn về sức khỏe của tổng thống”, Mick Mulroy, một nhà phân tích của ABC News và là một sĩ quan CIA nghỉ hưu, đánh giá.
Thông tin rối rắm
Thông tin về tình trạng sức khỏe, loại thuốc đang sử dụng, bệnh tình trước đây và hiện tại của hầu hết tổng thống Mỹ đều được giấu kín.
Ông Trump là người cao tuổi nhất từng đắc cử vị trí tổng thống Mỹ năm 2016. Ông cũng từ chối cung cấp đầy đủ hồ sơ y tế của mình. Cựu bác sĩ của ông khẳng định trong tuyên bố đưa ra cuối năm 2015: “Tôi có thể nói rằng nếu đắc cử, ngài Trump sẽ là người khỏe mạnh nhất từng được bầu làm tổng thống”. Sau đó ông Trump tiết lộ rằng chính ông đã soạn tuyên bố về sức khỏe của ông.
Cách xử lý thông tin của Nhà Trắng đối với việc ông Trump mắc COVID-19 gây thêm cảm giác bối rối và lẫn lộn trong những ngày gần đây. Giới chức Mỹ thừa nhận hôm 3/10 rằng ông Trump đã bị hạ oxy trong máu sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng cũng nói ông có thể ra viện vào ngày 5/10.
Sau đó, ông Trump có lần xuất hiện bất ngờ khi ngồi trên ô-tô vẫy chào những người đứng bên ngoài trước khi ông trở về Trung tâm quân y Walter Reed.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany trở thành người mới nhất trong loạt quan chức Mỹ mắc COVID-19. Nhưng chính quyền Mỹ tiếp tục hạ thấp tính nghiêm trọng, nói rằng lực lượng an ninh quốc gia hay thế giới không cần biết về tình hình sức khỏe cụ thể của ông Trump.