Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong điều kiện phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được của năm 2011 và sáu tháng đầu năm 2012 là đáng trân trọng.
Chủ tịch QH cho rằng, cần sớm hoàn thiện, tổ chức thực hiện có kết quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu đầu tư công; đẩy nhanh việc giải ngân gắn với quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ...
Hoàn thiện cơ chế pháp lý để quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Có lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng dầu, than, vật tư cho sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch QH yêu cầu, tập trung xử lý những bất cập trong quản lý đất đai, trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, chính sách giá cả trong đền bù, giải phóng mặt bằng.
Đến cuối năm 2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi cả nước.
Từ nay đến 31-12-2012, tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp, kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm, trước hết là các vụ việc về đền bù, giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu đô thị, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và người có đất bị thu hồi.
Tăng cường giám sát tập đoàn
Trước đó, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó ghi nhận một số giải pháp mà Phó thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã cam kết.
QH nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế pháp lý về quản lý các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, tập trung vào các vấn đề về đại diện chủ sở hữu; phân cấp và làm rõ trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan quản lý tổng hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước, cơ chế giám sát tài chính; Đặc biệt quan trọng là quy định về nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tăng cường giám sát, kiểm tra, cơ cấu lại, xử lý các tồn tại ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; xác định lộ trình thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; bảo đảm để các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phát triển bền vững, góp phần vào điều tiết thị trường, phát triển sản xuất - kinh doanh.
Sáng 21-6, với 99,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam.