Sự tương hợp lạ kỳ

Sự tương hợp lạ kỳ
TP - Nói theo cách của Nguyễn Huy Thiệp, Đồng Đức Bốn và Lê Kim Giao là hai kẻ “nghiện văn chương”, đặc biệt là thơ. Ngoài cái chung ấy, họ còn có sự tương hợp nhiều khi đến lạ trong những câu thơ.

> Tháng Giêng gặp lại 'Mắt người Sơn Tây'

Khoảng năm 1992, họ gặp nhau trong một cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ, cùng không được giải nhưng sau khi trao đổi thơ, bỗng thấy giữa hai người có rất nhiều đề tài giống nhau, cách thao diễn mỗi người một vẻ, nhưng hồn thơ khá đồng điệu, họ trở nên thân quý nhau.

CÂY THÁP NƯỚC BỎ KHÔNG Ở TRUNG TỰ - KIM LIÊN

Không rõ vì sao ở khu tập thể Kim Liên, cây tháp nước lại không chứa được nước, để phục vụ cho cả một khu tập thể đông đúc, nó chỉ còn là nơi ẩn trú của đàn chim lợn khổng lồ, thường kêu với giọng bi thương hơi ma quái, vào những đêm tối trời; còn ban ngày, nó hắt bóng nghiêng nghiêng xuống những cặp tình nhân đang hò hẹn nhau bên vệ cỏ (hồi đó còn có những vạt cỏ mà bây giờ kín mít những nhà cao tầng).

Đồng Đức Bốn viết: Nhà em ở giữa phường Trung Tự / Cây tháp nước bỏ hoang còn nhớ chỗ ta ngồi / Cỏ nát rồi, cỏ mới lại sinh sôi / Hoa cứ gợi một mùi hương đằm thắm / Và tôi tin một ngày gần lắm / Em bỏ chồng về ở với tôi.

Đó là các câu kết chính thức in trong tập đầu tay Con ngựa trắng và rừng quả đắng, nhưng rất tiếc ở tuyển tập 1.000 trang cuối đời Đồng Đức Bốn là Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc lại bỏ tất cả các dòng này (trang 226).

Bốn lại đã viết: Bây giờ em đã sang sông / Để tim tôi búp sen hồng bỏ rơi. Thì Lê Kim Giao từ 1989 đã viết: Thế rồi Tháp nước bỏ không / Bằng lăng tim tím chiều mong mong chiều / Em còn ngài ngại lời yêu / Nắng nghiêng nghiêng chiếu, lòng xiêu xiêu lòng / Mây thì hun hút trên không / Tháp như một trái tim hồng bỏ quên.

CHỢ BUỒN VÀ CHỢ RỒNG

Trong bài Chợ buồn (trang 44, Chim mỏ vàng và Hoa cỏ độc), Đồng Đức Bốn viết: Chợ Buồn đem bán những vui / Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em / Chợ Buồn bán nhớ cho quên / Bán mưa cho nắng bán đêm cho ngày / Chợ buồn bán tỉnh cho say / Bán thương suốt một đời này cho yêu / Tôi giờ xa cách bao nhiêu / Đem thơ đổi lấy những chiều tương tư.

Trần Đăng Khoa nhận xét rằng bài thơ có kỹ thuật viết rất cao, thợ bậc 7 trên 7 nhưng chỉ là mạ vàng đất thó… Anh cho rằng bài thơ không có căn cứ tình cảm thật, chỉ khéo khẩu cho hay mà thôi… Chắc Khoa không để ý thấy hai câu cuối cùng chính là lý do thất tình khiến tác giả kêu lên những lời vu vơ cay đắng.

