35 năm sự kiện Gạc Ma-Trường Sa: Không thể nguôi quên…

Sống tốt vì ngày hôm qua

TP - 35 năm tròn đã qua, những cựu binh cùng thân nhân liệt sĩ Gạc Ma nén ký ức đau thương, vững vàng đi tiếp cuộc đời mình với sự giúp đỡ cưu mang của đồng đội và mọi người, để không hổ thẹn với những người đã ngã xuống.

“Phở Gạc Ma”, sống tốt vì ngày hôm qua

Như mọi buổi sớm từ hàng chục năm qua, cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa, nay đã 56 tuổi vẫn miệt mài với quán phở mưu sinh của mình. Quán có tên “Phở Gạc Ma” nằm ở số 5D đường Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn, Bình Định). Nói về tên “Phở Gạc Ma”, ông trải lòng đây là một nỗi đau, nỗi nhớ, cũng là những tiếng thiêng liêng nhắc nhở ông phải sống kiên cường, để không hổ thẹn với những đồng đội đã ngã xuống.

Sống tốt vì ngày hôm qua ảnh 1

Cựu binh Lê Minh Thoa với quán phở Gạc Ma. Ảnh: Trương Định

Trong trận chiến Gạc Ma 35 năm trước, ông Thoa cùng 8 đồng đội bị phía Trung Quốc bắt giữ và giam giữ hơn 3 năm tại bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Quán phở rộng chỉ mấy chục m2, nhưng trên tường treo kín hình ảnh về Gạc Ma, Trường Sa, con tàu HQ604, cột mốc chủ quyền,... Với ông, đấy là những kỷ vật vô giá. Ông trầm ngâm, rằng được sống trở về và có cuộc sống bình thường như ngày hôm nay là điều kỳ diệu.

Thời điểm ấy, đơn vị đã gửi giấy báo tử, cả nhà đau đớn lập bàn thờ cho ông. Vậy nên cuộc sống hôm nay dẫu đang chật vật, nhưng có là gì. Ngày ngày, hai vợ chồng ông dậy từ lúc mờ sáng, lụi cụi nấu nồi phở, tất bật phục vụ khách. Quán bán giá bình dân, nhưng học trò, người khó ăn bao nhiêu ông bán giá bấy nhiêu, sẵn lòng sẻ chia. Đến trưa hết khách, ông lại dọn dẹp mặt bằng phía trước để bán nước mía, giày dép,...

Hai năm dịch COVID-19, nhà ông cũng như bao hộ buôn bán khác chịu ảnh hưởng nặng nề. “Thôi không sao cả, không bán được tại quán thì mình ship đi. Kinh tế thì cũng một phần nhưng cái chính ở đây là tui phải giữ cái quán vì hai tiếng Gạc Ma”, ông cười hào sảng. Với ông, khách đến quán ăn đông vui một, thì tới nghe kể chuyện Gạc Ma làm ông vui mười.

Mọi năm, cứ đến dịp này là ông sắp xếp công việc, đón xe vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để dự lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Những ngày này ông cũng đang nôn nao, chộn rộn. Ông muốn gặp đồng đội để cùng nhau ôn lại bao kỷ niệm, thắp một nén hương thơm cho những anh em đã hy sinh. Để dặn dò động viên nhau phải biết sống, mỉm cười cho ngày hôm nay, vì còn sống, trở về, phải sống luôn cho phần của đồng đội.

Ấm lòng

Sống tốt vì ngày hôm qua ảnh 2

Mẹ Lan yên tâm trong ngôi nhà kiên cố và được đồng đội của con thường xuyên thăm hỏi. Ảnh: Giang Thanh

Ngày đầu tháng 3, chúng tôi tìm về nhà mẹ Lê Thị Lan, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc trên đường Lý Thiên Bảo (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Mẹ ngồi trên chiếc giường, chân không bước được vì đợt bão năm ngoái mẹ lên gác thắp hương cho anh Lộc, bị té. “Hồi nớ cũng có trận bão, nhà dột hư hết, thằng Lộc sửa nhà cho tui xong mới quay trở vô đơn vị. Ai ngờ là lần cuối…”, mẹ Lan rưng rưng nhớ lại rồi kể thêm, mấy năm trở lại đây, mẹ không còn lo chuyện nhà cửa mỗi lần thiên tai nữa.

