Tây Ban Nha là đội đầu tiên trong lịch sử vô địch 3 giải đấu lớn liên tiếp gồm EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012. Đội hình của Tây Ban Nha gồm quá nửa cầu thủ thuộc biên chế 2 đội bóng Real Madrid và Barcelona. Như vậy liệu có thể nói thành tích của đội tuyển Tây Ban Nha chỉ là công lao của Real và Barca, còn RFEF và phần còn lại không có vai trò gì?
Đặt câu hỏi này để chỉ ra một vấn đề nguy hiểm ở bóng đá Việt Nam hiện nay, là tính hai mặt trong các phản biện liên quan tới bóng đá, trước thềm đại hội LĐBĐVN (VFF). Một cuộc đua khốc liệt ở hậu trường tới các vị trí Chủ tịch và Phó chủ tịch đang khiến cho bóng đá Việt bị chia rẽ nghiêm trọng, người trong giới và lãnh đạo ngành thể thao biết nhưng có vẻ như đang thiếu dũng khí để đưa ra những biện pháp quyết liệt.
Chúng ta có thể nhớ lại một thực tế, sau chiến tích đoạt ngôi Á quân của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 (Trung Quốc), một luồng thông tin đã tập trung mô tả đây là công lao của các “lò” đào tạo như HAGL, Viettel, Hà Nội hoặc SLNA, đồng thời gạt VFF ra bên ngoài. Cũng những người này, trước SEA Games 2017 (Malaysia) đã đặt vấn đề nếu U22 Việt Nam thành công, VFF vẫn cần phải cải tổ vì công lao (nếu có) chỉ thuộc về bầu Đức. Nhưng khi HLV Hữu Thắng và U22 Việt Nam thất bại thì trách nhiệm hoàn toàn bị quy về VFF, hoặc một cá nhân cụ thể như Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn?
Đây chỉ là một ví dụ cụ thể trong nhan nhản những câu chuyện khác của bóng đá Việt Nam hiện nay. Một câu hỏi khác đặt ra là ở đâu trách nhiệm của một tổ chức lại không gắn liền với quyền hạn (cũng như quyền lợi hoặc công lao)? Thực tế không chỉ RFEF, rất khó tìm thấy trên thế giới một Liên đoàn bóng đá lại đảm nhiệm chức năng đào tạo cầu thủ thay cho các CLB, lò đào tạo.
VFF không đào tạo nên những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Phan Văn Đức… nhưng HAGL, Hà Nội, SLNA cũng như các đội bóng khác, tự thân không thể một mình đưa những cầu thủ trên thành ngôi sao. Chúng ta có một hệ thống giải VĐQG từ lứa U11 trở lên, đây chính là môi trường để các cầu thủ trưởng thành. VFF (và nay có thêm VPF), chắc chắn phải có phần trách nhiệm trong việc tạo nên một hệ thống thi đấu tốt, hay trước những giải đấu cụ thể là việc chuẩn bị cho các đội tuyển kế hoạch chuẩn bị: tập luyện, thi đấu cọ xát…đến các công tác hậu cần khác.
Sẽ rất nguy hiểm nếu không minh bạch những vấn đề này bởi trong tương lai, dù bất kỳ ai ngồi vào những chiếc ghế ở VFF đều có thể hứng chịu những chỉ trích tương tự hiện tại, từ những người có động cơ thiếu trong sáng. Nhận bừa công lao hay bị quy sai trách nhiệm về cơ bản đều không tốt như nhau, không phải vì một cá nhân cụ thể mà vì lợi ích chung sẽ bị ảnh hưởng.
Bóng đá Việt Nam đã qua 7 đời Chủ tịch VFF, gồm rất nhiều chính khách lớn và cả doanh nhân là ông Lê Hùng Dũng hiện nay. Nhưng thành tựu đạt được có lẽ chưa đáp ứng được mong đợi của số đông công chúng, người hâm mộ. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong phạm vi bài viết là không đủ để chỉ ra hết. Nhưng sẽ thật ngạc nhiên nếu bóng đá vượt lên trên được mặt bằng xã hội để ngang tầm châu lục hoặc thế giới, mục tiêu các lĩnh vực khác cũng đang chật vật phấn đấu. Dĩ nhiên, sẽ là ngoạn mục và đáng tưởng thưởng nếu chúng ta tạo nên một sự bứt phá trong bóng đá.
Liệu có cần giảm bớt sự tự tin, rằng “Việt Nam có 90 triệu dân, không sợ thiếu người giỏi” để nhận ra một thực tế là bóng đá đang rất thiếu người biết làm việc, để đưa ra những quyết sách đúng, cả về con người, mục tiêu và bước đi?