Sự khác biệt…Việt Nam

Sự khác biệt…Việt Nam
TP - Vẻ đẹp tiềm ẩn đến giờ hơi bị lép vế thật, so với khẩu hiệu của các nước quanh vùng.

Chẳng hạn như Incredible India (tạm dịch: Phi thường Ấn Độ), Amazing Thailand (Sửng sốt Thái Lan), Truly Asia (Châu Á đích thực của Malaysia), Cambodia Kingdom of Wonder (Campuchia- Vương quốc của kỳ quan), Uniquely Singapore (Độc nhất Singapore), WOW Philippines (Ồ, Philippines)…

Sự khác biệt…Việt Nam ảnh 1

Vẻ đẹp tiềm ẩn trước đây dịch sang tiếng Anh thành The hidden charm. Tuy nhiên “hidden” có nghĩa gốc là trốn, nấp hoặc che giấu- có vẻ không được đàng hoàng mấy. Mới đây, nhiều ý kiến trên mạng cũng chỉ ra lỗi phiên dịch của ứng viên slogan mới.

Chẳng hạn nguyên bản Sự khác biệt Á Đông sao không dịch là An Oriental/Asian Difference mà cứ phải là A Different Orient- dịch ngược lại thành “một phương Đông khác”. “Orient” nguyên là “phương Đông” chứ không phải “Á Đông”.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (nguyenvantuan.net), trước đây orient dùng để chỉ các nước Trung Đông như Ai Cập, Iran, sau này mới dùng cho các nước Đông và Nam Á. Ông Tuấn còn nhìn thấy, orient có biến thể tính từ là oriental hàm ý xấu: “Ở Úc hay Mĩ, theo tôi biết, nói ai đó là oriental là một sự xúc phạm, không chấp nhận được.” Phát triển ý tưởng Sự khác biệt Á Đông, ông Tuấn đưa ra tiêu đề Một châu Á thu nhỏ, dịch ra tiếng Anh khá gọn gàng: An Asia.

Ông Tim Russell, người Anh làm du lịch ở Việt Nam, trên trang VEF.vn nhìn ra tính hai mặt của khẩu hiệu: “Việt Nam sôi động, thú vị, đầy màu sắc, hạnh phúc và hỗn độn. Tất cả những từ này gợi nhiều cảm hứng và liên tưởng hơn là chỉ có khác biệt- từ có cả ý nghĩa tiêu cực và tích cực.” Ở cuộc thi biểu trưng du lịch 2005, một tác giả đưa ra tiêu đề Niềm đam mê sống (Living Passion)- hẳn phù hợp với quan điểm của Tim. Ông Tim cũng lo ngại rằng, khẩu hiệu mới tỏ ra thiếu tự tin, ít nhất so với khẩu hiệu của các nước trong khu vực.

Biểu tượng ngôi sao phải nói là bắt mắt, tạo ấn tượng về sự chuyển động, phát triển, có điều hơi loạn về màu sắc. Vẫn Tim Russell: “Nó tạo dấu ấn riêng khi đặt cạnh logo của các thị trường du lịch châu Á khác. Nó sống động, bắt mắt và đặc biệt, nhìn nó sẽ thật tuyệt vời ở trên áp phích du lịch, triển lãm thương mại, quần áo và các mặt hàng khuyến mại…

Chỉ có một sự hạn chế- màu sắc. Như thể các nhà thiết kế không thể quyết định phối màu thế nào và đơn giản là sử dụng hết bằng ấy màu”.

Một ngôi sao sặc sỡ có đủ “khác biệt”, đủ “Á Đông” không chưa biết, nhưng phông chữ thì chắc là không. Nhận định trên blog của Idesign.vn: “Nếu so với câu khẩu hiệu Sự khác biệt Á Đông thì rõ ràng mặt chữ Việt Nam là một sự lựa chọn sai lầm, không mang chút nào đặc điểm Á Đông.

Đặt cạnh các biểu tượng du lịch của Thái Lan, Singapore hay Malaysia thì tốt hơn câu khẩu hiệu phải là Sự khác biệt châu Âu”. Idesign cũng đề xuất việc vẽ ra một phông chữ riêng để truyền tải ý tưởng tiêu đề thay cho lựa chọn, sửa sang những phông có sẵn.

Nhìn sang các nước, không nhất thiết biểu trưng du lịch phải có đầy đủ biểu tượng (logo) + tiêu đề (slogan). Malaysia hay Singapore không dùng biểu tượng, chỉ chơi phông chữ. Lại có nước chơi chữ, như Estonia với tiêu đề Welcome to ESTonia. Phần viết hoa cũng có nghĩa “phương Đông” đủ nói lên đặc trưng quốc gia muốn nhấn mạnh. Ngay trong biểu trưng cũ Việt Nam- Vẻ đẹp tiềm ẩn, biểu tượng hoa sen đã được lồng vào tên quốc gia.

Có ý kiến cho rằng, biểu trưng chỉ như trang sức. Thời gian đau đầu sửa sang biểu trưng, thà dành để lý giải vì sao chỉ 5% du khách quay lại Việt Nam chứ không phải 49% như Thái Lan!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG