Thư nước Mỹ

Sống cho ra sống

TP - “Loài người và muôn vật trên Trái đất đều có một quyền thiêng liêng - tận hưởng vẻ đẹp tưng bừng của mùa xuân” (Lev Tolstoy, Phục Sinh). 
Sống cho ra sống ảnh 1

Tác giả bên hồ Elsinore đẹp nổi tiếng ở Nam Cali

Hello Vi Khanh,

Hơn ba tháng dịch dã, hy vọng ở nhà mọi người vẫn trụ vững còn ở đây, công cuộc “Ở nhà để bảo toàn mạng sống” (Stay home, save lives) của cư dân Cali mới đó đã hơn tháng. Lệnh cấm túc và giãn cách được gia hạn đến 15/5.

BAO GIỜ BÌNH THƯỜNG TRỞ LẠI

Ở nhà nhiều nhất có thể, ra đường không được gần ai quá 1 mét 8 (6 feet), vào chợ và cửa hàng bắt buộc đeo khẩu trang. Những việc cả trăm năm mới làm lại (kể từ dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919) giúp tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ tụt từ vị trí thứ ba xuống thứ năm trong bảng xếp hạng nguy kịch. Riêng với một tín đồ Thiên Chúa giáo như tôi, mùa thương khó năm nay là một trải nghiệm đặc biệt. Ngày qua ngày ở yên một chỗ không tránh khỏi suy nghĩ vẩn vơ.

Đang yên đang lành mọi sự bỗng đảo lộn. Những ngày này chắc bạn cũng như tôi, thỉnh thoảng mới ra khỏi nhà khi có việc tối cần. Nhưng vừa hé cửa, ai thấy mình cũng quay ngoắt, người với người nhìn nhau sao vô cùng xa cách. Tuy vậy nên nhìn nhận sự việc một cách tích cực, bằng không những xáo trộn hiện tại rất dễ gây trầm cảm.

Rốt cuộc không khỏi hoang mang, cứ sống kiểu này có thực là sống. Nhẹ thì nhiều người ghép vần ê a hay sáng tác clip hài, nặng thì trầm ngâm trăn trở như những triết gia. Nặng hơn nữa có lẽ là những “nhà cải cách xã hội” tự phát - thiên tả hay thiên hữu hay trung dung, tất thảy bức xúc cao độ vì bao điều chung quanh và trên toàn thế giới; cả với những ai không bức xúc như họ. Nào là, nên làm gì cho phải đạo “đừng ham sống sợ chết, thực dụng vô trách nhiệm với xã hội và đất nước như thế”, nào là chính phủ và dân nước tôi hay ho hơn nước ông, bất công nơi này nặng hơn nơi kia, rồi tìm hiểu nguyên nhân và thủ phạm gây ra đại dịch.

Trước lễ Phục Sinh, trên truyền hình, mục sư Tin lành Rick Warren, tác giả cuốn “Đời sống có mục đích” đã trả lời câu hỏi “Chúa đang ở đâu? Vì sao Ngài cho phép biến cố đau thương và rối ren này xảy ra?” rằng “Chúa trong tim bạn, và đây là Trái đất chứ không phải Thiên đường”.

CHÍNH PHỦ ÐÃ LÀM GÌ CHO TA

Trái đất quả đã trải qua nhiều cuộc bể dâu. Đầu tháng trước tôi phải lái xe tới siêu thị Target gần biên giới Mexico để mua nước diệt khuẩn do đã hết hàng ở những thành phố khác, tình cờ đi qua hồ Salton Sea ở vùng lòng chảo hạ lưu sông Colorado. Qua hàng triệu năm, cứ chừng dăm thế kỷ thì sông đổi dòng một lần, phù sa bồi đắp kiến tạo nên hồ lớn nhất Cali này từ những vết nứt địa chấn. Mênh mông như biển cả và mặn hơn Thái Bình Dương, thế mà hồ bây giờ rất nông, đang cạn dần.

Theo giáo sư Tahari, đại dịch chính là phép thử trách nhiệm công dân. Một đất nước có dân trí cao, người dân hiểu biết, sáng suốt và tự giác tuân thủ sẽ đẩy lùi dịch nhanh hơn những nơi có quá nhiều luật lệ và sự kiểm soát. 

