Sống lại những con tàu sau bão

Sống lại những con tàu sau bão
TP - Sau bão tố, những con tàu mình đầy thương tích miền Trung nối nhau lên đà tại các xưởng sửa chữa tàu thuyền, hối hả “trị thương” để mở những mùa biển mới.

> Miền Trung thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng vì bão số 11
> Bão Nari càn quét miền Trung
> Miền Trung gia tăng thiệt hại do bão Nari

Bầm dập những thân tàu

Xưởng sửa chữa tàu thuyền Lý Cư (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nằm ngay mép âu thuyền Thọ Quang, sau cơn bão số 10, 11, lúc nào cũng ken đặc tàu thuyền lên đà. Bốn hệ thống đường ray lăn đều chất đầy những con tàu thương tích vỡ vỏ, bể bánh lái, chân vịt… Ông Trần Được (Quảng Ngãi), chủ đôi tàu QNg 92079 và QNg 92365 hành nghề giã cào, tất bật hướng dẫn cánh thợ thuyền sơn sửa, gia cố từng hạng mục thân tàu.

“Bão đánh rát quá, vào đến bờ rồi mà vẫn không thoát. Gió to, sóng lớn, 2 chân vịt bằng đồng nặng đến dăm ba tạ vẫn bị đánh hỏng”, ông Được thở dài. Chưa khắc phục hết hậu quả cơn bão số 10, đôi tàu của ông Được ra khơi gần tuần lễ lại “dính” bão số 11. Tàu kiên cố, gần 500CV mỗi chiếc bỗng chốc bị sóng đánh tơi tả, nhiều đoạn bị bật vỏ, máy móc rệu rã.

Ông Được bảo: “Xoay không kịp tiền nên đành lắp đôi chân vịt mới bằng hợp kim thiếc. Trước đây, lắp chân vịt bằng đồng nguyên khối, mỗi cái nặng 400-500kg, trị giá trên dưới 100 triệu đồng. Nay lắp loại mới này, giá thành rẻ gần nửa nhưng tuổi thọ không bằng. Chịu vậy để mở biển sớm”. Gần nửa tháng lên đà, đôi tàu của ông Được đang hối hả để chuẩn bị xuống nước, vươn khơi. 30 năm gắn bó với nghề biển, chưa năm nào, đội tàu của ông Được lại gặp nhiều “thương tích” như năm nay.

Tàu thuyền lên đà ở các cơ sở sửa chữa sau bão tố, thiên tai. ẢNH: NGUYỄN HUY
Tàu thuyền lên đà ở các cơ sở sửa chữa sau bão tố, thiên tai. ẢNH: NGUYỄN HUY.

Bên cạnh, tàu HT 90049TS của ngư dân Trần Xuân Bình (43 tuổi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phải róc từng mảng thân vỏ nứt nẻ, do bị sóng vỗ toác. “May mà chưa bị phá nước, chìm tàu. Tàu chạy gần vô đến Đà Nẵng thì gặp đúng luồng gió mạnh bão số 11, con tàu bị sóng gió vật liên hồi nên thiệt hại nặng”, ông Bình kể.

Toàn bộ thân vỏ bằng loại gỗ kền kền liền khối chuyên dụng, dài gần 20m, to bản 40-50cm không trụ nổi trước các trận cuồng phong. Tàu rồ ga nổ máy chạy nhanh vào bờ liền bị sóng cuốn bẻ quặt chân vịt, bánh lái. Theo ông Bình, lần này phải đại tu, vá vỏ, thay chân vịt, thiệt hại cả trăm triệu đồng, bằng gần năm đi biển.

Đồng hương Trần Xuân Việt (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chủ tàu HT 92078 vừa lên đà sau 2 ngày đêm chạy biển từ Hà Tĩnh cập bờ Đà Nẵng. Con tàu 150CV vốn hành nghề lưới câu ngang dọc vùng biển Trung bộ, không kịp tránh bão số 11, toàn thân hư hại. “Ở Hà Tĩnh ít xưởng sửa chữa, họ hẹn phải 2 tháng sau mới lên đà nên đành phải vào Đà Nẵng, sửa sớm để còn ra khơi”, anh Việt nói.

