Tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng, đến ngày 11/7 đã tiếp nhận, điều trị 71 trường hợp SXH. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, các bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng của SXH, trong đó số ca mắc nặng tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm nay, bệnh viện đã điều trị hơn 1.300 bệnh nhân SXH, tăng gấp 6,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong 7 tháng đầu năm nay, có trên 3.000 ca mắc SXH, tăng 178% so với cùng kỳ năm 2018. Một số địa phương liên tục ghi nhận số ca mắc SXH tăng cao như Cẩm Lệ (265 ca, tăng 143%), Hải Châu (615 ca, tăng 241%), Hòa Vang (307 ca, tăng 298%) và Thanh Khê (821 ca, tăng 300%).
Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) nhìn nhận trong điều kiện thời tiết nắng nóng mà số ca SXH liên tục tăng cao là điều bất thường, trước đây chưa từng xảy ra. Kể cả vùng cao, khô hanh cũng bùng phát SXH. Sắp bước vào mùa mưa, nếu không khắc phục được thì diễn biến bệnh SXH sẽ còn phức tạp hơn.
Bác sĩ Lãm cũng khuyến cáo người dân phải xử lý các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, phát quang bụi rậm quanh nơi ở. Đặc biệt khi có triệu chứng sốt, nhức mỏi, chảy máu chân răng… phải đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.