Sống trong vùng động đất

Sống trong vùng động đất
TP - Gần 1 tuần qua, PV Tiền Phong có mặt ở vùng tâm chấn động đất Bắc Trà My (Quảng Nam), cảm nhận những trận động đất, thường trực cùng nỗi lo với người dân.

> Khảo sát vùng tâm chấn

Nhật ký động đất

Kể từ sáng 4-9, chúng tôi có mặt ở Bắc Trà My sau 5 trận động đất liên tiếp xảy ra trước đó. Những trận động đất khiến cuộc sống của người dân xáo trộn.

Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, ông Lê Văn Tuấn, cho biết: Lãnh đạo huyện giờ ai cũng có nhật ký động đất. Túi áo phải luôn sẵn sổ, tay đeo đồng hồ hễ có động đất là ghi chép lại chính xác để báo cáo cho tỉnh và cơ quan chức năng.

Nhiều người dân ở Bắc Trà My cũng ghi chép ngày giờ các trận động đất để tự ứng phó.

Ông Lê Văn Hùng, người dân buôn bán ở thị trấn Trà My, chỉ tay về tấm ván nhỏ góc nhà: "Cứ có động đất là tôi ghi vào đó. Tôi nghe báo đài nói động đất sẽ giảm, nhưng sao cứ thấy nó tăng chứ có giảm gì đâu".

Ông Đặng Phong, Chủ tịch huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), chia sẻ: Từ ngày động đất xảy ra liên tục, ngoài việc ghi chép cập nhật, ông còn chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho mình và người nhà để sẵn sàng tác chiến đề phòng trường hợp xấu nhất khi động đất lớn xảy ra.

Muốn đi nhưng chẳng biết đi đâu

Người dân ở ngã ba Trà Tân, gần cây cầu dẫn vào Ban Quản lý (BQL) Thủy điện Sông Tranh 2 những ngày qua luôn nhốn nháo mỗi khi có động đất. Căng thẳng thể hiện rõ trên khuôn mặt của người dân khi nhắc về động đất.

Bà Dương Thị Thiền (52 tuổi), mở quán nước ngay ngã ba này, nói: "Lên đây gần 30 năm, chưa khi nào lo sợ như bây giờ. Sợ lắm, muốn chuyển đi nhưng chẳng biết đi đâu".

Hai vợ chồng bà Thiền quê ở Điện Bàn, lên đây sinh sống buôn bán từ năm 1979, có 3 con. Chồng ở nhà phụ giúp hàng quán. Những ngày đầu công trình thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu xây dựng, việc buôn bán của gia đình bà khấm khá, nuôi được 2 đứa con đầu đi học.

Khi công nhân rút dần, bà Thiền buôn bán ế ẩm. Gần một tuần qua, quán hàng vắng tanh. "Động đất, khách đi đường cũng sợ không dám ghé quán nữa. Mấy chú uống nước xong rồi cũng đi nhanh.

Động đất sập nhà tôi không chịu trách nhiệm đâu", bà Thiền nói. Ngôi nhà của bà Thiền chi chít vết nứt sau những trận động đất. Nhà hàng chục người dân khu vực ngã ba Trà Tân cũng nứt nẻ.

Bỏ nhà tái định cư

Người dân địa phương nói rằng, việc tái định cư thủy điện không phù hợp tập tục người dân tộc Cor và Ca Dong, nên họ thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn.

Xã Trà Bui nằm cách đập thủy điện Sông Tranh 2 hơn 20km về phía thượng nguồn. Nhiều gia đình nhấp nhỏm bỏ tái định cư vì nhà cửa nứt nẻ vì rung chấn.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch xã Trà Bui, cho biết: "Có 31 ngôi nhà tái định cư đã xuống cấp nghiêm trọng mấy năm nay. 11 hộ dân đã bỏ đi vì thiếu đất sản xuất, không sống nổi. Xã vận động mãi dân mới ở lại. Nay động đất, dân lo sợ chưa bỏ làng nhưng đã bỏ nhà".

Xã Trà Đốc ngay dưới chân đập Sông Tranh 2 những ngày qua luôn tấp nập xe cộ của lãnh đạo tỉnh, huyện và các chuyên gia từ Hà Nội vào. Trà Đốc là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ động đất.

Hai ngôi trường mầm non và cấp 2 của xã được xây dựng khang trang nay đã nứt nẻ. Hàng chục nhà dân cũng bị nứt.

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch xã Trà Đốc, kể: Nhà bà Hồ Thị Thổ ở thôn 3 bị nứt nẻ do động đất, không biết kêu ai, bèn tìm đến nhà ông trưởng thôn Đinh Văn Minh để… chửi bới.

Ông Minh ngớ người cầu cứu cán bộ xã. Cán bộ xã xuống, bà Thổ một hai đòi xã phải đền nhà cho bà.

