Sơn nữ K’Ho 'bắt chồng' giữa đêm khuya

0:00 / 0:00
0:00
Đeo vòng đính ước tại lễ ăn hỏi
Đeo vòng đính ước tại lễ ăn hỏi
TPO - Một lễ “bắt chồng” truyền thống của sơn nữ K’Ho vừa được phục dựng tại thôn Măng Lin (phường 7, TP.Đà Lạt), với sự chứng kiến của hàng trăm du khách đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Đêm 23/4, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Lâm Đồng phối hợp với UBND TP.Đà Lạt và một số nghệ nhân của huyện Lạc Dương phục dựng lễ cưới (Lễ Tơm Bau) của người K'Ho.

Sơn nữ K’Ho 'bắt chồng' giữa đêm khuya ảnh 1

Quang cảnh lễ cưới được phục dựng

Già làng Bon Tô Sa Nga cho biết người K’Ho theo chế độ mẫu hệ, sơn nữ “bắt chồng”, đàn ông thường sống bên nhà vợ. Sau thời gian hẹn hò, khi đã ưng bụng chàng trai nào đó, sơn nữ sẽ chủ động nói với gia đình để đến nhà chàng trai đặt vấn đề “bắt chồng”.

Sơn nữ K’Ho 'bắt chồng' giữa đêm khuya ảnh 2

Trai làng đánh cồng chiêng mừng đám cưới

Khi nhà trai đồng ý thì việc dạm hỏi và sắm sanh lễ vật cưới đều do nhà gái lo liệu. Lễ hỏi diễn ra ở nhà trai vào ban đêm vì nhà gái muốn tránh bị dân làng gièm pha nếu việc “bắt chồng” không thành.

Lễ vật trong đám hỏi gồm 2 vòng đồng, gà, rượu cần, gạo nếp… “Nếu đôi trai gái đã trao nhau chiếc vòng với sự chứng kiến của dòng họ hai bên mà sau này tháo ra thì bị phạt một con trâu”, già Sa Nga nói.

Nhà trai có quyền thách cưới và nhà gái phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà trai. Lễ vật thách cưới gồm con trâu, chiêng quý (Ma - la), ché cổ (Sơn - tồ). Ngoài ra còn có heo, gà, chuỗi hạt cườm, quần áo và khăn dệt thổ cẩm…

Sơn nữ K’Ho 'bắt chồng' giữa đêm khuya ảnh 3

Tặng chuỗi hạt cườm cho nhà trai

Nếu nhà trai thách cưới quá cao thì nhà gái xin khất nợ và sẽ trả sau đám cưới. Có những gia đình quá nghèo nên phải nhiều năm sau mới trả đủ lễ vật thách cưới.

Khi tiến hành lễ cưới thì nhà trai sẽ tổ chức trước, đón cô dâu và bố trí cho cô ngồi ở một vị trí trang trọng giữa gian nhà chính. Tuy nhiên, trước khi vào nhà, cô dâu sẽ phải tiến hành nghi thức rửa chân như sự cam kết giữ gìn sự trong sạch, thủy chung.

Nghi lễ ném ruột gà là việc quan trọng nhất trong đám cưới để công nhận đôi trẻ đã chính thức thành vợ thành chồng. Từ nay họ sẽ được tự do đi lại giữa hai bên gia đình.

Sơn nữ K’Ho 'bắt chồng' giữa đêm khuya ảnh 4

Cặp gà dùng để cúng và thực hiện nghi lễ ném ruột gà

Lễ cưới thường kéo dài một ngày một đêm trong tiếng chiêng huyễn hoặc của các chàng trai và những điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển của các sơn nữ với những bài chiêng mời quan khách, đâm trâu, độc tấu chiêng đôi…

Sơn nữ K’Ho 'bắt chồng' giữa đêm khuya ảnh 5

Chú rể uống rượu giao bôi

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, chương trình phục dựng lễ cưới của người K’Ho là một trong chuỗi hoạt động nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, tạo nên sản phẩm du lịch mới góp phần thu hút du khách đến Lâm Đồng.

Sơn nữ K’Ho 'bắt chồng' giữa đêm khuya ảnh 6

Các sơn nữ múa nhịp nhàng trong vòng xoang

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.