Sức hút nơi 'cuối cùng bản đồ Việt Nam'

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam” là lời mở đầu bài hát “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn mà nhiều ca sĩ và người dân vẫn thường hay hát. Bài hát ấy đã lay động, thôi thúc nhiều người đến với nơi cực Nam Tổ quốc, cùng với những vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên và bản sắc văn hóa nơi đây, ai cũng mong muốn ít nhất một lần trong đời được đặt chân đến nơi cuối cùng của dải đất hình chữ S.
Sức hút nơi 'cuối cùng bản đồ Việt Nam' ảnh 1

Tham quan Mũi Cà Mau

Nhiều giải pháp phục hồi du lịch

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hai năm qua, ngành du lịch Cà Mau đã chịu nhiều ảnh hưởng. Để kích cầu, khôi phục du lịch trong tình hình mới, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Cà Mau đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể … tạo sự bứt phá trong thời gian tới, hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch tỉnh nhà “An toàn - Thân thiện- Uy tín - Chất lượng”.

Đầu năm 2021, Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau đã chủ trì, phối hợp với một số địa phương trong tỉnh tập trung tổ chức thành công nhiều hoạt động thuộc Chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến năm 2021” với chuỗi các hoạt động như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; Hội nghị Xúc tiến du lịch; Lễ hội tri ân Quốc tổ; Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ; Sự kiện “Hương rừng U Minh”… thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm; góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng về con người, vùng đất Cà Mau.

Sức hút nơi 'cuối cùng bản đồ Việt Nam' ảnh 2

Khách du lịch tham quan trải nghiệm rừng ngập mặn Cà Mau

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Cà Mau thu hút hơn 633.126 lượt khách, tăng 27,85% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu ước đạt 770,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, tỉnh Cà Mau và nhiều tỉnh thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian dài nên đã ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra. Lượng khách du lịch trong năm giảm đến 45% so với năm 2020; tổng thu ước giảm 56,6% so với năm 2020.

Để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước kích thích, phục hồi hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát, mục tiêu là nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương thời kỳ hậu đại dịch.

Tỉnh cũng hỗ trợ hướng dẫn, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp, cộng đồng phát triển sản phẩm du lịch mới và nâng chất lượng các sản phẩm du lịch hiện tại như: du lịch địa lý, sinh thái, cộng đồng, ẩm thực. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông thu hút sự quan tâm của du khách. Triển khai hiệu quả chương trình liên kết với các tỉnh thành, tạo điều kiện thuận lợi kết nối các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch.

Sức hút nơi 'cuối cùng bản đồ Việt Nam' ảnh 3

Mũi Cà Mau – Điểm cực Nam của Tổ quốc

Ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau cho biết, việc khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên. Bên cạnh đó, rà soát chọn các điểm vùng xanh trong tỉnh và ngoài tỉnh để kết nối tour, tuyến, khách sẽ được đáp ứng nhu cầu, ngành có cơ hội phục hồi nhanh bền vững thời gian tới.

Tiếp tục tuyên truyền thực hiện có hiệu quả bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành như: giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung doanh nghiệp để doanh nghiệp du lịch tiếp cận chung với nguồn lực này. Tiếp tục quan tâm xem xét hỗ trợ và giữ chân người lao động trong ngành, sớm trở lại thời gian tới…

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Cà Mau là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách để bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử từng bước gắn kết với phát triển du lịch. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ quan điểm “Phát triển du lịch đảm bảo hài hòa giữa kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Thời gian qua,UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều kế hoạch, đề án phát triển du lịch; phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di tích thông qua việc tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh ủy. Qua đó đã hình thành 13 điểm du lịch cộng đồng, thu hút sự quan tâm của khách du lịch, nhất là các hoạt động trải nghiệm văn hóa, đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Toàn tỉnh có 12 di tích quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh. Các điểm di tích được quan tâm tu bổ, một số điểm đã được tiến hành sưu tầm, phục dựng và tổ chức trưng bày hiện vật phục vụ khách du lịch tham quan, về nguồn tìm hiểu lịch sử địa phương như: Di tích Hòn Khoai, Bến Vàm Lũng, Hồng Anh Thư Quán, Hòn Đá Bạc, Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước, Lung lá Nhà thể, hệ thống Đền thờ Bác Hồ, khu lưu niệm Bác Ba Phi…

Có hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận gồm các loại hình ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Trong đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và 2 loại hình tri thức dân gian: Nghề thủ công truyền thống Gác kèo ong và Nghề thủ công truyền thống Muối ba khía.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Cà Mau, nhằm phát huy tốt hơn các di sản văn hóa Cà Mau để phục vụ phát triển du lịch, cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp và nhân tố rất quan trọng, chủ thể của di sản là cộng đồng dân cư. Đó chính là sự quan tâm bảo vệ, ý thức bảo tồn, gìn giữ, trao truyền và tôn vinh nét độc đáo trong đời sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán, làng nghề, lễ hội, danh lam thắng cảnh…Và khi đó, du lịch sẽ tác động trở lại, tạo nên công ăn việc làm, tạo ra nguồn lực để tiếp tục đầu tư, bảo tồn các di sản văn hóa.

Do vậy, Cà Mau sẽ quan tâm hơn nữa việc triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa phi vật thể hiện có trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các di sản: Chuyện kể Bác Ba Phi, lễ hội Nghinh Ông, Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Nghề truyền thống Gác kèo ong; Nghề truyền thống Muối ba khía, Lễ hội đền thờ Vua Hùng, Lễ Vía Bà Thủy Long, các làng Nghề truyền thống của cư dân vùng biển…

Biến di sản thành những câu chuyện đặc sắc về đặc trưng văn hóa Cà Mau, để du khách hóa thân trong giai điệu đờn ca tài tử, trải nghiệm trong vai trò nông dân đi ăn ong, đặt trúm, giăng lưới; hóa thân thành ngư phủ trong lễ hội Nghinh Ông và say mê, hòa quyện trong bát ngát rừng tràm, mênh mông rừng đước…

Song song đó, tạo ra sự tươi mới hơn, hấp dẫn hơn và sáng tạo hơn đối với các di sản văn hóa vật thể, đó là các công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử…để du khách đến với di sản là sự cảm nhận về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa của vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Đưa con đường huyền thoại-đường Hồ Chí Minh trên biển thành tour du lịch lịch sử, trải nghiệm vùng đất thiêng Mũi Cà Mau…

“Bảo tồn và phát huy di sản, bản sắc văn hóa và yếu tố nhân văn là nền tảng để phát triển du lịch bền vững, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên biệt, có sức hấp dẫn cao, thu hút các nhà đầu tư như: du lịch biển, đảo; du lịch khám phá, trải nghiệm các hệ sinh thái; du lịch lễ hội vùng sông nước; du lịch nghỉ dưỡng ven rừng; du lịch nông nghiệp và trải nghiệm đánh bắt thủy sản; du lịch làng nghề; du lịch ẩm thực…tạo sức bật mới cho du lịch Cà Mau trên nền tảng văn hóa. Hướng đến xây dựng hình ảnh Cà Mau “An toàn - Thân thiện - Uy tín - Chất lượng”, để mỗi du khách khi chia tay Cà Mau đều mang theo thông điệp “Người Cà Mau dễ thương vô cùng” – Giám đốc Sở VH-TT&DL Cà Mau chia sẻ.

MỚI - NÓNG