Cán bộ phải giải thích mãi bà Thổ mới đồng ý về nhưng với điều kiện: Nếu còn động đất, nhà còn nứt bà sẽ kiện xã. "Cứ đà này, dân vùng tái định cư sẽ bỏ vào rừng hết vì chẳng biết chạy đi đâu. Mà nếu có nơi để đi thì cũng chẳng có tiền", ông Lợi nói. Xã Trà Đốc từng có 24 hộ dân bỏ tái định cư trước đó, nay chính quyền xã đang lo tái diễn chuyện bỏ làng. "Dân khổ vì tái định cư rồi, nay thêm động đất", ông Lợi nói.

Ghé nhà ông Hồ Văn So và bà Hồ Thị Xin ở thôn 2 Trà Đốc, thấy nhà cửa xập xệ, chẳng có gì đáng giá, nay nứt nẻ.

Lo sợ, nhưng bà Xin vẫn cười chỉ tay về ông chồng: "Chồng tui từ ngày động đất sợ không dám nhậu say xỉn nữa. Nó sợ chết. Tui sướng thân, vì không còn bị nó cằn nhằn, đập đánh".

Vào đường hầm Sông Tranh 2

Trám trét đường ống gom nước từ thân đập vào hầm. Ảnh: Nguyễn Thành
Trám trét đường ống gom nước từ thân đập vào hầm.               Ảnh: Nguyễn Thành.
 

Ngày 9-9, sau nhiều lần liên hệ với BQL Dự án Thủy điện 3 và nhà thầu, lần đầu tiên, phóng viên báo chí được vào bên trong đường hầm thủy điện. Lúc này, lòng hồ đã ở mực nước chết, việc chống thấm ở mặt đập đã xong.

Chiều dài gần 2km, điện thắp sáng cả dãy đường hầm sâu hun hút. Tiếng nước chảy, tiếng máy bơm, máy khoan, máy cắt nghe ầm ầm. Hàng chục công nhân đang làm việc mà theo người của BQL thủy điện là đang dọn vệ sinh đường hầm.

Công nhân chủ yếu là người dân địa phương được thuê vào để dọn dẹp, xúc đất cát, vữa xi măng chuyển ra ngoài.

Chị Hồ Thị Thu Thủy (ở thôn 2 Trà Đốc), cho biết: "Chúng tôi được chủ thầu thuê làm gần 3 tháng nay. Mỗi ngày làm việc cật lực ở đây cũng được 150 ngàn nuôi chồng con". Trong đường hầm, nhiều công nhân đang trám trét, khoan cắt để lắp đặt các ống nhựa.

Nước từ các đường ống vẫn chảy ra ào ào. Hệ thống đo gia tốc dịch chuyển bên trong hầm bụi phủ kín dù đã được che đậy, phải dùng đèn pin soi vào mới thấy vì 2 bóng đèn đã bị cháy.

Chỉ vào cuộn dây điện treo lủng lẳng trên tường, ông Võ Duy Minh, Giám đốc Ban điều hành tổng thầu, nói: "Đây là hệ thống đo động đất".

Tại vị trí giữa đường hầm số 1 nơi có máng thu gom nước, một người đàn ông cầm cây bút nhúng xuống ống nước đang chảy rồi trong chốc lát nói với phóng viên: "Lượng nước thấm chỉ còn 2,56 lít/s". Thắc mắc về cách tính, người này bảo đó là cách "quan trắc nhanh".

"Khoảng 1 tuần nữa, mọi công việc sẽ hoàn thành. Động đất không ảnh hưởng đến đập Sông Tranh 2", ông Minh nói.

Chúng tôi ra khỏi đường hầm, cũng là khi xe của BQL Dự án Thủy điện 3 vừa chở các chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu đi khảo sát về nhà điều hành của Cty Thủy điện Sông Tranh nghỉ ngơi.

Từ nay đến khi có kết luận động đất có ảnh hưởng đập Sông Tranh hay không, các chuyên gia sẽ được ăn ở, làm việc tại đây. Các chuyên gia yêu cầu phóng viên không theo đoàn vì "ảnh hưởng đến công việc của đoàn".

Lại động đất tại Bắc Trà My

Lúc 11h30 ngày hôm qua (9-9), huyện Bắc Trà My lại hướng chịu một trận động đất mạnh. Ông Đặng Phong, Chủ tịch huyện, xác nhận: "Cả huyện lại tiếp tục rung lên. Cán bộ trực tại trung tâm hành chính huyện đã gọi điện ngay cho tôi.

Trận động đất này cũng rất mạnh và kéo dài khoảng 5 giây". Cùng ngày, ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch xã Trà Bui, thông tin vào lúc 14 giờ, khu vực xã tiếp tục xảy ra một trận động đất, khiến người dân xã lại một phen hoảng sợ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.