Không thể tưởng tượng nổi chỉ non nửa thế kỷ trước nơi này là một thắng cảnh nổi tiếng thu hút cả triệu rưỡi lượt du khách mỗi năm. Nhà cửa sầm uất, các ngôi sao điện ảnh hay triệu phú mong đợi nơi này thành khu nghỉ dưỡng như vùng hoang mạc Palm Spring tươi đẹp hùng vĩ cách đó không xa. Song vì khô hạn kéo dài, vì chính sách phân lũ dồn nước cho thành phố San Diego và các khu dân cư khác, thảm họa môi trường đã diễn ra không gì cứu vãn. Lại liên tưởng hạn mặn mấy tháng nay gây hại cho bà con miền Tây ở quê nhà.

Salton Sea cạn dần, nước hồ trở nên mặn chát đầy chất thải từ hệ thống thoát nước trên những cánh đồng chà là, cây ăn quả và hạt. Cá chết hàng loạt, xương xóa phủ kín bờ hồ nom như bãi cát trắng dài vô tận. Những đàn chim thưa thớt dần, nhà cửa từ từ biến mất vì không khí độc hại dễ sinh bệnh tật, gây chứng hen suyễn kinh niên. Chính phủ tiểu bang dự trù ngân sách gần 400 triệu đô la để cứu hộ và cải tạo hệ sinh thái vùng lòng chảo oanh liệt một thời. Song sau hai thập kỷ kế hoạch vẫn nằm đó không được thông qua. Những cư dân còn sống lay lắt quanh đây than vãn: “Chính phủ thật vô tích sự”.

Bao giờ trong các thảm họa, hành động của chính phủ cũng gặp phải phản kháng tương tự trên kia. Sáng ngày Phục Sinh, hầu hết các nhà thờ ở Mỹ tuân theo khuyến cáo chính phủ chuyển sang cầu nguyện nhóm nhỏ tại tư gia. Lần đầu tiên trong lịch sử Thiên Chúa giáo hơn hai ngàn năm, tín đồ không nhóm họp trong các thánh đường lớn. Song mục sư Tony Spell ở Baton Rouge bang Louisiana và điền chủ Ammon Bundy ở bang Idaho một mực chống lại và đòi tổ chức thánh lễ Phục Sinh cho hàng ngàn người. Mục sư cả quyết Chúa sẽ gìn giữ giáo dân, điền chủ nói chính phủ thường bất lực trong mọi vấn đề xã hội, cá nhân có quyền tự do hành đạo và tự bảo vệ sức khỏe.

Chưa biết điều gì sẽ xảy ra, có bao nhiêu vụ bắt bớ xử phạt cho các cuộc hội họp ngày hôm nay. Phần lớn các vi phạm bắt nguồn từ sự thiếu lòng tin của dân chúng vào chính phủ. Luôn có hai thái độ: hoặc cho rằng chính phủ càng nhỏ càng tốt, chỉ cần tròn trách nhiệm bảo vệ đất nước, thu thuế cho các công trình công cộng, kiểm soát tư pháp và hành pháp; hoặc mong muốn chính phủ đóng vai tròn lớn trong điều hành kinh tế, cung cấp phúc lợi, bảo vệ công bằng xã hội trước thảm họa.

Những ai có kinh nghiệm không hay về một thể chế hay chính sách thường có xu hướng đi theo đường hướng đối lập. Giới trẻ Mỹ ngày nay phải đương đầu với khó khăn về những quyền cơ bản - giáo dục, y tế, nhà ở quá đắt đỏ so với thu nhập - nên mong muốn nhà nước trợ giúp cho những quyền cơ bản ấy. Trong khi đó tầng lớp trung lưu lớn tuổi hơn tin vào sự giảm thiểu mức can thiệp của chính phủ, giảm thuế và gánh nặng trợ cấp xã hội.

Riêng trong việc đối phó đại dịch, chính phủ nào biết lo xa như Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, thường có các giải pháp tình thế hiệu quả. Chính phủ Mỹ cũng đang tự điều chỉnh và tự tin đã đi đúng hướng. Tổng thống dần biết lắng nghe hơn. Tựu trung, nếu các chính trị gia đáp ứng nguyện vọng đa số, đặt quyền lợi người dân trên hết, giảm thiểu tham nhũng lợi dụng chức quyền (như bán tống cổ phiếu) thì sẽ có vai trò tích cực đẩy lùi đại dịch.

