Bà Chíu Sám Múi : Đời sống khấm khá, từ lâu không “bán dâu” nữa |
Ngay sau khi báo đăng, báo Tiền Phong nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc cho rằng, tác giả bài báo đã xào xáo và không hiểu biết gì về tập tục và đời sống bà con đồng bào dân tộc, thêm thắt, thổi phồng sự việc về tập tục để con dâu về nhà chồng mới sau khi li dị với chồng cũ của bà con vùng đồng bào dân tộc Dao - Thanh Phán tại xã Phong Dụ, Tiên Yên, Quảng Ninh... Báo Tiền Phong cảm ơn các độc giả đã phát hiện và phản hồi thông tin cho bản báo. Để làm rõ vấn đề, phóng viên Tiền Phong đã có mặt tại xã Phong Dụ.
Làm việc với lãnh đạo xã Phong Dụ, phóng viên nghe nhiều tâm tư, bức xúc về một số nội dung trong bài báo. Tập trung là vấn đề: hiện nay trên địa bàn không còn hủ tục này…
Qua tìm hiểu, xác minh, chúng tôi ghi nhận xã Phong Dụ không có chợ do vậy không có chuyện rao bán dâu tại chợ. Và một số nhân vật nêu trong bài viết không thể xác minh cũng như chuyện “ma trứng”…
Nhiều ngôi nhà khang trang của người Dao mọc lên |
Trong buổi làm việc, lãnh đạo xã đều khẳng định, trước đây trong một bộ phận người Dao - Thanh Phán có tục “bán dâu” mà thực chất chỉ là một lễ nhỏ tạo điều kiện cho người phụ nữ li dị chồng cưới chồng khác và sau này (khoảng 5-7 năm trước) có yếu tố tiền bạc và bị biến tướng thành chuyện mua bán dâu. Ông Chíu Gì Thím, già làng ở bản người Dao cho biết, từ đời ông đời cha đã có tập tục này. Đơn giản là mỗi khi một phụ nữ vì lý do gì đó ly hôn với chồng thì về nhà mẹ đẻ. Tuy về nhà mẹ nhưng theo phong tục, người phụ nữ cưới chồng rồi thì làm “ma” nhà chồng.
Nếp nghĩ này không phải chỉ có người Dao - Thanh Phán có. Khi người phụ nữ này muốn tái giá hoặc có người đàn ông khác muốn cưới về làm vợ thì người chồng mới phải sang nhà chồng cũ của cô dâu nói chuyện và có cái lễ gọi là xin “ma” về nhà mình. Từ lúc này người phụ nữ sang làm vợ chồng mới thì không còn là “ma” nhà chồng cũ. Nghĩa là có thể hiểu không còn ràng buộc về mặt pháp lý với người chồng cũ…
Cảnh thanh bình no ấm của bà con dân tộc Dao |
Lễ này do hai bên nhà chồng cũ và chồng mới tự thỏa thuận với nhau tùy vào “duyên” của người phụ nữ cưới chồng mới. Nếu cô gái còn đẹp, và chưa có con hoặc không mang con về chồng mới thì cuộc sống đôi vợ chồng mới dễ thở hơn nên nhà chồng mới có thể làm lễ vật cao hơn.
Lễ chỉ cần con gà, cân thịt, chai rượu tùy tâm và tùy vào tấm lòng của người chồng mới và chồng cũ để cốt mong sao cuộc hôn nhân của cô dâu mới xuôi chèo mát mái. Khi lấy chồng mới, nếu người phụ nữ được phép mang theo con và nếu người chồng mới chấp nhận thì làm lễ có thể đơn giản hơn…
Nguyên bản tục “bán dâu” chỉ là thế và là tập tục của dân tộc Dao với mong muôn để người con gái không có ràng buộc với chồng cũ nữa và yên tâm với cuộc sống mới.
Nhưng, cách đây mấy năm, có một số vụ dùng số tiền không nhỏ làm lễ vật (số này rất hãn hữu như trường hợp chị Dung mà bài báo có nhắc tới). Bà Chíu Sám Múi, dân tộc Dao - Thanh Phán ở thôn Khe Xóm, Phong Dụ cho hay, ngày xưa con trai lấy vợ khá tốn kém khi mang lễ vật là bạc trắng, trâu, lợn… nên người chồng sau phải có cái gì đấy để đáp lại cho phía chồng cũ đỡ thiệt thòi.