Chỉ tính riêng số gỗ kền kền để vá víu vỏ tàu hư hại, phải cần đến hơn 4 khối, mỗi khối trị giá gần 20 triệu đồng. Con tàu này nằm bờ hơn 2 tháng, vừa chạy biển chuyến đầu thì gặp nạn khi neo đậu trong vịnh. Sóng to, gió lớn, tàu va đập vào nhau tự gây họa.

Không buông xuôi

Mâm cỗ cúng tế khấn lạy trời biển trên mũi tàu nghi ngút khói. Thuyền trưởng trẻ Phạm Ngọc Tây (26 tuổi, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) thành kính trước giờ hạ thủy con tàu tại xưởng sửa chữa Lý Cư.

Thuyền trưởng trẻ Phạm Ngọc Tây và ông Cư kiểm tra lần cuối bánh lái con tàu mới trước giờ hạ thủy
Thuyền trưởng trẻ Phạm Ngọc Tây và ông Cư kiểm tra lần cuối bánh lái con tàu mới trước giờ hạ thủy.

Từng là thuyền trưởng tàu QNg 92250TS, Tây cùng với cha - thuyền trưởng Phạm Đức (50 tuổi) chỉ huy đôi tàu QNg 92255TS (gần 450CV) hành nghề giã cào. Gia đình truyền thống nghiệp biển, hai bố con ông Phạm Đức chung đụng cánh bạn tàu lập nhiều đôi tàu giã cào ngang dọc biển khơi.

Tháng 9/2013, ông Đức “ra riêng”, sắm đôi tàu trên. Thuyền trưởng trẻ Tây được giao trọng trách lèo lái con tàu QNg 92250TS trị giá 1,5 tỷ đồng. Chưa trọn chuyến đầu tiên, con tàu nhổ neo vào gấp bờ biển Nhật Lệ (Quảng Bình) để né bão số 10. Trưa ngày 4/10, trận cuồng phong ập đến ngay trước mũi tàu QNg 92250TS. Tàu liên tục chao đảo, vật vã, phá máy thả trôi giữa thời tiết nguy hiểm.

 Phương châm chắc bờ, khỏe biển, xe cộ trên bờ còn dễ vào tiệm sửa chữa chứ ngoài khơi thì khó nhằn lắm

Ông Nguyễn Văn Cư

“Giữa trưa mà như đêm tối. Anh em bị sóng nước tạt vào mặt đến mờ mắt. Chưa đầy tiếng đồng hồ, tàu đột nhiên rách toác một mảng lớn, gãy đôi rồi chìm nghỉm dưới biển”, anh Tây kể. 15 thuyền viên trên tàu vội nhảy xuống biển đang cuộn sóng. “Cận kề cái chết, may sao có tàu ngư dân địa phương trên đường chạy vào núp gió kịp thời phát hiện, cứu sống”, giọng anh Tây bàng hoàng.

“Trôi” 1,5 tỷ đồng do bão số 10, gia đình ông Đức họa vô đơn chí gặp bão số 11. Còn tàu QNg 92255TS vào bờ vẫn bị gió đánh hư hại. Tưởng gia đình gục ngã sau thiên tai, nhưng bão tan, hai bố con ông Đức đánh tàu lên đà, tìm mua lại chiếc tàu khác, sơn sửa, gia cố chuẩn bị mở biển. Theo ông Đức, tàu giã cào phải có đôi, có cặp.

Con tàu mới đang chờ kiểm định, xin biển số, gia cố máy mới, ngót nghét hơn tỷ bạc. Chỉ sau hai trận bão 10, 11, cả nhà mất gần 3 tỷ đồng. Đã theo nghiệp biển phải kiên trì, không gục ngã. Anh Tây cho hay: thời điểm này đang mùa làm ăn của nghề giã cào nên phải cố. Sau bão tố, luồng lạch cá nhiều. Đánh bạc với biển khó nói trước điều gì.

