Sốt ‘thú tội’ trong giới trẻ Việt
Trào lưu "thú tội" - thổ lộ mà không lo lắng người khác nghĩ hay biết đến mình - đang trở thành "cơn sốt" trong các trường trung học ở Hà Nội.
Trào lưu "thú tội" đang trở thành "cơn sốt" trong các trường trung học ở Hà Nội. |
Trào lưu "thú tội"
"Thú tội" hay còn gọi là trào lưu Confessions đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới trẻ. Chỉ mới xuất hiện được thời gian chưa lâu nhưng trào lưu này đã khiến học trò xôn xao về nó. Với Confessions, các thành viên tham gia có thể đăng tải những bí mật, tâm sự, điều khó nói lên fanpage (trang dành cho những người hâm mộ), nhưng điều thú vị là danh tính của người đó sẽ được giữ kín. Không ai biết được dòng tâm sự đó là của ai, ngoại trừ quản trị mạng của fanpage. Bạn chỉ cần viết điều thú nhận của mình ra sau đó gửi qua email, tin nhắn hoặc bất kỳ biện pháp gửi thông tin nào tới admin của fanpage. Sau khi admin duyệt, điều bạn muốn nói sẽ được đăng tải lên fanpage này.
Lời thú tội số 86 của một học sinh trường THPT Kim Liên: "Em xin lỗi cô Dương dạy tiếng Anh vì đã nhiều lần trốn học cô đi chơi bóng rổ. Xin lỗi cô Tin vì không nhớ tên cô và vì 3 bài kiểm tra 1 tiết chỉ toàn câu: "Em xin lỗi cô". Xin lỗi cô dạy Địa vì những con cá sấu, cá mập, hổ rừng ăn thịt người trong bài kiểm tra. Xin lỗi thầy Tuấn Anh vì suốt ngày ăn kẹo cao su trong giờ. Xin lỗi cô An Bình vì không thể nhịn được cười mỗi khi cô bước vào lớp. Cuối cùng em xin gửi lời xin lỗi to lớn nhất tới cô Duyên vì gây ra quá nhiều tội với cô và không thể kể hết ở đây được".
Lời thú tội số 248 - THPT Chu Văn An: "Một sự thật mà mình và tổ mình đã cũng làm trong giờ thực hành Hóa, đó là: Dùng dao dọc giấy, compa, kẹp ống nghiệm để nướng khoai trên ngọn lửa đèn cồn :)). Và vì đã cắt ra miếng nhỏ nên sau 1 lúc chờ đợi cũng có món khoai nướng mà ăn :))".
Em Nguyễn Hoàng Hạnh, học sinh Trường THPT Trần Phú chia sẻ, bình thường không phải mọi thứ đều có thể nói với nhau bằng lời. Vào các mạng xã hội mà nói những điều "bí mật" thì cũng có nhiều rủi ro. Có bạn cất giữ quá nhiều những suy nghĩ, trăn trở, nên bị trầm cảm, ảnh hưởng đến học tập. Đây có thể coi là cách để giải tỏa stress rất tốt. Qua tâm sự của các bạn về thầy cô, sân trường, về những câu chuyện trong cuộc sống... sẽ khiến mình thêm yêu trường lớp, yêu các bạn, sống yêu thương hơn.
Con dao hai lưỡi
Bất cứ phát ngôn nào cũng được giữ bí mật về chủ nhân của phát ngôn đó. Bởi thế có một số người đã lợi dụng việc này để "chơi xấu" bạn bè, giáo viên. Việc kiểm soát nội dung cũng như thẩm định sự thật của các phát ngôn này là gần như không thể. Vì thế, chỉ nên coi đây là một sân chơi để giải tỏa áp lực học hành, nói lời yêu thương khó nói hay thể hiện cảm xúc tích cực chứ không nên tin tưởng hoàn toàn vào những nội dung đó. Hà Phương Linh, học sinh trường THPT Cầu Giấy cho biết, một bạn học trong lớp đã xảy ra xô xát dẫn đến đánh nhau do một người đã lợi dụng tên của người kia để nói xấu một bạn khác.
Theo TS Tâm lý Huỳnh Thúy Hòa, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhu cầu được chia sẻ của học sinh đang phát triển mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Ngoài những tình cảm trong sáng, hồn nhiên tuổi học trò thì có vô vàn điều "bí mật" không dễ chia sẻ trong cuộc sống thường nhật. Với những em có tính cách nhút nhát thì việc làm vỡ một cái bát, nghịch hỏng chiếc đài học tiếng Anh... cũng không dám thú nhận với bố mẹ do sợ la mắng. Nhiều em vì quá dồn nén, ức chế, đã tìm đến cái chết để giải thoát. Khi không có người chia sẻ, các em dễ lâm vào bế tắc.
Lâu nay, giáo viên vốn không có kỹ năng lắng nghe học sinh. Giáo viên không còn là người chia sẻ mà đơn giản là người truyền đạt kiến thức. Việc học trò tìm được một nơi thể hiện thoải mái những suy nghĩ của mình là cần thiết. Nhưng cũng nên cân nhắc, tránh việc từ những tâm sự này mà gây ra những nghi ngờ, mâu thuẫn trong đời sống hằng ngày.
Theo Bảo Khánh
Kiến Thức