Song đáng tiếc tôi và bạn không thể kiểm soát việc này. Sau những ngày đầu náo loạn tích trữ đồ ăn thức uống và giấy toilet phòng khi đại dịch kéo dài, chúng ta nên lắng lại xem điều gì thật sự quan trọng trong quyền được sống cho ra sống của mình. Cái ăn cái mặc, tập luyện, phim ảnh, sách hay internet, hoa trong nhà hay những chuyến đi xa. Người coi trọng việc gần gũi gia đình người thân, người ao ước các cuộc hẹn hò, người mong được một mình ung dung tự tại. Muôn người muôn vẻ, muôn hoàn cảnh và số phận, song đều cần tự điều chỉnh sao cho nhu cầu cá nhân phù hợp hoàn cảnh chung, với hy vọng mong manh là quyền tư ẩn vẫn được tôn trọng.

TA ÐÃ LÀM GÌ CHO ÐẤT NƯỚC

Những biện pháp khẩn cấp của chính phủ và các tổ chức quốc tế nhằm đẩy lùi đại dịch, như dò thân nhiệt hay dò tung tích di chuyển qua dữ liệu điện thoại thông minh và thẻ tín dụng, đều thâm nhập sâu đời sống từng cá nhân. Theo giáo sư sử học người Israel Yuval Noah Harari, “Nếu anh có thể theo dõi được thân nhiệt, huyết áp và nhịp tim của tôi trong khi tôi xem một đoạn video, anh sẽ biết điều gì làm tôi cười hay khóc, hay làm tôi vô cùng giận dữ”.

Xét cho cùng về mặt sinh học, một tràng cười lớn hay một cơn ho nào có khác nhau. Vì thế ta cần biết sống sao cho thoải mái khi tự do cá nhân giờ đây chỉ ở mức tương đối. Cách tốt nhất nên lựa chọn là biết cân bằng lợi ích của mình với cộng đồng và đất nước. “Hành động như thể mình đang mang virus, tự tránh xa người trước khi người tránh xa mình” nằm trong nhận thức này. Xét cho cùng ta chỉ kiểm soát được hành động của mình chứ không thể điều khiển người khác. Muốn mình không bị lây nhiễm hãy tránh lây nhiễm cho người khác trước.

Lựa chọn, lựa chọn và lựa chọn. Luôn là việc nan giải trong những hoàn cảnh bất thường như hiện nay, dù đối với cá nhân, chính phủ hay tổ chức quốc tế. Càng khó khăn hơn nếu phải lựa chọn dựa trên nỗi sợ hãi hay sự bắt buộc phải tuân thủ quyết định của người khác. Chính phủ thường phải đưa ra quyết định đóng mở nền kinh tế sao cho thiệt hại về người và của ở mức thấp. Y bác sĩ phải hành động vì an toàn cao nhất cho bản thân và người bệnh. Không phải lúc nào cũng dễ chọn các ưu tiên chữa trị trong điều kiện thiếu dụng cụ y tế. Lựa chọn cho người khác bao giờ cũng khó khăn hơn cho mình. Song nếu xuất phát từ tình yêu thương và tinh thần hy sinh tự nguyện, mọi chuyện chắc chắn dễ dàng hơn.

Hẳn bạn đã nghe câu chuyện những bệnh nhân lớn tuổi ở Ý nhường máy thở cho các bệnh nhân trẻ có cơ hội lành bệnh hơn, hay thuyền trưởng Brett Crozier của tàu sân bay năng lượng hạt nhân Theodore Roosevelt quyết định viết thư kêu cầu cứu cấp trên bảo vệ tính mạng thủy thủ trước sự lây lan của virus, dù việc này cuối cùng khiến ông bị cách chức. Trong hoàn cảnh nào lựa chọn dựa trên lý trí và tình cảm vì người khác cũng đáng nể phục. Thủ tướng Anh Boris Johnson từng chọn con đường chính trị vì lợi ích của tầng lớp lao động, chọn một cái tên bình dân không dính dáng đến gốc gác quí tộc. Khi nhiễm bệnh ông cũng có thái độ nhất quán, chọn vào chữa trị ở một bệnh viện công.

Lev Tolstoy từng viết trong tiểu thuyết “Phục Sinh” giàu triết lý rằng “Mọi rắc rối trong cuộc đời đều do người ta loại bỏ sự tình yêu thương ra khỏi các quan hệ giữa người với người. Trên thực tế điều này không tồn tại. Con người có thể bổ củi, đóng gạch, rèn sắt một cách vô cảm, nhưng đối xử với người khác mà không có tình yêu thương thì chẳng khác nào bất cẩn chọc vào một tổ ong”.

