> Việt Nam thiếu nước trầm trọng
Điều đó đồng nghĩa với tăng nhu cầu về nước để tích trữ và phát điện, gây thêm áp lực đến tài nguyên nước.
Thôi thì đành chấp nhận cái đánh đổi được mất tất nhiên ấy. Khốn nỗi, sự phối hợp giữa thủy điện với các mục đích sử dụng nước khác hiện nay ở ta vẫn chưa đâu vào đâu khiến cho áp lực lên tài nguyên nước thêm nặng nề.
Khoảng dăm năm lại đây, cứ mùa khô đến thì dân tình lo sốt vó vì thủy điện tọa ở thượng lưu sông không chịu xả nước cho hạ lưu nhờ, cả về giao thông, đánh bắt thủy hải sản lẫn tưới tiêu và lấy nước sinh hoạt. Ngược lại, đến mùa mưa như đang diễn ra ở miền Trung, thủy điện lại thi nhau xả nước ầm ầm khiến hạ lưu chịu hai lần “đại hồng thủy, một do ông trời và một do thủy điện.
Vì sao vậy?
Hầu như tất cả các lưu vực sông có hay không có thủy điện của ta hiện nay đều ở vào tình trạng có quản lý mà như không, không ai bảo được ai. Trong khi ta có tới ba cấp quản lý lưu vực sông. Ta có ban quản lý lưu vực sông do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thành lập, có ủy ban phát triển lưu vực sông do Thủ tướng thành lập.
Ta còn có Ủy ban phát triển lưu vực sông do Chính Phủ thành lập. Một Thứ trưởng tài nguyên & môi trường thốt lên “VN đang vật lộn với các mô hình quản lý lưu vực sông”.
Sự thay đổi sâu sắc về diện mạo và tình trạng của tài nguyên nước và lưu vực sông những năm gần đây càng làm phức tạp thêm yêu cầu quản lý. Hệ thống quản lý lưu vực có vẻ càng lúng túng hơn. Một trong những nguyên nhân hàng đầu của những thay đổi này bắt nguồn từ sự phát triển thủy điện ồ ạt, mở dòng mới để chuyển nước, mùa cạn thì làm thoái hóa lòng sông, mùa mưa thì tác động tiêu cực đến dòng chảy.
Đã đến lúc Luật Tài nguyên Nước mới cần sửa đổi sao cho các dòng sông thực sự sớm có chủ, sao cho gần 30 tỷ m3 nước mà các hồ - chủ yếu là hồ thủy điện – đang tích trở thành nguồn sinh dưỡng yên hòa cho đất nước cả mùa lụt lẫn mùa kiệt. Đã đến lúc phải tìm ra những Hà Bá thực thụ cho mỗi dòng sông, chấm dứt tình trạng vô chủ như lâu nay.