Sự kiện thể thao Việt Nam nổi bật 2018

Trận đấu đi vào lịch sử của U23 Việt Nam tại Thường Châu (Trung Quốc)
Trận đấu đi vào lịch sử của U23 Việt Nam tại Thường Châu (Trung Quốc)
TP - Thể thao Việt Nam (TTVN) trải qua năm 2018 với nhiều sự kiện đáng nhớ, nổi bật nhất là ở lĩnh vực bóng đá khi các đội tuyển Việt Nam đạt được nhiều thành tích cao từ đấu trường khu vực tới châu lục. Cùng nhìn lại những sự kiện thể thao đáng chú ý trong năm 2018 do báo Tiền Phong bình chọn.

1. “Lên đỉnh” cùng bóng đá Việt Nam

Năm 2018 là năm “đại cát” của bóng đá Việt Nam khi gặt hái được nhiều thành công ở các cấp độ đội tuyển. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, cả ba đội bóng U23, Olympic và Tuyển Quốc gia Việt Nam đều gặt hái được những thành tích tưởng chỉ có trong mơ.

Đầu năm, đội tuyển U23 Việt Nam gây địa chấn khu vực với việc đoạt ngôi vị Á quân VCK U23 châu Á 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc). Chiến tích này không chỉ giúp việt Nam rạng danh ở đấu trường châu lục, mà quan trọng là lấy lại niềm tin của người hâm mộ vào bóng đá nước nhà sau nhiều thất bại trước đây.

Tại ASIAD 2018 ở Indonesia, đội tuyển Olympic Việt Nam tiếp tục đặt dấu ấn lịch sử khi lần đầu tiên lọt vào vòng bán kết. Với nòng cốt là các cầu thủ U23 Việt Nam trong đội hình, đội tuyển Olympic Việt Nam đã đánh bại các đội bóng mạnh từ Tây Á hay Nhật Bản để giành vé vào vòng 4 đội mạnh nhất.

Năm đỉnh cao của bóng đá Việt Nam khép lại ngọt ngào với chức vô địch AFF Cup 2018, sau một thập kỷ đằng đẵng chờ đợi. Thành tích bất bại cả giải đấu càng làm cho ngôi vương của thầy trò HLV Park Hang Seo thêm thuyết phục. Đội tuyển Việt Nam kết thúc năm hoàn hảo với vị trí thứ 100 trên bảng xếp hạng FIFA và giữ vững ngôi vị số 1 Đông Nam Á.

2. Ðoàn thể thao  Việt Nam thi đấu  thành công ở ASIAD 2018

ASIAD 2018 trên đất Indonesia là kỳ Á vận hội mà đoàn TTVN tham dự với số lượng VĐV tham dự đông nhất tới nay, để chuẩn bị cho kỳ SEA Games 2021 được tổ chức trên sân nhà. Với 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ, đoàn TTVN xếp vị trí thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại hội.

Dù còn khá nhiều tiếc nuối khi các VĐV trọng điểm như Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn hay Nguyễn Thị Thật thi đấu không đạt thành tích như mong đợi, nhưng đây vẫn là kỳ Đại hội thành công của đoàn TTVN. Chúng ta không chỉ đạt chỉ tiêu đề ra trước đó là giành từ 3-5 HCV, mà còn lần đầu tiên bước lên ngôi đầu ở một bộ môn thuộc hệ thống Olympic.

Hai HCV đến từ các môn Olympic thuộc về đội tuyển rowing nữ Việt Nam (Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Ly và Phạm Thị Thảo) ở nội dung thuyền 4 mái chèo đơn nữ  và VĐV điền kinh Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ. Bên cạnh đó, chúng ta còn có “cú đúp vàng” của hai VĐV Pencak Silat Nguyễn Văn Trí ở hạng cân 90- 95 kg và Trần Đình Nam ở hạng cân 70-75 kg.

Sự kiện thể thao Việt Nam nổi bật 2018 ảnh 1 VÐV nhảy xa nữ Bùi Thị Thu Thảo (giữa) giành HCV môn điền kinh đầu tiên của TTVN tại một kỳ Asiad

3. Việt Nam nhận quyền đăng cai SEA Games 2021

Theo thứ tự luân phiên, Campuchia sẽ tổ chức SEA Games 31 năm 2021 và Việt Nam sẽ đến lượt đăng cai SEA Games vào năm 2023. Tuy nhiên, do chưa có đủ điều kiện nên Campuchia đề nghị và được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) chấp thuận cho đăng cai tổ chức SEA Games 32 năm 2023. Khi đó, SEAGF đã gửi thư thông báo về việc SEAGF dự kiến trao quyền đăng cai tổ chức SEA Games 31 năm 2021 cho Việt Nam.