Ảnh: Phạm Thành Duy |
Tập tục này bây giờ vẫn còn nhưng rất ít. Có nhiều người chồng mới mang lễ vật, tiền tới nhà chồng cũ nếu gia đình chồng cũ không nhận họ cũng không đồng ý vì như vậy người phụ nữ được cho không, chồng cũ buộc phải nhận tiền để chồng mới biết rằng họ lấy được người vợ có giá và phẩm hạnh.
Khi được hỏi nếu con gái bà bỏ chồng bà có bán không? Bà Múi cười: “Con gái không phải để bán. Nuôi lớn để lấy chồng. Con gái có phải con gà, chai rượu đâu mà bán được…”.
Xung quanh chữ “bán” theo chị Nông Thị Dương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phong Dụ (bài báo có dẫn lời cho phóng viên biết, hủ tục cưới tảo hôn và chuyện dùng tiền để cưới vợ mới và giải phóng vợ cũ là chuyện có thật nhưng lẻ tẻ và đã xảy ra cách đây vài năm rồi.
Nó như một câu chuyện buồn, quá vãng kể lại cho vui chứ hiện nay không còn chuyện bán mua. Từ “bán” được bà con dân tộc Dao dùng để chỉ việc gả con gái. Bây giờ nhiều gia đình người Dao đi mời đám cưới cho con gái vẫn dùng từ “Mời ông bà tới dự lễ bán con gái”. Chị Dương cho biết ngày xưa đúng là có chuyện này nhưng từ vài năm nay không nghe nói đến nữa.
Như vậy, bài viết của CTV Nam Hải đã nêu lại sự kiện cũ tại địa phương và vì thiếu hiểu biết về phong tục nên đã có sự nói quá. Báo Tiền Phong xin cáo lỗi với nhân dân và chính quyền xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) và bạn đọc.
Trong buổi làm việc với phóng viên Tiền Phong, ông Bế Cam, Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ cho biết, bà con người Dao địa phương bây giờ rất văn minh. Điều kiện kinh tế ngày càng khấm khá. Trừ những thôn quá xa, hầu hết gia đình các thôn còn lại đều có xe máy, có ti vi…Nhiều nhà có máy cày. Hầu hết trẻ em đều tới trường. Đường nhựa ô tô vào được nhiều thôn.
Chủ tịch xã Trần Văn Phương cho biết, trong xã có hàng chục điểm trường học. Nhiều bà con người Dao bây giờ đang xây nhà kiên cố, có người xây được nhà 2-3 tầng. Năm vừa rồi xã có con gái người Dao thi đỗ ĐH Sư phạm. Dân trí cao hơn trước rất nhiều rồi.
Nhiều tập tục, hủ tục đã được người dân từ bỏ hoặc được chính quyền tuyên truyền, phổ biến nên đã mất hẳn. Các tập tục cưới hỏi, ma chay đã đơn giản và không còn tốn kém, lãng phí. Mấy năm gần đây, mô hình kinh tế trồng rừng, chăn nuôi mà xã, huyện, tỉnh quan tâm hướng dẫn bà con đã thu được kết quả tích cực. Người dân đã có tiền và không còn đói…
Trong cuộc làm việc với phóng viên Tiền Phong - Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên - Lê Tiến Chộng, cho biết: Hành trình để xã Phong Dụ từng bước vươn lên khỏi đói nghèo và đẩy lùi hủ tục không dễ một chút nào nhưng bằng quyết tâm của Đảng bộ và hệ thống chính trị, chúng tôi đã từng bước đưa ra các quy ước, đánh giá việc chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước tới người dân và quyết liệt triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư suốt 10 năm qua, đồng thời giúp đồng bào áp dụng mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để cuộc sống no ấm hơn.
Khi người dân no ấm và tiếp cận được với thông tin đúng, ắt nếp nghĩ họ thay đổi. Đã lâu rồi những hủ tục đã không thể tìm đường quay trở lại…