Trước thời gian Bốn viết bài này, Giao trên xe ô tô cùng Hội Văn học Hà Nội đến thăm Nam Hà, đã ứng tác từng câu bài Chợ Rồng, nhà thơ Hồ Minh Hà thuộc ngay, khi đến Nam Định đọc thơ, còn nhắc cho Giao vài chữ: Chợ Rồng bán rắn mồng năm / Bán mây mồng bẩy bán trăng mồng mười / Chợ Rồng bán trứng Rồng tươi / Sao em nói dối cho người mê say / Anh từ Hà Nội vào đây / Chợ Rồng em bán…cái này cho anh!/ Bán thỏ chậm, bán rùa nhanh / Bán ăm ắp với sạch sanh cho Đời / Như tan làm một người ơi! / Như giông gặp bão giữa trời bão giông / Như cá gặp nước giữa đồng / Như mây ôm ấp bụng rồng giữa mây / Như là em gặp anh đây / Chợ Rồng bán tất cả ngày cho đêm / Chợ Rồng bán Anh cho Em…

Nữ nghệ sĩ Kim Liên của Nam Hà rất thích bài này nên mấy tay nghịch ngợm đùa nhả: Thì Kim Liên bán…cái này cho Giao…

MƠ VỀ NƠI DỊU DÀNG

Đồng Đức Bốn có bài thơ đặc sắc Sương mù và cô gái gù khi gặp một người con gái tật nguyền: Nửa đêm trời đặc sương mù / Nửa đường có một gái gù lang thang / Nửa trời như mới bỏ hoang / Nửa tôi và nữa bẽ bàng theo em / Nửa trời còn lại trong đêm / Nửa em như chiếc trăng lên muộn màng / Trời mù sương không biết tan / Dẫu em chẳng có dịu dàng cho tôi.

Bốn khao khát sự dịu dàng cho mình và cho cô gái tật nguyền. Lê Kim cũng có bài Dịu Dàng với đề từ là câu ca dao “Có ai bán cái dịu dàng – Anh mua một gánh tặng Nàng làm duyên . Tặng em N. 1989”: Dịu dàng là cánh chim câu / Bay lên mà chẳng làm đau khoảng trời / Dịu dàng là áng mây trôi / Lững lờ mà chẳng hẹn người về đâu /Dịu dàng là ánh trăng thâu / Lúc vui thêm đẹp khi sầu càng xinh / Dịu dàng là men của tình / Nhắp môi đầy uống cả bình lại vơi / Có ai tìm nấm mồ Tôi / Chắc rằng sẽ gửi ở nơi dịu dàng.

ÁM ẢNH VỀ CÁI CHẾT

Các nhà thơ đều hay nghĩ về cái chết của mình, Bốn là người có linh cảm về chuyện ấy, anh đã viết ngay khi còn đang rất khỏe mạnh: Chỉ mong ngày ấy mưa to / Bàn chân em có ngại dò đường trơn. Hoặc: Suốt đời sống trên ngọn gai / Chỉ khao khát chết xem ai thương mình. Và: Tôi giờ về với trăng sao / Xin Trời một trận mưa rào đón tôi.

Quả vậy, phút hạ huyệt đưa anh xuống đất, về trời, bỗng có một trận mưa to trút nước khiến các bạn anh phải dâng cao vòng hoa tang lên đầu che mưa, nhìn xa cứ ngỡ họ dâng hoa tiễn hương hồn một thi sĩ đa tình bay lên trời cao. Phút ấy Lê Kim Giao viết: Một mai về cõi vĩnh hằng / Động trời động biển sao bằng động em / Sông thơ người chật như nêm / Chậm thôi hoa trắng một miền tri âm…

Vì sao hoa trắng?