Bên cạnh tình thương yêu là nghĩa vụ với cộng đồng. Đại dịch giúp ta thấy sự bình đẳng trước thảm họa. Virus không từ một ai từ thái tử, chính khách, công nương đến người lao động nghèo hay tù nhân. Nó có thể lấy đi mạng sống của những cụ ông cụ bà được coi là những di sản văn hóa sống, hay những người mẹ trẻ, cả đấu thủ chạy marathon đến một người vô gia cư. Vì vậy dù ở tầng lớp nào trong xã hội, tưởng cũng nên có nghĩa vụ với đất nước và cộng đồng. Những người Mỹ trung lưu cần mẫn chăm chỉ thường cho rằng mình sống có trách nhiệm song hơi ích kỷ.

Trong những ngày này họ thường nhắc nhau về lòng tự tôn, một phẩm chất Thượng đế ban riêng cho loài người. Lòng tự tôn giúp ta yêu thương đồng cảm với những người vô gia cư kém may mắn, đồng thời khuyến khích họ tôn trọng giãn cách giao tiếp, không đóng lều sát nhau và không gây khó khăn nguy hiểm nhiễm bệnh cho cảnh sát và nhân viên xã hội. Theo giáo sư Tahari, đại dịch chính là phép thử trách nhiệm công dân. Một đất nước có dân trí cao, người dân hiểu biết, sáng suốt và tự giác tuân thủ sẽ đẩy lùi dịch nhanh hơn những nơi có quá nhiều luật lệ và sự kiểm soát.

THẾ GIỚI SAU ÐẠI DỊCH CÓ CÒN NHƯ XƯA

Thế giới sau đại dịch có còn được như xưa?- chủ đề khá mới để bàn luận giải khuây.

Chúng ta nhớ những ngày đường phố đông nghẹt, không phải vì sợ kẹt xe mà vì tiếc nuối một thời vô tư không ám ảnh, có đứng gần người lạ cũng không sao. Dù sau này còn bắt tay ôm hôn hay không (riêng thế hệ mình may mắn không có thói quen này), ta chỉ không nên mang vào tương lai nỗi sợ. Nếu đi thang bộ thay vì thang máy, bớt ra ngoài ăn tối để ở nhà nấu nướng với gia đình trở thành một thói quen tự nguyện và vui vẻ, không vì lo nhiễm bệnh, thì cuộc sống sau này có còn được như xưa hay không nào có gì quan trọng. Ta sẽ là một ta hơn xưa, tin yêu không sợ hãi.

Hôm nay tôi chọn một chiếc khăn đẹp làm khẩu trang dạo phố sưởi nắng. Đang thong dong thì thấy một anh “homeless” (vô gia cư) đang khui thùng rác. Thùng rác dạo này ít đồ vì đường rất vắng, chẳng biết anh có tìm được gì không. Tôi vẫn bước tới, lòng hơi buồn vì không có sẵn mấy đồng bạc lẻ trong túi áo để biếu anh. Tiềm thức luôn có sự đề phòng cố hữu không bao giờ lục ví ngoài đường (một nỗi sợ mơ hồ?). Khi tôi lại gần, anh ngẩng lên đeo vội khẩu trang lên mặt để tôi khỏi ngại.

Tự nhiên thấy mắt mình cay cay.

Giữ gìn sức khỏe bạn nhé.

Đại dịch giúp ta thấy sự bình đẳng trước thảm họa. Virus không từ ai cho nên dù ở tầng lớp nào trong xã hội, tưởng cũng nên có nghĩa vụ, trách nhiệm với đất nước và cộng đồng.

Sống cho ra sống ảnh 2 Cá chết, xương trắng phủ kín bờ hồ Salton Sea
Sống cho ra sống ảnh 3 Những chiếc khẩu trang vải xinh đẹp này là giải pháp tình thế của chủ một tiệm tóc đắt khách ở San Francisco. Đồ làm tay, giá 25 đô. Tôi mua ủng hộ một chiếc. Ảnh: LÃ HOA
Sống cho ra sống ảnh 4  
Sống cho ra sống ảnh 5  
Sống cho ra sống ảnh 6 Những quầy hot dog nằm im lìm trên con phố ở Seattle trong dịch  Ảnh: The New York Times

Sau những ngày đầu náo loạn tích trữ đồ ăn thức uống và giấy toilet, có lẽ ta nên lắng lại xem điều gì thật sự quan trọng trong quyền được sống cho ra sống của mình. Muôn người muôn vẻ, muôn hoàn cảnh và số phận, song đều cần tự điều chỉnh sao cho nhu cầu cá nhân phù hợp hoàn cảnh chung, với hy vọng mong manh là quyền tư ẩn vẫn được tôn trọng.

 
MỚI - NÓNG