Là hệ thống sông quan trọng nhưng khoảng 20 năm nay, hạn hán khiến mực nước trong lưu vực sông Nhuệ xuống thấp. Thêm vào đó, từ năm 2001 đến nay, vì nhiều nguyên nhân đã làm hạ thấp mực nước trên hệ thống sông Hồng, mực nước năm sau luôn thấp hơn năm trước nên cơ bản không thể lấy được nước sông Hồng qua cống Liên Mạc để đưa vào sông Nhuệ.
Lượng nước sông Nhuệ xuống quá thấp, không đảm bảo được sự lưu thông của dòng chảy do đó cơ chế "tự làm sạch" của con sông này bị vô hiệu hóa, dòng sông bắt đầu "chết dần chết mòn". Cho đến nay việc "cứu" sông Nhuệ khỏi cơn "hấp hối" do ô nhiễm vẫn đang là một vấn đề nan giải.
Nước đen đặc nổi váng, rác thải đóng thành bè lềnh phềnh trên mặt nước bốc mùi hôi tanh, khó chịu. |
Ghi nhận dọc bờ sông Nhuệ, nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng. Không chỉ vậy, hai bên bờ sông Nhuệ nhiều điểm ngập tràn rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng khiến lòng sông bị thu hẹp, nhiều công trình vi phạm, lấn chiếm cũng mọc lên tua tủa ven sông.
Đoạn sông chảy dọc ngõ 68 Phú Diễn, nhiều đoạn ô nhiễm nặng, bốc mùi. Hai bên bờ sông, nhiều điểm đất trống trở thành nơi tập kết rác thải của người dân, có nơi rác tràn từ trên bờ xuống dưới lòng sông. Dưới lòng sông nhiều đoạn rác thải nổi lềnh phềnh.
Rác tràn từ trên bờ xuống dưới lòng sông |
Anh Lưu Trọng Nghĩa hiện làm việc tại một xưởng ép ván gần bờ sông cho biết từ khi anh đến đây làm đã được gần 4 năm. Theo quan sát anh thấy nước ở khu vực sông Nhuệ này lúc nào cũng trong tình trạng vẩn đục và có mùi hôi thối. Nhiều hôm mưa to rác còn "nối đuôi nhau" trôi thành từng mảng trên sông.
Khu vực trước xưởng anh Nghĩa làm có một nhánh nhỏ để dẫn nước thải sinh hoạt ra sông, nơi đây thường xuyên đọng rác lại. Anh kể mỗi lần như thế một vài người dân gần đây sẽ dùng loại sào dài để đẩy rác ra sông cho trôi đi.
Rác và nước thải từ nhiều nguồn đổ vào sông. |
Đất dọc bờ sông nhiều khu vực dành cho mục đích vui chơi, giải trí công cộng bị lấn chiếm. Nhiều công trình nhà ở tạm, nhà xưởng mọc san sát bên bờ sông, có nơi được dựng thành hàng quán, nơi thành chỗ đỗ xe gia đình...
Nhiều công trình lấn chiếm đất vui chơi, giải trí công cộng ven sông. |
Trên tuyến đường K2 và đường Phúc Diễn dọc bờ sông Nhuệ thuộc địa phận phường Xuân Phương tình trạng ô nhiễm tương tự cũng xảy. Nhiều nơi dọc bờ sông trở thành điểm tập kết rác thải sinh hoạt của người dân, dưới lòng sông nước bốc mùi hôi thối khó chịu.
Rác thải xây dựng, rác sinh hoạt chất thành đống tràn cả xuống sông. |
Đặc biệt sát bờ sông trên hai tuyến đường này quy tụ nhiều xưởng sản xuất với đa dạng các mặt hàng. Nhiều công trình phụ được xây dựng theo kiểu đóng cọc bê tông sát mép sông. Nhiều điểm dòng sông bị thu hẹp bởi đất đá, phế thải xây dựng. Hoạt động sản xuất của những cơ sở này hàng ngày vẫn thải trực tiếp ra sông một lượng lớn nước thải.
Nhiều công trình phụ được xây dựng theo kiểu đóng cọc bê tông sát mép sông. Hầu hết công trình phụ này đều thuộc các xưởng sản xuất cạnh bờ sông. |
Trong quá trình ghi nhận, trạm bơm Đồng Bông 1 đang hoạt động xả nước ra sông Nhuệ. Đến gần đoạn xả nước một mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Nước ở khu vực này vẩn đục, có nơi chuyển màu đen đặc. Tại đầu cống xả, bọt sủi trắng xóa cả mặt nước.
Khu vực xả nước tại trạm bơm Đồng Bông 1 (Bắc Từ Liêm). |
Ông Đinh Văn Mùi sống ở gần trạm bơm Đồng Bông 1 cho biết: "Nước ở đây chẳng bao giờ hết mùi, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng mùi hôi thối phát đau đầu. Trước đây nguồn nước sông này người ta còn dùng để tưới tiêu được chứ bây giờ nước ô nhiễm như thế này ai dám dùng".
Khu vực chứa nước trạm bơm Đồng Bông 1 nước đen đặc, mùi thối nồng nặc |
Tại khu vực cầu Mậu Lương (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) hai bên bờ sông Nhuệ rác thải tập kết thành bãi. Theo người dân ở khu vực này, khoảng 3-5 hôm người ta mới đi thu dọn rác một lần nên rác cứ ùn ứ lại cạnh bờ sông như vậy. Một số vị trí rác trôi nổi trên sông cũng được người dân vớt lên bờ.
Nước thải không qua xử lý được xả trực tiếp ra sông Nhuệ. |
Từ lâu, nước sông Nhuệ thường được người dân sử dụng vào mục đích tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp nhưng hiện tại, nguồn nước bị ô nhiễm quá nặng và không thể sử dụng. Nguồn nước sông Nhuệ ô nhiễm nặng không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người sống ven sông, người dân luôn sống trong cảnh "khát nước sạch".
HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua chủ trương xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, giai đoạn 1. Các hạng mục gồm trạm bơm, kênh lấy nước, cầu qua kênh dẫn nước, nhà quản lý.
Theo đó, thành phố sẽ đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng trạm bơm Liên Mạc, tạo nguồn cấp nước cho sông Nhuệ và phòng chống ngập úng.
Sau khi cả hai giai đoạn hoàn thành, cụm công trình sẽ đảm nhiệm việc tiêu thoát nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng cho 9.200 ha của 4 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức với lưu lượng 170 m3/s.
Để phục vụ triển khai dự án, sẽ có khoảng 140 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng (130 hộ thuộc phường Thụy Phương, 10 hộ thuộc phường Liên Mạc). Sau khi di rời, những hộ dân sẽ được bố trí tái định cư tại dự án Ecohome 3, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.
Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc dự kiến được triển khai trong hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.