Thiếu trường học, chợ dân sinh
Theo quy hoạch chi tiết, 2 khu đất mang ký hiệu CXTT và NT trong KĐT Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với tổng diện tích hơn 10.000m2 do Cty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư xây chợ dân sinh và trường học. Tuy nhiên, sau hơn chục năm, KĐT đi vào sử dụng nhưng trường và chợ vẫn chưa thấy đâu, dù đã có quyết định thu hồi từ năm 2002. Tấm biển hiệu: Dự án xây Trường Tiểu học Lômôlôxôp mờ dần theo năm tháng.
Chị Bích Hằng, cư dân KĐT Mễ Trì Hạ chia sẻ, gia đình chị có hai cháu nhỏ bậc tiểu học và mầm non. Tuy nhiên, tại KĐT không có trường học công lập từ mầm non cho đến các bậc cao hơn. Trường mầm non tư nhân ở gần nhà đều có học phí cao, từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng trong khi thu nhập của vợ chồng chị có hạn. Vì thế, chị phải xin cho con đi học tại khu vực quận Cầu Giấy, cách nhà tới hơn 5 km. Đường xa lại hay tắc nên việc đưa con đi học xa hằng ngày khiến gia đình rất vất vả.
Ông Đỗ Huy Hùng, Tổ trưởng dân phố số 5 Mễ Trì Hạ cho biết: “Cư dân KĐT rất bức xúc do thiếu trường học, chợ dân sinh là những nhu cầu thiết yếu của người dân. Xung quanh KĐT hiện có rất nhiều siêu thị cao cấp nhưng bà con không đủ điều kiện kinh tế để mua sắm ở đó. Con cháu chúng tôi phải đi học ở Xuân Đỉnh, Cầu Diễn hay Trung Văn”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hứa Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xác nhận, theo quy hoạch, KĐT Mễ Trì Hạ có một trường mầm non và một trường tiểu học. Hiện trường mầm non đang xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm nay còn trường tiểu học chưa biết bao giờ triển khai.
Theo UBND quận Nam Từ Liêm, hiện trên địa bàn quận có trên 10 KĐT với hàng chục ngàn căn hộ, biệt thự… đã được xây dựng nhưng đều trong tình trạng thiếu trường học. Một lãnh đạo quận cho rằng, hầu hết các dự án đều chậm trễ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng các trường học. Sở dĩ chậm vì các chủ đầu tư lấy lý do kinh phí xây trường học là từ nguồn xã hội hóa nên phải chờ các nhà đầu tư thứ cấp. KĐT Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 đã thực hiện tốt việc xã hội hóa trong phát triển trường học, xây nhiều trường tư nhưng hầu hết do học phí quá cao nên nhiều người dân không đủ sức cho con theo học.
Tình trạng thiếu trường diễn ra phổ biến tại những KĐT lớn như: Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội)... dù theo quy hoạch phê duyệt đều có đầy đủ trường học.
Ô nhiễm
Tại Công văn số 115 (ngày 8/1/2008) của UBND tỉnh Hà Tây nêu rõ, yêu cầu chủ đầu tư KĐT Mỗ Lao (Hà Đông) đặt trạm xử lý nước thải tại khu đất ký hiệu LK-11B. Tuy nhiên, đến nay bóng dáng trạm xử lý nước thải vẫn chưa thấy đâu. Hàng nghìn cư dân sống tại KĐT này không hề hay biết, mọi nước thải sinh hoạt của cư dân đều đổ thẳng ra sông Nhuệ.
Hiện con sông này chảy qua KĐT Mỗ Lao đã đen kịt và bốc mùi hôi thối. Anh Nguyễn Huy, cư dân tòa T1 Euroland cho hay: “Căn hộ của tôi nhìn thẳng ra sông Nhuệ nên mỗi lần trời mưa nước sông bốc mùi khiến gia đình tôi không chịu nổi. Không ngờ bỏ ra tiền tỷ để về nơi được quảng cáo là văn minh, hiện đại lại sống trong cảnh ô nhiễm nặng nề”.
Trong khi đó, cũng tại KĐT mới Mỗ Lao, tòa Mulberry Lane do Cty TNHH Đầu tư Capital Hoàng Thành làm chủ đầu tư từng bị xử phạt vì xả thải gây ô nhiễm môi trường. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Doãn Hữu Châu, Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (CA TP Hà Nội) cho biết, trước đây, tại những KĐT mới chỉ có duy nhất KĐT Mỹ Đình có nơi xử lý nước thải, ngay đến những KĐT hiện đại như Ciputra cũng chây ì xây dựng khu xử lý này. Nay, nhiều KĐT mới cũng bắt đầu đưa trạm xử lý nước thải vào sử dụng nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ đầu tư biện đủ lý do không đưa trạm xử lý nước thải vào sử dụng nhưng cơ quan chức năng chưa xử phạt ai.
“Chúng tôi chỉ có chức năng xử phạt tòa nhà xả thải gây ô nhiễm còn việc KĐT mới có đưa vào sử dụng trạm xử lý nước thải hay không là nhiệm vụ của cấp cao hơn nữa”, ông Châu nói. Trong khi đó, chủ đầu tư KĐT mới Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) cố tình xây thô để đó cho qua mặt cơ quan chức năng khi nghiệm thu. Hàng nghìn cư dân sống trong KĐT thấp thỏm trước nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, bởi hằng ngày sống trong ô nhiễm từ xả thải của KĐT ra môi trường xung quanh.
Ông Hứa Vĩnh Cường, Phó Tổng giám đốc Cty CP Sông Đà Thăng Long, chủ đầu tư KĐT này cho biết, cách đây 5 năm, Sông Đà Thăng Long ký hợp đồng với một công ty lắp thiết bị xử lý nước thải công suất 1.800m3/ngày đêm với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty thiết bị thấy Sông Đà Thăng Long gặp khó khăn về tài chính nên không thực hiện đúng như hợp đồng. Từ đó đến nay, khu xử lý bỏ hoang nên người dân chiếm dụng làm chỗ rửa xe.
Đại diện Phòng Quản lý dự án, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện có 99 dự án KĐT mới, 52 dự án phát triển nhà ở được giao đất có quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải, nhưng mới chỉ có 9 dự án có trạm xử lý nước thải đã được xây dựng và đưa vào vận hành. Nước thải không được xử lý trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung của thành phố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không ít KĐT xả thẳng nước thải ra môi trường khiến các con kênh, mương quanh khu vực bị ô nhiễm, bốc mùi.