Tổ chức tham quan để bán sữa bột gia công với thông tin mập mờ:

Sữa bột dinh dưỡng 'Hồng sâm Ngọc Linh' chất lượng ra sao?

Nhà máy sữa Công ty CP sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand tại Hòa Bình.
Nhà máy sữa Công ty CP sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand tại Hòa Bình.
TPO - Bằng việc tổ chức chuyến tham quan miễn phí đưa khách hàng đến giới thiệu sản phẩm, cùng với "kỹ nghệ" thuyết trình, hàng nghìn sản phẩm sữa bột dinh dưỡng đã được bán. Những sản phẩm này có những thông tin mập mờ thế nào?

Theo Bản tự công bố sản phẩm của nhà máy Newzealand milk (chi nhánh Cty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Newzealand), sản phẩm Hồng sâm Ngọc Linh có tên đầy đủ là “Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt Hồng sâm Ngọc Linh nhụy hoa nghệ tây saffron canxi nano tảo đỏ (sản phẩm dinh dưỡng dùng cho người trung tuổi, cao tuổi)”. Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy Newzealand milk có địa chỉ tại xóm Hạnh Phúc xã Hòa Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Sữa bột dinh dưỡng 'Hồng sâm Ngọc Linh' chất lượng ra sao? ảnh 1 Sản phẩm Hồng sâm Ngọc Linh khách hàng mua được từ hoạt động của tổ chức tham quan của Cty  CP tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Newzealand.

Bản công bố này ghi đầy đủ thành phần bao gồm: sữa bột (35-45%), bột hồng sâm ngọc linh (3-5%), bột nhụy hoa nghệ tây (1-3%), canxi nano tảo đỏ aquamin F (3-5%), whey protein, nondairy creamer, soy protein, maltodextrin, mono, bột khoáng có chứa (L-Lysine, taurine, Fos, Inulin…) vitamin ( B1, B2, B5,B6, A, K2, D,E,C), photpho, magie, sắt, kẽm, đồng, iot, acid folic, hương valina thực phẩm và nguyên liệu sữa bột nhập khẩu của Newzealand.

Nhưng trên sản phẩm “Hồng sâm Ngọc Linh” (loại 400g) mà khách hàng mua được lại ghi đơn vị sản xuất “Chi nhánh Công ty CP Dược phẩm Quốc tế VN Anh Quốc Trường Đại Hưng” có địa chỉ tại Tiểu khu Liên Sơn, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn. Trên vỏ ghi Công ty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand là đơn vị phân phối.

Đáng chú ý, thành phần sữa bột ghi trên vỏ hộp là 55-60% không đúng như bản công bố của Nhà máy Newzealand milk, các thông tin về thành phần bột Hồng sâm Ngọc Linh… đều ghi mập mờ, không ghi hàm lượng cụ thể như bản tự công bố.

Theo tài liệu có được, các hóa đơn mua bán hàng hóa của Công ty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand từ Công ty CP thương mại và xuất nhập khẩu Phương Minh (ở Hà Nội) chỉ là hương liệu như hương sâm, hương sữa, hương vanilla. Giá thành của các hương liệu này rất rẻ chỉ vài trăm nghìn/kg. Không thấy giấy tờ chứng minh việc mua bán bột Hồng sâm Ngọc Linh hoặc các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh khác.

Sữa bột dinh dưỡng 'Hồng sâm Ngọc Linh' chất lượng ra sao? ảnh 2 Hình ảnh bên trong nhà máy cho thấy, dây chuyển sản xuất khá đơn sơ. Thậm chí, rổ đựng nắp hộp sữa thành phẩm lại dùng của hãng bột giặt.

Trong Giấy xác nhận sản phẩm phù hợp qui định an toàn thực phẩm do Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế Lê Văn Giang ký xác nhận đây là nhóm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ cho chế biến. Câu hỏi đặt ra là Cty có cho thành phần sâm Ngọc Linh hay chỉ là đưa phụ gia để đánh lừa người tiêu dùng? Trong khi, khảo sát trên thị trường sâm Ngọc Linh có giá hàng trăm triệu đồng/1kg.

Đáng chú ý, tài liệu được cung cấp cho thấy, ngày 17/8/2020, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Chi nhánh Nhà máy Newzealand milk ký bản giải thích về thông tin về chất lượng sản phẩm “Hồng sâm Ngọc Linh” lại căn cứ vào các thông tin trên mạng. Cụ thể, thông tin giới thiệu về sâm Ngọc Linh được giải thích khá ngắn gọn: “…Theo Cuốn kỹ năng truyền thông an toàn thực phẩm và các khái niệm liên quan do Nhà xuất bản Y học xuất bản năm 2018, tại trang 355-356”. Còn giải thích về sản phẩm “Nhụy hoa nghệ tây 2 và Nhụy hoa nghệ tây”, trích lược lại thông tin từ bài báo được đăng dưới dạng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên trang thông tin điện tử.

Sữa bột dinh dưỡng 'Hồng sâm Ngọc Linh' chất lượng ra sao? ảnh 3 Những sản phẩm sữa này được gia công đơn sơ trong nhà xưởng sản xuất, sử dụng 10 lao động.
Trước hàng loạt phản ánh Công ty CP sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand có dấu hiệu vi phạm, lừa đảo khách hàng bằng mô hình tham quan nhà máy sữa, tỉnh Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu huyện Lương Sơn kiểm tra, báo cáo.
Báo cáo ngày 15/10 của UBND huyện Lương Sơn xác định, tại địa chỉ xóm Hạnh Phúc (Hòa Sơn, Lương Sơn) Nhà máy sữa của Công ty CP sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand chỉ là xưởng sản xuất. Vị trí xây dựng nhà máy thuộc diện tích đất đã được UBND tỉnh Hòa Bình ký Hợp đồng thuê đất với Công ty TNHH chế biến nông sản Xuân Sơn (Công ty Xuân Sơn) từ năm 2008. Công ty Xuân Sơn đã bỏ địa chỉ kinh doanh vì nợ tiền thuế với Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng... Tài sản trên đất của Công ty Xuân Sơn còn bị Ngân hàng Phát triển Việt Nam bán phát mại. Tháng 4/2020, tài sản của công ty này đã bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lương Sơn thực hiện kê biên, xử lý.
Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin, bằng việc tổ chức các chuyến tham quan miễn phí, hai tháng qua đã có hàng nghìn người là cựu chiến binh, người cao tuổi được mời và đưa đến nhà máy sản xuất sữa của Công ty CP Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Newzealand (tại Lương Sơn, Hòa Bình) để… bán sữa dinh dưỡng. Đáng nói, những sản phẩm sữa này được gia công đơn sơ trong nhà xưởng sản xuất, sử dụng 10 lao động. Xưởng này được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 6/2020 trên diện tích khoảng 550m2. Bên trong có 1 phòng nguyên liệu, 1 phòng trộn, 4 phòng đóng gói, 1 phòng kiểm tra sản phẩm thành phẩm.

UBND huyện Lương Sơn đã tiến hành lập biên bản yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động, cung cấp hồ sơ, giải trình. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, Trưởng thôn Năm Lu (xã Hòa Sơn) Đặng Đình Tòng cho biết, việc đưa khách đến tham quan, bán hàng tại nhà máy vẫn diễn ra bình thường trong nhiều ngày qua.


MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.