Nhiều ngày nay, chất lượng không khí ở Hà Nội ở ngưỡng xấu và kém ở cả 10 điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội duy trì màu cam (tức chất lượng không khí kém).
Báo động với sức khỏe con người
Sáng 30/9, chỉ số chất lượng không khí đã lên đến mức 288 chuyển sang màu tím, tức nhóm nhạy cảm (người già, trẻ con, người bị bệnh hô hấp) nên tránh ra ngoài, những đối tượng khác hạn chế ra ngoài. Theo các ứng dụng đo như Air Visual... tất cả điểm quan trắc tại Hà Nội có chất lượng không khí AQI trên mức 170. Mức chỉ số này gấp đôi chỉ số ngày 29/9 ở mức 140. Chỉ số bụi mịn PM2.5 hôm qua tại Hà Nội là 238,4 mg/m3, cao gấp 10 lần quy chuẩn quốc gia (25 mg/m3).
Các chuyên gia môi trường cho rằng, đây là mức không khí “báo động với sức khỏe con người”. Ở các nước trên thế giới, như Hàn Quốc năm 2018, khi bụi mịn vượt mức 50, chính quyền cho trẻ em nghỉ học, cung cấp vé xe buýt miễn phí… Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, chính quyền Thủ đô vẫn chưa có giải pháp gì để người dân an tâm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở TN&MT Hà Nội lý giải, tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và vào những thời điểm chuyển mùa. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua.
Đại diện Sở TN&MT nói: “Do đang là thời điểm giao mùa và điều kiện thời tiết tháng 9 diễn biến khá phức tạp, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, tĩnh gió, không mưa, hình thành lớp sương mù vào sáng sớm nên cản trở sự khuếch tán của chất ô nhiễm cũng như đối lưu không khí”. Do đó, chất lượng không khí thường có xu hướng giảm vào sáng sớm. Sau đó, khi nắng, lớp sương mù tản dần ra, nồng độ bụi giảm dần.
Ngoài ra, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, toàn thành phố có nhiều công trình đang xây dựng phát sinh lượng bụi lớn. Mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông, còn tồn tại nhiều phương tiện cá nhân cũ xả thải khí ô nhiễm, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định.
Thời gian này, các tỉnh lân cận và các huyện ngoại thành Hà Nội đang vào giai đoạn cao điểm thu hoạch lúa nên hiện tượng đốt rơm rạ tái diễn trên các cánh đồng. Sản phẩm của quá trình đốt rơm là bụi và các chất khí CO2, CO, NOx.... ảnh hưởng tới môi trường không khí và sức khỏe con người.
Đại diện Sở TN&MT khẳng định: “Xác định môi trường là vấn đề trọng tâm nên thành phố đã có nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng không khí, chứ không phải đến bây giờ mới làm”. Đó là trồng 1 triệu cây xanh và đang tiếp tục trồng thêm 600.000 cây; các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông...
Hà Nội cũng xây dựng các đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn 2030; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại; Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề....
Đánh giá ô nhiễm trên phần mềm là thiếu căn cứ
Trả lời câu hỏi về tính chính xác của các phần mềm đo chất lượng không khí, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT), cho rằng, các phần mềm như Air Visual hay Pam Air chưa đem lại số liệu chuẩn xác bởi đây toàn bộ là trạm cảm biến. Trạm cảm biến chỉ đưa ra ở mức khuyến cáo, chứ không chuẩn về số liệu.
Theo ông Thái, việc tổ chức Air Visual đánh giá thứ hạng ô nhiễm của các thành phố trên toàn thế giới là không đủ cơ sở. Đây là việc khó vì hệ thống trang thiết bị quan trắc, số lượng trạm tại các thành phố trên thế giới khác nhau.
Bên cạnh đó, việc đánh giá chất lượng không khí thành phố phải tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia và đánh giá trên số ngày vượt chuẩn trong năm, không thể dựa vào kết quả quan trắc tại một thời điểm cụ thể.
Tuy nhiên, Sở TN&MT Hà Nội cũng khuyến cáo người dân ra đường mang theo khẩu trang, hạn chế tham gia giao thông vào giờ cao điểm, tránh các điểm đang tắc đường (có thể đi sớm hơn hoặc muộn hơn...). Tăng cường sử dụng phương tiện công cộng; các hộ dân không sử dụng bếp than tổ ong; đối với công trình xây dựng, phải che chắn đúng quy định, thực hiện các biện pháp phun nước giảm bụi. Ở các vùng ngoại thành, không đốt rơm rạ trên cánh đồng...
Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội đề nghị người dân tham khảo các trang chính thức của cơ quan chức năng để biết chính xác chất lượng không khí trên địa bàn, trong đó có các website của Sở TN&MT Hà Nội qua đường dẫn: http://tnmtnd.hanoi.gov.vn/; http://moitruongthudo.vn.
Về 18 thiết bị cảm biến quan trắc chất lượng không khí do GIZ (Đức) hỗ trợ lắp đặt ở quận Hoàn Kiếm, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, các thiết bị đã được bàn giao cho UBND quận. Đây chỉ là những thiết bị giá rẻ chỉ sử dụng để khuyến cáo (cảm biến như các ứng dụng điện thoại đang làm) chứ không đo chính xác được như thiết bị quan trắc không khí mà thành phố Hà Nội đầu tư. Do đó, chỉ sử dụng làm kênh tham khảo.