Có thể vì vẫn chưa có bạn tri âm…

Và Giao khóc tiếp bằng bài Trước mộ Đồng Đức Bốn với lời đề “Bốn Đồng, Bốn chục, Bốn trăm - Thì vàng thì bạc cho bằng Bốn Thơ”: …Hôm nay Mẹ chẳng ra mồ / Mẹ nằm nghe gió gọi hờ tên con / BỐN ơi!... Cứ đến đầu non / Treo câu thơ chỗ trăng mòn gốc đa / Hôm nay trời khóc mưa sa / Lễ Tình Yêu – một món quà tặng anh / Tôi đi nhìn Bốn vòng quanh / Để tìm một khách nợ tình lòng tôi / Hôm nay Thơ đã về trời / Tôi thành con nợ đứng phơi trước mồ…

TRÊN GIƯỜNG BỆNH VÀ PHÚT CUỐI CÙNG

Ngày 5-5-2005, Bốn gọi điện thoại cho Giao, báo tin dữ: “Giao ơi, tôi sắp vĩnh biệt ông đây, ung thư độ ba…” Giao tin ngay, hoảng hốt, vội vã đến nhà nghỉ Hoa Hồng, trước mắt anh là người bạn thân dáng vẻ phờ phạc, thất sắc, hàng chục hạch nhỏ nổi lên trên cổ, cổ phồng to, ngực của Bốn chi chít các vết vẽ để chuẩn bị tia xạ…

Giao đã viết ngay bên cửa sổ bài Chầm chậm dịu dàng: Bốn ơi! Chầm chậm – dịu dàng / Hoàng hôn bay cánh ngựa hoang giữa chiều / Bốn ơi chầm chậm phiêu diêu / Lửa đồng đang đốt cánh diều thành Trăng / Một mai vào cõi vĩnh hẵng / Động Trời, động Biển… sao bằng động EM / Sông Thơ người chật như nêm / Chậm thôi hoa trắng một miền tri âm / “Đừng buông giọt mắt xuống sông / Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm”.

Bốn nén đau, cầm bút xóa bốn chữ “lửa đồng đang đốt”, thay bằng bốn chữ: “Chăn trâu đốt lửa”.

Bảy tháng sau đó là quãng thời gian Đồng Đức Bốn viết ngay trên giường bệnh 23 bài thơ tuyệt mệnh, dốc chút sức tàn cố hoàn thành bản thảo cho tập thơ 1.107 trang, kịp in trước khi về với trăng sao quãng nửa tháng.

Anh mất vào đúng ngày 14 tháng 2 năm 2006, ngày Lễ Tình Yêu. Cơn mưa lúc hạ huyệt làm bao nhiêu người cảm động rùng mình. Ngoài bài thơ Trước mộ Đồng Đức Bốn, Lê Kim Giao còn viết thêm câu đối:

14-2-2006 – Chăn trâu đốt lửa – Khéo chọn Lễ Tình Yêu – Lục bát thơ Tình thương bóng đất / 30-3-1948 – Cỏ độc chim vàng – Tài dâng HỒN NGHỆ SĨ – Ngàn muôn khách Nghệ tiếc sao trời.

Nhà thơ Đồng Đức Bốn (30-3-1948 – 14-2-2006)

Sự tương hợp lạ kỳ ảnh 1

Con ngựa trắng và rừng quả đắng. NXB Văn học, 1992

Chăn trâu đốt lửa. NXB Lao động, 1993

Trở về với mẹ ta thôi. NXB Hội nhà văn, 2000

Cuối cùng vẫn còn dòng sông. NXB Hội nhà văn, 2000

Chuông chùa kêu trong mưa 2002

Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc. NXB Hội nhà văn 2006 (tập thơ cuối cùng, dày 1.108 trang)

Nhà thơ Lê Kim Giao (SN1943):

Sự tương hợp lạ kỳ ảnh 2
 

Dịu dàng (500 trang gồm thơ, văn, nhạc). NXB Văn hóa Dân tộc, 2002.

Thi kỳ song tuyệt. NXB Hội nhà văn, 2008.

Ca khúc “Tạm biệt trâu vàng” 2003

Ca khúc “Chu Văn An - mái trường mến yêu”, 2008

Tập Nghiên Cứu: “THẦN LUẬT THƠ ĐƯỜNG” , 2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.