Căn nhà ống gác lửng mẹ đang ở được cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân sửa sang lại kiên cố, bàn thờ liệt sĩ Lộc đặt trên gác. “Tôi toại nguyện lắm, có một nơi nương náu khi về già, có một chỗ để thờ tự thằng Lộc tươm tất. Thỉnh thoảng, các anh bên Ban liên lạc bộ đội Trường Sa, chính quyền…cũng ghé thăm, tặng quà”, mẹ trải lòng. Trong phòng mẹ, ảnh của liệt sĩ Lộc khi còn bé, ngồi trong vòng tay mẹ cùng các chị gái, được treo bên tường. Mỗi lần nhớ con, mẹ lại ôm ảnh vào lòng.

Mấy năm trước, còn khỏe mẹ vào tận Khánh Hòa để dự lễ tưởng niệm. Còn giờ đây nghe tin mấy hôm nữa, lễ tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại sẽ tổ chức ở Đình Nại Nam (phường Hòa Cường, quận Hải Châu) gần nhà, mẹ dứt khoát: “Đi chớ, giờ không ngồi xe máy được thì thuê taxi, phải ra với tụi hắn chứ!”.

Trận hải chiến Gạc Ma ngày14/3/1988, cựu binh Dương Văn Dũng bị Trung Quốc bắt giam cùng 8 đồng đội khác, hơn 3 năm sau mới được trả về. Cuộc sống hậu chiến vốn chật vật, khó khăn lại càng nặng nề hơn khi anh phát hiện ung thư vào năm 2015, và qua đời đầu năm 2017. Đã 6 năm kể từ ngày ấy, vợ anh - chị Trần Thị Lợi (57 tuổi, quận Cẩm Lệ) vẫn tần tảo buôn thúng bán bưng nuôi con. Chị sống với mẹ già yếu và hai cô con gái, con đầu mới lấy chồng sinh con, con sau học năm 2 trường ĐH Duy Tân. “Chừ tui là trụ cột trong nhà nên mưa nắng gì cũng bươn ra mấy đoạn đường gần chợ đầu mối Hòa Cường bán trái cây hết. Mẹ của anh giờ yếu lắm, ngày tui đi bán thì gửi mẹ qua nhà chú, để có người chăm. Còn con bé đang học, mỗi năm gần 3 chục triệu tiền học phí, không lo sao được”, chị kể.

Chị Lợi biết mình khổ, nhưng không bi luỵ, chỉ mong đủ sức nuôi con ăn học, sau ra trường có công ăn việc làm. Nhắc tới những thân nhân của cựu binh Gạc Ma, ông Nguyễn Văn Tấn - Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa (giai đoạn 1984-1988 tại Đà Nẵng) nói ông và anh em trong Ban luôn tìm cách giúp đỡ, có ít giúp ít, không có thì đi xin chẳng nề hà gì, miễn sao cho người thân các anh thấy ấm lòng.

Đã thành thông lệ hàng chục năm qua, cứ mỗi dịp này, bà Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Đại học Đông Á lại âm thầm thông qua Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng gửi tới thân nhân 9 liệt sĩ Gạc Ma những phần quà ân tình. Không chỉ vậy, những năm qua, giáo viên, sinh viên trường Đại học Đông Á luôn đi đầu trong hành trình vì biển đảo quê hương, như nhắn tin ủng hộ chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa”; quyên góp hơn 100 triệu đồng để ủng hộ lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền Biển Đông; trao tặng 200 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân bám biển tại ngư trường Hoàng Sa; chia sẻ cùng gia đình thân nhân liệt sĩ Gạc Ma,… “Hành trình gieo hạt giống “Lòng trách nhiệm” vào các thế hệ sinh viên được nhà trường thực hiện xuyên suốt từ những ngày mới thành lập đến nay. Đây là hành trình thiêng liêng với đất nước, với những người đã hy sinh tuổi thanh xuân để gìn giữ biển đảo, và những người đang ngày đêm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta”, bà Anh Đào xúc động nói.

Nhớ mãi những ngày cuối năm 2016, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đã xúc động diễn ra cuộc hội ngộ cuối cùng giữa cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng với 6 đồng đội Gạc Ma đến từ Hà Nam, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bình Định,... Trong bộ trang phục Hải quân, dù sức lực lúc này đã quá yếu, nhưng anh Dũng cùng đồng đội vẫn quây tròn thành “Vòng tròn Gạc Ma”, và say sưa hát những bài hát về Trường Sa…

(Còn nữa)

Tin liên quan