Sturmtiger, khẩu pháo 'lạy ông tôi ở bụi này' của phát xít Đức

Một khẩu pháo tự hành Sturmtiger của phát xít Đức. Ảnh: Military factory
Một khẩu pháo tự hành Sturmtiger của phát xít Đức. Ảnh: Military factory
Âm thanh cực lớn phát ra từ nòng pháo Sturmtiger sau mỗi lần bắn đã vô tình báo vị trí quân đội Đức Quốc xã cho phe đồng minh.

Sau khi hứng chịu nhiều tổn thất trước các pháo đài vững chắc của Liên Xô trong kế hoạch Barbarossa (kế hoạch xâm chiếm Liên Xô) năm 1941, các tướng lĩnh quân sự của Hitler đã nghĩ ra việc phát triển một loại pháo tự hành hạng nặng có thể phá hủy những boongke và pháo đài kiên cố nhất nhằm mục đích yểm trợ cho bộ binh xông lên, theo Military factory.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hitler, pháo tự hành Sturmtiger được hoàn chỉnh trên bản vẽ năm 1943.

Sturmtiger được lắp đặt hoàn toàn trên khung gầm tăng Tiger I, giữ lại nguyên vẹn phần thân và hệ thống treo, pháo chính gắn chặt vào mặt trước thân xe.

Do được thiết kế để hoạt động chủ yếu trong môi trường tác chiến đô thị, nên lớp giáp bọc của Sturmtiger được thiết kế dày để tăng khả năng sống sót khi bị trúng đạn. Các kỹ sư quân đội Đức Quốc xã gia cố giáp của Sturmtiger lên đến gần 150 mm chỗ dày nhất và 80 mm chỗ mỏng nhất.

Vũ khí chính của Sturmtiger là khẩu đại bác 380 mm Raketen-Werfer 61 L/5.4, bao gồm một hệ thống thay đạn tự động đưa vào băng. Raketen là loại đại bác phóng đạn rocket với sức công phá rất cao, có thể bắn nổ ngay tại tức thì bất kỳ loại tăng nào trên chiến trường thời bấy giờ. Loại đạn mà Sturmtiger bắn ra có chiều dài 1, 5 m, nặng 125 kg tầm bắn 565 m, có thể phá hủy những loại boongke và lô cốt cứng và vững chắc nhất.

Để phòng vệ trước bộ binh, Sturmtiger được trang bị một súng máy 7,92mm MG42 lắp phía trước xe, với cơ số đạn hơn 800 viên. MG-42 có hỏa lực và tốc độ bắn cao khiến bộ binh rất khó tiếp cận.

Sturmtiger, khẩu pháo 'lạy ông tôi ở bụi này' của phát xít Đức ảnh 1

Các binh sĩ phát xít Đức đang bảo dưỡng hệ thống nòng pháo của Sturmtiger . Ảnh: Military factory

Hitler vào thời điểm đó do nôn nóng giành chiến thắng nên đặc biệt quan tâm đến dự án sản xuất Sturmtiger vì ông ta tin rằng loại pháo tự hành mới này sẽ giúp bộ binh tấn công tốt hơn trên chiến trường. Hitler còn ra lệnh phải sản xuất 300 viên đạn dành cho riêng cho Sturmtiger mỗi tháng.

Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu được tung vào chiến trường năm 1944, Sturmtiger không những không giúp được quân đội của Hitler giành ưu thế, mà còn trở thành cơn ác mộng cho các binh sĩ pháo binh Đức Quốc xã sử dụng loại pháo này.

Âm thanh phát ra từ nòng pháo khi bắn được xem là một trong những mối nguy hiểm nhất đối với Sturmtiger. Do có sức công phá quá mạnh, nên mỗi lần bắn, âm thanh phát ra từ khẩu pháo 380mm có thể vang xa gần 2 km và tỏa ra một lượng khói rất lớn. Nhờ vậy, các máy bay của phe Đồng Minh luôn dễ dàng tìm thấy và tiêu diệt Sturmtiger.

Bên cạnh đó, Sturmtiger còn gây ra những thiệt hại đáng kể đối với các đơn vị lục quân khác trên chiến trường.

Trong trận chiến Normandy ngày 6/6/1944, Sturmtiger đã tiêu diệt 14 xe tăng của quân Đồng minh và mất 2 chiếc. Nhưng lính Đức liên tục than phiền rằng cứ mỗi lần Sturmtiger bắn thì máy bay lại ngay lập tức bay đến ném bom khắp nơi quanh đó. Việc các sư đoàn bộ binh liên tục bị ném bom khiến khả năng tiếp cận trận địa của quân Đức quốc xã ngày càng trở nên khó khăn. Quân Đức cuối cùng phải chịu thất bại trong chiến dịch đổ bộ lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến hiện đại.

Điều này làm Hitler vô cùng tức giận và chỉ thị phải lắp thêm một ống giảm thanh ở phía dưới nòng. Tuy nhiên, do liên tiếp thất bại trên các mặt trận và tình trạng khánh kiệt về kinh tế, chỉ có một chiếc được sản xuất ngay trước thời điểm Thế chiến 2 chấm dứt.  

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG