Hôm thứ Tư (24/10), một người đàn ông Mỹ da trắng bắn chết hai người Mỹ da đen (có vẻ như họ là nạn nhân ngẫu nhiên) sau khi tìm cách xâm nhập một nhà thờ của người da đen nhưng thất bại. Hung thủ đã có nhiều tiền án về các hành vi bạo lực.
Đến ngày thứ Sáu (26/10), một nghi can bị bắt vì gửi bom thư tới những nhân vật của đảng Dân chủ thường xuyên chỉ trích Tổng thống Donald Trump. Nhân vật này trước đó tung lên mạng những lời mắng nhiếc các thành viên đảng Dân chủ và những người thuộc nhóm thiểu số ở Mỹ bằng những lời lẽ đầy giận dữ.
Đến sáng thứ Bảy (27/10), một người đàn ông vừa chửi bới vừa nổ súng vào đám đông tại một thánh đường của người Do Thái ở thành phố Pittsburgh, làm 11 người thiệt mạng, sáu người bị thương.
Đài CNN bình luận về các vụ việc liên tiếp gây rúng động nước Mỹ bằng một từ: “thù hận”.
Tổng thống Donald Trump, người luôn tỏ thái độ thù địch với đài CNN cũng dùng từ này để bình luận về các vụ việc. “Thật là tồi tệ với những gì đã xảy ra trên đất nước chúng ta và nói thẳng ra là trên toàn thế giới, đó là lòng thù hận”, ông Trump nói với các phóng viên hôm 27/10 (giờ Mỹ) trước khi bay tới Indiana vận động chính trị.
Trở lại vụ việc đầu tiên. Nghi can Gregory Bush lúc đầu tìm cách vào một nhà thờ ở Jeffersontown, bang Kentucky với các tín đồ chủ yếu là người da đen. Bush, bị cho là đã đập cửa, tìm cách vào bên trong nhưng cửa đã bị khóa.
Bush quay ra, tìm đến một cửa hàng, bắn hai người da đen. Theo CNN, nghi can có tiền sử bệnh tâm thần, thường xuyên có những lời lẽ phân biệt chủng tộc, có tiền sự về bạo lực.
Vụ việc xảy ra trong lúc cả nước Mỹ còn đang sôi sục về vụ khủng bố bằng bom thư.
Hai ngày sau đó, sau khi cảnh sát phát hiện tổng cộng 14 gói bom thư, một người đàn ông 56 tuổi ở bang Florida bị bắt. Cesar Sayoc bị cho là người chế tạo các quả bom bằng ống PVC nhồi thuốc nổ và mảnh thủy tinh. Chuyên gia nói tuy các quả bom này chưa phát nổ nhưng chúng hoàn toàn có khả năng gây sát thương. Cesar Sayoc đã thể hiện rõ khuynh hướng chính trị và có vẻ cố tình để càng nhiều người biết càng tốt. Chiếc ô tô tải hiệu Dodge của ông ta được sơn, dán đầy các khẩu hiệu, poster ủng hộ Tổng thống Trump. Một poster có dòng chữ “bọn khốn CNN” cũng được tìm thấy trên xe của Sayoc.
Một người từng thuê Sayoc làm việc nói ông này luôn coi người da trắng là tối cao. Trên mạng, Sayoc thường xuyên đưa lên những tấm ảnh mang tính thù địch, tấn công những người theo tư tưởng tự do.
Vụ tấn công bom thư của Sayoc chưa lắng xuống thì lại xảy đến vụ tàn sát tại nhà thờ ở Pittsburgh. “Đây thực sự là một thảm kịch”, thống đốc bang Pennsylvania Tom Wolf nói.
Nghi can Robert Bowers, 46 tuổi, thường xuyên lên mạng chửi bới người Do Thái, một quan chức tư pháp cho hay.
Trong một số nội dung đưa lên mạng xã hội, Bowers tỏ ra thù ghét người nước ngoài khi cho rằng, người Do Thái đang giúp những người di cư từ các nước Mỹ Latin vào Mỹ. Khi xả súng vào đám đông, Bowers hô to: “Tất cả bọn Do Thái phải chết”, theo tường thuật của Reuters.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nói, Bowers rất có thể sẽ phải đối diện án tử hình. “Lòng thù hận và bạo lực dựa trên các tín điều tôn giáo không có chỗ trong xã hội của chúng ta”, ông Sessions nói.
Đặc vụ của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Bob Jones cho biết, hiện trường vụ thảm sát ở nhà thờ là thứ kinh khủng nhất ông từng thấy trong suốt 22 năm làm việc cho FBI.
Đặc vụ Jones nói Bowers tự trang bị một khẩu tiểu liên và ba súng ngắn. Hắn bước vào nhà thờ, bắn những người đang cầu nguyện và bỏ đi khi đụng phải một cảnh sát. Hai bên đấu súng. Bowers rút trở lại nhà thờ. Một đội đặc nhiệm SWAT tới hiện trường, tiếp tục đấu súng với hung thủ. Hắn bị dính nhiều phát đạn và buộc phải đầu hàng.
Năm 2012, một tay súng theo chủ nghĩa phát xít mới tới nhà thờ của cộng đồng người Sikh ở bang Wisconsin, bắn chết sáu người Mỹ gốc Sikh.
Năm 2014, hai vụ nổ súng xảy ra tại một trung tâm cộng đồng của người Do Thái ở bang Kansas. Ba người thiệt mạng.
Năm 2015, một người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, coi người da trắng là tối thượng giết chết 9 người Mỹ da đen tại một nhà thờ ở bang Nam Carolina.