Sau nhiều tháng họp bàn, đầu tháng 9/2018, Chính phủ đã đồng ý phương án Việt Nam đăng cai SEA Games 31 năm 2021 tại Hà Nội. Đây là lần thứ 2 sau 18 năm, Việt Nam được chọn là quốc gia đăng cai ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tổ chức SEA Games 31 (khoảng 17 ngày) và Para Games 11 (khoảng 11 ngày) từ tháng 10 đến tháng 12/2021. SEA Games 31 có khoảng 16.000 người tham dự; trong đó HLV, VĐV, trọng tài khoảng 11.000 người và Para Games khoảng 4.000 người, trong đó HLV, VĐV, trọng tài khoảng 2.100 người.

Sự kiện thể thao Việt Nam nổi bật 2018 ảnh 2 Ðoàn TTVN tại lễ khai mạc SEA Games 29 ở Kuala Lumpur

4. Ðường đua F1  về với Việt Nam

Giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) là một trong những môn thể thao đua xe hấp dẫn trên thế giới. Hàng năm, các giải đua diễn ra trên khắp thế giới, từ châu Úc đến châu Âu, qua châu Mỹ, tới châu Á và cả ở Trung Đông. Đầu tháng 11/2018, nhiều tờ báo châu Á và châu Âu đồng loạt đưa tin Việt Nam chính thức tổ chức một chặng đua F1 vào năm 2020. Sau rất nhiều đồn thổi, đầu tháng 11, thành phố Hà Nội công bố quyết định đăng cai một chặng của giải đua xe Công thức 1.

Theo đó, đường đua Hà Nội- Việt Nam, với chi phí dự kiến lên đến 60 triệu USD (hơn 1.450 tỉ đồng), khi được triển khai sẽ trở thành một phần trong hệ thống Giải đua xe Công thức 1 vô địch thế giới từ năm 2020. Như vậy, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ 33 trên thế giới, thứ 9 châu Á và thứ 3 Đông Nam Á tổ chức giải đua xe nhanh nhất hành tinh.

Theo tiết lộ, cấu trúc đường đua tại Việt Nam dài 5,565 km, gồm 22 khúc cua, được thiết kế bởi Tập đoàn Tilke của Đức. Với lộ trình nằm trên các con phố ở khu vực xung quanh SVĐ Mỹ Đình, đây cũng là chặng đua trên đường phố thứ 4 sau Monaco, Singapore và Azerbaijan.

Sự kiện này được kỳ vọng là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Hà Nội cũng như cả nước ra toàn thế giới. Bên cạnh đó, người hâm mộ môn thể thao tốc độ ở Việt Nam cũng được dịp chứng kiến các tay đua xuất sắc hiện nay như Lewis Hamilton, Sebastian Vettel, Max Verstappen, Daniel Ricciardo hay thậm chí là con trai của huyền thoại Michael Schumacher - Mick Schumacher - tranh tài cao thấp trên những chiếc xe đua tân tiến nhất.

Sự kiện thể thao Việt Nam nổi bật 2018 ảnh 3 Sơ đồ đường đua F1 tại Hà Nội

5. Tổ chức thành công Ðại hội Thể thao  toàn quốc lần thứ VIII

Sau 25 ngày tranh tài sôi nổi ở 36 môn thi đấu, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, cuộc vận động TDTT lớn nhất của cả nước, đã khép lại với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về Hà Nội (176 HCV, 149 HCB, 139 HCĐ), hạng nhì là đoàn TPHCM (118 HCV, 101 HCB, 103 HCĐ) và hạng ba là đoàn Quân Đội (59 HCV, 61 HCB, 86 HCĐ).

Thông kê cho thấy, có tổng cộng 105 kỷ lục đại hội và 36 kỷ lục quốc gia mới được thiết lập ở các môn bắn súng, bơi, điền kinh, cử tạ, lặn và bắn cung, trong đó số lượng kỷ lục quốc gia mới nhiều nhất nằm ở môn bơi với 11 kỷ lục. Đáng chú ý nhất là kỷ lục quốc gia 11 giây 40 do VĐV điền kinh Lê Tú Chinh thiết lập ở đường chạy 100m nữ. Thành tích này của Tú Chinh vượt qua cả mức HCV 100m nữ tại SEA Games 29 và tiệm cận với Top 4 tại châu Á.

Về cơ bản, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII đã khép lại thành công, qua phần lớn các cuộc thi đấu diễn ra suôn sẻ và công tác tổ chức đại hội được đánh giá là chu đáo và tiết kiệm. Sân chơi diễn ra theo chu kỳ 4 năm 1 lần này được coi như thước đo cho sự phát triển chung của nền thể thao nước nhà, cũng là nơi phát hiện, bồi dưỡng các tài năng thể thao, trước khi làm nhiệm vụ quốc tế.          

MỚI - NÓNG