Chắc bờ, khỏe biển

Dọc gần chục cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền tại Đà Nẵng, chỗ nào cũng chật kín tàu thuyền lên đà. Ông Nguyễn Văn Cư, quản đốc Xưởng Lý Cư, cho hay: bình thường chỉ có khoảng 20-30 chiếc lên đà mỗi tháng nhưng những tháng cao điểm sau bão tố, con số này tăng gấp đôi, gấp 3.

Bão số 11 khiến nhiều tàu neo đậu gần bờ vẫn bị xô dồn, vỡ vỏ, nên nhu cầu sửa chữa thân vỏ, gia cố máy quá tải. Nhân công xưởng làm việc hết công suất để kịp thời khắc phục sự cố, giúp tàu hạ thủy. Nhiều lúc tìm không ra công nhân vì cơ sở nào cũng cần. Nhất là đội ngũ thợ mộc, sơn, cơ khí... Các tàu đã lên đà, chi phí cho các loại trùng tu, sửa chữa từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Theo ông Cư, đắt nhất là phần chân vịt, gỗ. Khác với vùng miền khác, tàu Đà Nẵng, miền Trung thường chọn cách đóng tàu liền khối, gỗ dài suốt thân tàu nên gỗ khó chọn, giá thành cao; loại chân vịt mới bằng hợp kim cũng đến 40-50 triệu đồng/chiếc (tùy loại). “Phương châm chắc bờ, khỏe biển, xe cộ trên bờ còn dễ vào tiệm sửa chữa chứ ngoài khơi thì khó nhằn lắm”, ông Cư nói.

Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí trường Kỹ thuật Thủy sản (đóng tại Đà Nẵng), ông Cư theo đuổi nghiệp cơ điện, tu nghiệp thêm 6 năm ở Tiệp Khắc. Năm 1989, ông mở xưởng sửa chữa tàu thuyền tư nhân, đến 2006, ba anh em ruột ông Cư nâng cấp thành cơ sở đóng tàu bề thế Lý Cư hiện nay.

Thập niên 80 thế kỷ trước, ông Cư nổi tiếng là người đầu tiên hạ thủy con tàu 60CV lớn nhất Đà Nẵng cho ngư dân tên Đua (phường Thọ Quang, Sơn Trà). Những năm 2003-2004, khi dự án đánh bắt xa bờ được chú trọng, anh em ông Cư đóng 8 con tàu mới với công suất 250CV/ chiếc thuộc hàng “khủng” lúc đó cho ngư dân Thanh Hóa đặt mua.

Mới đây, tháng 5/2012, xưởng Lý Cư hạ thủy con tàu ĐNa 9044TS, tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung cho thuyền trưởng Lê Văn Sang. Tàu dài 26m, rộng 6m, cao 6m với công suất lên đến 1.200CV. Toàn bộ phần cơ khí, kỹ thuật do ông Cư cùng anh em chung tay thực hiện.

“Tàu lớn nên việc thiết kế, lựa chọn gỗ, kết cấu máy khó khăn. Tuy nhiên, nhìn những con tàu hiên ngang vượt biển, mọi người thêm ấm lòng. Không trực tiếp vượt biển, tôi chỉ mong có thể thành hậu phương vững chắc cho ngư dân mỗi khi cập bờ”, ông Cư nói.

Theo thống kê năm 2012, Đà Nẵng có 10 tàu cá bị thiệt hại về ngư lưới cụ, trên biển xảy ra 24 trường hợp tai nạn, sự cố, trong đó có 12 trường hợp tàu bị hỏng máy, hư hỏng, 11 thuyền viên bị nạn. Thiên tai 2013 khiến hàng chục tàu hư hại.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Đà Nẵng cho hay: toàn thành phố có gần 1.350 tàu thuyền, 457 thúng máy, ngoài ra còn có thêm 400 tàu cá ngoại tỉnh thường xuyên ra vào bán cá và neo đậu.

Tuy nhiên, tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) và một số vị trí khác chỉ neo đậu an toàn cho 1.100 chiếc. Số tàu thuyền bị quá tải lên đến gần 650 chiếc. Thế nên, nguy cơ hư hại trong bão dù đã vào neo đậu vẫn xảy ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.